Kiểm soát môi trường trong chăn nuôi

  • 31/10/2019 11:57:17
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Áp lực từ chăn nuôi lên môi trường có nhiều điều đáng bàn.

 

Sau 10 năm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/1/2008 phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, ngành chăn nuôi đã và đang phát triển trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Song, cùng với sự phát triển đó, áp lực từ chăn nuôi lên môi trường có nhiều điều đáng bàn.

Sức ép từ quy mô nông hộ

Đã nhiều năm nay, các hộ dân cạnh nhà ông Ng.V.H ở Hồng Cát, Nam Trực, Nam Định phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường không khí do mùi hôi thối bốc lên từ trại chăn nuôi lợn. Trại nuôi của gia đình gia ông Ng.V. H được xây sát ngay nhà ở, và nuôi với quy mô nhỏ chỉ trên dưới 10 con lợn mỗi lứa. Nhưng do không xử lý tốt chất thải nên mùi khó chịu ra khiến người dân sinh sống xung quanh ngày càng bức xúc.

Một hộ dân sống cạnh trại chăn nuôi cho biết: “Nhiều lúc nghĩ hàng xóm láng giềng sống với nhau nhiều năm nên nể tình không dám nói. Tôi đã dùng bạt che kín phía giáp với nhà ông Ng.V.H nhưng vẫn không ngăn được mùi”. Được biết gia đình ông Ng.V.H cũng xây hệ thống biogas, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không được giải quyết.

Tình trạng này không chỉ diễn ra ở xã Nam Hồng, Nam Trực Nam Định mà là vấn nạn chung của nhiều vùng nông thôn. Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi (Quy chuẩn 62), các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có diện tích chuồng trại dưới 50 m2 không phải thực hiện thủ tục đánh giá, lập kế hoạch bảo vệ môi trường. Do đó, việc kiểm soát môi trường hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại các địa phương gần như bỏ ngỏ.

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tại hội thảo lấy ý kiến đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020(giai đoạn 2008 - 2018 ) và định hướng phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2040, tính đến năm 2018, vẫn còn 3,2% số trang trại trong tổng số tổng số 19.639 trang trại chăn nuôi cả nước chưa áp dụng bất kỳ biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi. Đối với quy mô nông hộ 53% trong tổng số khoảng 8,2 triệu hộ chăn nuôi áp dụng một trong các biện pháp xử lý chất thải và vẫn còn 47,0% số hộ chăn nuôi chưa áp dụng bất kỳ biện pháp xử lý chất thải. Theo đánh giá, mỗi năm, ngành chăn nuôi xả ra môi trường gần 90 triệu tấn chất thải rắn và khoảng 50 triệu m3 chất thải lỏng.

Chăn nuôi nông hộ khó kiểm soát về môi trườngTheo ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi: “Chăn nuôi nông hộ vẫn chưa kiểm soát chất thải từ chăn nuôi và chưa đáp ứng được yêu cầu về bảo đảm vệ sinh môi trường và cũng chưa có đủ chế tài xử lý với các đối tượng này”. Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết thêm, đồng thời, cơ sở giết mổ nhỏ lẽ được đánh giá là nguyên nhân gây ra các vấn đề về ô nhiễm môi trường. Hiện trên cả nước còn trên 27.000 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ tập trung chủ yếu ở một số địa phương khu vực phía Bắc. Ở các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ này, tỷ lệ kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm ở mức ở mức thấp 5% hoặc không kiểm soát được (không có đăng ký kinh doanh), không truy xuất được nguồn gốc đối với sản phẩm chăn nuôi.

Việc chậm trễ trong việc xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, vị trí cơ sở giết mổ tập trung không thuận tiện giao thông, cách thức tổ chức phân phối sản phẩm sau giết mổ chưa hợp lý, cũng như thói quen tiêu dùng thịt nóng của người dân được xem là nguyên nhân tạo điều kiện cho sự tồn tại của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Chuyên nghiệp hóa chăn nuôi nông hộ

Để khắc phục những tồn tại, ông Nguyễn Xuân Dương đưa ra giải pháp, giai đoạn 2020 - 2030, sẽ phát triển ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại - công nghiệp hóa chăn nuôi trang trại và chuyên nghiệp hóa chăn nuôi nông hộ, gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh và thích ứng với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Biện pháp sử dụng các loại côn trùng ăn chất thải chăn nuôi như trùn quế, ruồi lính đen là giải pháp bền vững, đang được áp dụng nhiều trong chăn nuôi nông hộ, mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi, vừa giúp xử lý chất thải chăn nuôi, vừa tăng thêm thu nhập từ việc bán nguồn protein thu được từ côn trùng cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản và tận dụng được nguồn phân bón hữu cơ từ phân của côn trùng. Bên cạnh đó, cơ sở chăn nuôi có thể lựa chọn giải pháp công nghệ để xử lý chất thải chăn nuôi như khí sinh học, đệm lót sinh học, chế phẩm xử lý môi trường chăn nuôi được công nhận góp phần bảm đảm chất lượng môi trường trong hoạt động chăn nuôi.

Song song với đó, sẽ sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, công nghiệp, gắn với vùng chăn nuôi hàng hóa, bảo đảm yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Ông Trần Xuân Đông - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NNPTNT Quảng Ninh) cho biết: “Quy hoạch chăn nuôi đi sau nên việc dành đất cho chăn nuôi rất khó khăn do trùng với các lĩnh vực khác. Theo tôi, cần sớm ban hành quy định về diện tích chăn nuôi chiếm bao nhiêu phần trăm trong phát triển nông nghiệp. Nếu vẫn tận dụng chăn nuôi trong làng, xã, sẽ không thể đảm bảo an toàn dịch bệnh”.

Đồng quan điểm, bà Hoàng Thị Tố Nga - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nam Định cho biết, phát triển chăn nuôi là ngành kinh tế - kỹ thuật, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, vì vậy thời gian tới cần tập trung xử lý vấn đề môi trường.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, trong giai đoạn 2020 - 2030, chăn nuôi phải là ngành sản xuất, kinh doanh có điều kiện bảo đảm an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi. Khai thác các tiềm năng lợi thế để phát triển chăn nuôi bền vững theo các chuỗi giá trị, bảo đảm hiệu quả kinh tế, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; giải quyết việc làm cho người nông dân.

“Giai đoạn 2020 - 2030, sẽ phát triển ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại - công nghiệp hóa chăn nuôi trang trại và chuyên nghiệp hóa chăn nuôi nông hộ, gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh và thích ứng với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu”. Ông Nguyễn Xuân Dương,Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận