Chính thức hoá nền kinh tế phi chính thức-Vai trò của hệ thống hợp tác xã

Sáng 21/11, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức hội thảo 'Chính thức hoá nền kinh tế phi chính thức-Vai trò của hệ thống hợp tác xã tại Việt Nam"

 

Thực hiện khung hợp tác về việc làm bền vững 2017-2021 và kế hoạch hợp tác giữa Liên minh Hợp tác xã Việt Nam với Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO), sáng 21/11, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Chính thức hoá nền kinh tế phi chính thức-Vai trò của hệ thống hợp tác xã tại Việt Nam”.

Kinh tế phi chính thức tồn tại từ rất lâu và đã trở thành một bộ phận quan trọng trong cấu thành của các nền kinh tế trên thế giới, nhất là với các nước đang phát triển như Việt Nam, ngay cả trong bối cảnh các khái niệm và định nghĩa về kinh tế phi chính thức và việc làm phi chính thức còn chưa thống nhất.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã (HTX) Việt Nam có thể hiểu kinh tế phi chính thức là khu vực tồn tại việc làm phi chính thức; tập hợp các đơn vị kinh tế sản xuất sản phẩm và dịch vụ, tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho những người có liên quan, đóng góp vào GDP mà khu vực kinh tế chính thức không với tới được.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Kinh tế phi chính thức đưa đến những cơ hội việc làm phi chính thức, tức là việc làm không có bảo hiểm xã hội, là việc làm của cả khu vực kinh tế phi chính thức và có thể một phần việc làm của khu vực kinh tế chính thức. Do đó, việc chính thức hóa nền kinh tế phi chính thức là một trong những giải pháp nhằm đạt được mục tiêu của Chương trình hợp tác quốc gia về việc làm bền vững tại Việt Nam giai đoạn 2017 - 2021.

Đồng thời cũng góp phần tạo môi trường thuận lợi cho các cơ hội kinh doanh bền vững, tạo ra cơ hội làm việc có hiệu quả và thu nhập công bằng cho người dân Việt Nam, mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội và giảm các hình thức việc làm không thể chấp nhận được theo tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, việc thúc đẩy thành lập, phát triển hợp tác xã là một trong những công cụ hữu hiệu, cầu nối giúp chính thức hóa nền kinh tế phi chính thức, tập hợp các hộ gia đình, các cá nhân trở thành thành viên hợp tác xã. Từ đó, thông qua hợp tác xã tổ chức thực hiện các chính sách lao động, việc làm cho các thành viên và từng bước áp dụng các tiêu chuẩn lao động quốc tế vào khu vực hợp tác xã.

Ông Chang Hee Lee, Giám đốc ILO tại Việt Nam, Điều 12 quy định của ILO ghi nhận HTX là công cụ quan trọng để chính thức hóa nền kinh tế phi chính thức. Thông qua các HTX, người lao động ở vùng sâu, vùng xa có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận với việc làm. Do đó cần thúc đẩy sự phát triển của các HTX và để HTX đóng vai trò tích cực hơn trong việc chính thức hóa nền kinh tế phi chính thức. Việt Nam được coi là một trong những quốc gia có tỷ lệ rất cao về người lao động trong phi chính thức và ILO cũng nhìn nhận vai trò to lớn của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong nền kinh tế phi chính thức.

Ông Chang Hee Lee - Giám đốc ILO Việt Nam

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam), đa số lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã đồng thời là thành viên của hợp tác xã, việc làm là do hợp tác xã tạo ra. Hợp tác xã ký kết hợp đồng lao động với từng người theo quy định của Bộ Luật Lao động. Những việc làm này do HTX, liên hiệp HTX tạo ra, một phần khác do các HTX, Liên hiệp HTX hỗ trợ để thành viên tự tạo ra việc làm. Tuy nhiên, do nhận thức về bản chất, nguyên tắc của hợp tác xã của một bộ phận cán bộ quản lý nhà nước và nhân dân chưa thống nhất, chưa đầy đủ và vẫn coi hợp tác xã là cánh tay nối dài của chính quyền địa phương để hỗ trợ triển khai thực hiện các chính sách, nhiệm vụ chính trị - xã hội là chính.  Vì thế, lao động, việc làm trong khu vực hợp tác xã chưa được coi trọng và người làm việc trong khu vực hợp tác xã chưa coi đó là việc làm chính nên khó thực hiện các chính sách như đào tạo, bảo hiểm.

Quang cảnh buổi Hội thảo

Là tổ chức đại diện của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại Việt Nam, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam được thành lập ở Trung ương và 63 tỉnh, thành phố. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã, mục tiêu phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã giai đoạn 2018 - 2020 là thành lập mới ít nhất 5.000 tổ hợp tác, 2.300 HTX trở lên, xây dựng 1.000 HTX gắn với chuỗi giá trị; số lượng cán bộ HTX tham gia đào tạo, bồi dưỡng tăng 30%, thu nhập của thành viên HTX tăng 15%; 100% cán bộ quản trị của HTX được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản trị HTX.

Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước triển khai nhiều hoạt động trong phát triển khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã tại Việt Nam. Trong quan hệ đối tác với Tổ chức ILO tại Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam là một trong 3 tổ chức ba bên của Việt Nam, đại diện cho tổ chức sử dụng người lao động trong triển khai Chương trình quốc gia Việc làm bền vững giai đoạn 2016-2020. 

Để nâng cao năng lực của hệ thống Liên minh HTX trong vai trò nòng cốt phát triển hợp tác xã vì việc làm bền vững, bà Phạm Thị Hồng Yến, Trưởng ban Hợp tác quốc tế (Liên minh HTX Việt Nam) đề xuất, cần nâng cao năng lực của Liên minh HTX các cấp với vai trò đối tác ba bên trong việc thúc đẩy quan hệ lao động trong khu vực hợp tác xã. Cùng với đó, hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ tư vấn thành lập, hỗ trợ hợp tác xã, đào tạo lớp giảng viên nguồn và cử chuyên gia nghiên cứu, đề xuất tầm nhìn phát triển lao động có chất lượng cho khu vực hợp tác xã và hệ thống Liên minh HTX trong giai đoạn tới./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận