Món nợ 50 triệu đồng chỉ sau 4 tháng đã “lãi mẹ đẻ lãi con” thành hơn 1 tỉ 300 triệu đồng, từ mức lãi thấp nhất 178% và cao nhất 5.475%, có lẽ là sự phát sinh nợ kinh khủng nhất mà người ta được biết đến sau khi công an thành phố Hải Phòng điều tra vụ việc và tóm gọn nhóm chuyên cho vay nặng lãi. Thế nhưng, đây không phải là nhóm cho vay nặng lãi duy nhất trong cả nước, và trên thực tế, các hoạt động cho vay nặng lãi, thường được gọi dưới cái tên “tín dụng đen” vẫn hoạt động mạnh ở khắp nơi, bất chấp các quy định của luật pháp.
Hàng ngày, người sử dụng điện thoại di dộng vẫn bị quấy rầy bởi những tin nhắn, những cuộc điện thoại, những quảng cáo mời mọc vay tiền với lãi suất ưu đãi. Đằng sau những hứa hẹn “ngọt ngào” đó là gì? Là è cổ trả lãi với mức lãi suất cao gấp nhiều lần mức lãi suất quy định của các ngân hàng thương mại, cùng nguy cơ mất nhà cửa, mất cuộc sống yên bình khi không trả được nợ. Lãi suất phổ biến hiện nay được những người cho vay lãi áp dụng là 3.000 đ - 5.000 đ/triệu đồng/ngày, tức là nếu vay 100 triệu đồng, mỗi ngày bạn sẽ mất ít nhất 300.000 đồng, sau 1 năm mất 109,5 triệu đồng tiền lãi, cao hơn cả số tiền gốc vay ban đầu. Nếu không may gặp phải đối tượng cho vay nặng lãi mức cắt cổ như vụ việc vừa được phát hiện, thì số tiền bạn phải trả sẽ vô cùng lớn. Trong khi đó, lãi suất cho vay tối đa của các ngân hàng thương mại hiện không quá 15%/năm, tức là nếu vay 100 triệu đồng, số lãi phải trả 1 năm của bạn là 15 triệu đồng.
Lãi suất ngân hàng hấp dẫn như vậy, nhưng vì sao người dân, kể cả những người làm ăn kinh tế, không ngờ nghệch với những phép tính, vẫn tìm đến “tín dụng đen”? Đó là vì khi tìm đến “tín dụng đen”, nhu cầu vốn của họ sẽ được đáp ứng ngay, không cần thủ tục rườm rà, không cần thế chấp, tín chấp, không cần xác nhận của địa phương, nơi làm việc... Muốn vay bao lâu thì vay, muốn trả lúc nào thì trả, miễn là trả đủ cả gốc lẫn lãi. Còn khi vay ngân hàng, nếu trả khoản gốc trước hạn, bạn cũng bị…phạt. Dĩ nhiên, mặt trái của “tín dụng đen” thì ai cũng biết, nhưng không dễ để tránh việc vay lãi này, nếu nhu cầu vốn bất ngờ, gấp gáp và quay vòng nhanh.
“Tín dụng đen” không chỉ gây bất ổn xã hội, mà còn gây nhiều tổn hại về kinh tế, thậm chí đã từng xảy ra những án mạng từ vay nặng lãi…nhưng cho đến nay vẫn chưa có một giải pháp quản lý hữu hiệu nào được đưa ra. Ngay cả khi đưa ra nghị trường, thì vấn đề được bàn đến vẫn chỉ là có nên hợp thức hóa hoạt động đòi nợ hay không? Chỉ khi nào có giải pháp để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận thuận lợi hơn với các nguồn vốn hợp pháp của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng; chỉ khi nào hoạt động “tín dụng đen” được quản lý bằng những chế tài pháp lý chặt chẽ, thì khi ấy những góc khuất “tín dụng đen” mới được làm sáng tỏ, và việc vay, cho vay, đòi nợ mới tuân thủ đúng các quy định của luật pháp./.