Xuất khẩu 2019, liệu có cán đích?

  • 14/11/2019 01:13:29
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Xuất khẩu 2019 dự kiến đạt 261 - 262 tỷ USD, tăng khoảng 7-7,5% so với năm 2018, mục tiêu để cán đích rất mong manh khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa kết thúc năm.

 

 

Việt Nam tiếp tục xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp

Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, năm 2019, trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất khẩu vẫn tăng khoảng 7,9%. Điểm sáng là kim ngạch của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh và Việt Nam tiếp tục xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp. Mặc dù chịu ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, song nhờ lợi thế các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều là các sản phẩm thiết yếu phục vụ tiêu dùng, nên tình hình xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vẫn được đánh giá là tương đối tích cực trong bối cảnh chung.

Cụ thể, trong 10 tháng năm 2019 có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điện thoại và linh kiện vẫn là nhóm có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 43,5 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 17,1%; hàng dệt may tăng 8,7%; giày dép tăng 11,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 7,6%. Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, sau khi đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm 2018, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Đặc biệt, năm 2019 có 31/45 mặt hàng có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, 28 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 90,96% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ dự báo tiếp tục tăng trưởng khi các nhà nhập khẩu nước này đẩy mạnh tìm kiếm hàng hóa thay thế hàng Trung Quốc và các cơ sở sản xuất mới sau khi dịch chuyển đầu tư.

TS. Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, Bộ Công Thương cho rằng, “bức tranh” xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm đến nay, điểm đáng chú ý hơn cả là bước chuyển biến khá rõ ở khối doanh nghiệp trong nước so với khối doanh nghiệp FDI. Điều này được thể hiện qua những con số, như tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 16,2%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (3,9%). Tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 28,4%).

Cần các nhóm giải pháp phù hợp

Theo kế hoạch của Bộ Công Thương, xuất khẩu 2019 dự kiến đạt 261 - 262 tỷ USD, tăng khoảng 7-7,5% so với năm 2018. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp về thiên tai, dịch bệnh… đặc biệt là những vấn đề về thương mại và thị trường như: chiến tranh thương mại, gian lận thương mại, rào cản thương mại, xuất xứ hàng hoá... như hiện nay, nếu muốn đạt được mục tiêu này thì những tháng còn lại  cần xuất được 23,2 - 23,4 tỷ USD. Bộ Công Thương nhận định, đây là nhiệm vụ khó khăn bởi lần gần nhất xuất khẩu Việt Nam chạm mốc 23 tỷ USD đã là tháng 8/2018. Trong khi đó, những mặt hàng Trung Quốc giảm nhập khẩu so với cùng kỳ gồm gạo, cá đông lạnh, cao su thiên nhiên, xơ sợi, máy vi tính và linh kiện, thủy tinh, giấy, nhựa, sắt thép, kim loại thường. Trong đó, điện thoại và gạo ảnh hưởng nhiều nhất. Xuất khẩu điện thoại giảm 549 triệu USD, góp phần lớn nhất vào sự đi xuống của thị trường này. Xuất khẩu gạo cũng giảm 329 triệu USD so với cùng kỳ, tương đương khoảng 30%.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết, tính đến giữa tháng 10, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt hơn 6,6 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, thủy sản đạt 7 tỷ USD, giảm 3,4%; rau quả đạt 3,1 tỷ USD, giảm 5,8%; hạt điều đạt 2,7 tỷ USD, giảm 3,8%; gạo đạt 2,4 tỷ USD, giảm 7,8% (lượng tăng 6,1%); cà phê đạt 2,4 tỷ USD, giảm 21,5%; hạt tiêu đạt 629 triệu USD, giảm 7,4%…

Còn theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), tính đến tháng 9, hầu hết các đơn vị chưa đủ đơn hàng cho đến cuối năm. Trước tình hình đó, Vinatex dự báo xuất khẩu dệt may trong năm 2019 sẽ đạt khoảng 39,6 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa, xuất khẩu dệt may cả năm không đạt được mục tiêu đã đề ra là 40 tỷ USD.

Tương tự dệt may, nhóm hàng chủ lực của khối doanh nghiệp trong nước là nông, lâm, thủy sản cũng dự báo khó cán đích. Mặc dù lượng xuất khẩu tăng, song giá hầu hết các mặt hàng nông sản giảm từ 10-15%, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm này nhiều khả năng chỉ tăng quanh mức 3% so với cùng kỳ năm 2018. Mục tiêu tổng giá trị xuất khẩu cả năm 2019 đạt 43 tỷ USD đặt ra từ đầu năm đến nay là khá mong manh.

Trước tình hình này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để chủ động trong công tác điều hành, có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu và tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa; tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam...

TS. Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, Bộ Công Thương khẳng định, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Doanh nghiệp đặc biệt cần phòng ngừa với các biện pháp kỹ thuật mà cả 2 quốc gia này có thể và sẽ áp dụng để bảo vệ cho doanh nghiệp và thị trường của họ. Theo đó, Bộ sẽ có những giải pháp hữu hiệu cho tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2019 và năm 2020. Đồng thời Bộ sẽ nghiên cứu, xây dựng kịch bản xuất nhập khẩu cho các thị trường, ngành hàng, đề ra các nhóm giải pháp phù hợp với từng nhóm doanh nghiệp, địa phương ngành hàng xuất khẩu.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận