Giải pháp bền vững trong chăn nuôi

  • 19/09/2019 08:09:18
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Những năm gần đây số lượng trại chăn nuôi lợn và tổng đầu con lợn áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học ngày càng gia tăng

 

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, trong những năm gần đây số lượng trại chăn nuôi lợn và tổng đầu con lợn áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học ngày càng gia tăng. Quan trọng hơn, phương thức chăn nuôi này đang tạo ra một thế hệ vật nuôi có sức đề kháng tốt hơn trước dịch bệnh.

Từ thực tiễn những mô hình...

Năm 2016 cả nước có 2.147 trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học, chiếm tỷ lệ 18,3%, tổng đầu con trên 2,1 triệu con (chiếm tỷ lệ 6,6%). Năm 2017 số trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học của cả nước tăng lên gần 2.500 trang trại (tăng 15,6%) và chiếm tỷ lệ 24,4% với tổng đàn còn là xấp xỉ 2,8 triệu con (chiếm tỷ lệ 9,3%). Năm 2018 con số này tăng lên hơn 2.500 trang trại, tăng 0,8% so với năm 2017, chiếm tỷ lệ 25,6% với tổng đầu con trên 2,82 triệu con, chiếm tỷ lệ 9,9%.

Đáng lưu tâm là mặc dù dịch tả lợn Châu Phi lan rộng hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước (63/63 tỉnh, thành) khiến nhiều cơ sở chăn nuôi phải đóng cửa, gây tổn thất lớn đối với ngành chăn nuôi nhưng đối với những trang trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đến nay cơ bản giữ được an toàn và ổn định đàn lợn.

Mô hình của chị Nguyễn Thu Thoan, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn là một ví dụ. Sóc Sơn là huyện có quy mô về chăn nuôi lợn chủ yếu là nhỏ lẻ với tổng số 12.429 hộ chăn nuôi tại 26 xã, thị trấn. Vừa qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 1.150 hộ thuộc 129 thôn của 26 xã, thị trấn với tổng số lợn bị tiêu hủy là 16.718. Nằm trong vùng dịch bệnh bùng phát, nhưng đàn lợn của chị Nguyễn Thu Thoan vẫn an toàn. Được biết chị nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, thuận tự nhiên, chuồng trại thông thoáng. Bí quyết nằm ở việc chị sử dụng  men vi sinh trong việc ủ thức ăn và vệ sinh chuồng trại, không sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.  

Phun khử trùng chuồng trại

Trao đổi với phóng viên, chị Thoan cho biết: “Đàn lợn của tôi thoát dịch là do tôi kiểm soát tốt từ giống lợn khi nhập vào, thức ăn, nguồn nước và vệ sinh môi trường. Lợn giống khi tôi mua về có nguồn gốc rõ ràng. Thức ăn tôi sử dụng cám được lên men tự nhiên, tôi không dùng cám nhà máy và đạm động vật. Xử lý chuồng trại tôi dùng men vi sinh phun xử lý, không dùng sát trùng”.  Chị Thoan còn cho biết thêm, bên ngoài khu vực nuôi, cách 5m thường xuyên được phun sát trùng bằng vôi.

Khác với mô hình chị Thoan, mô hình anh N.T.H ở Bình Lục, Hà Nam cũng thoát dịch nhưng nhờ vào việc chăn nuôi theo chuỗi, được công ty cung cấp giống và bao tiêu đầu ra được kiểm soát từ khâu giống, thức ăn... Trang trại của anh N.T.H nằm cách xa khu dân cư 3km. Anh chia sẻ, anh tuân thủ phòng dịch theo hướng dẫn của công ty như trước khi vào trại phải tắm sát trùng cổng trại, khi xe cám về phun kỹ, phun sát trùng nền chuồng và quanh trại ngày hai lần.

Thực tiễn các mô hình chăn nuôi lợn cho thấy, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học mỗi mô hình lại có cách thức triển khai khác nhau nhưng mang lại hiệu quả tốt. Giải pháp này vừa bảo vệ môi trường, vừa chống dịch an toàn và sản phẩm đạt các chỉ tiêu cao về chất lượng.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: "Tổng số lợn bệnh dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy trong tháng 8 giảm 20% so với tháng 7 và giảm từ 35 - 40% so với thàng 5. Đây là số liệu rất khả quan về việc đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học thích ứng với dịch bệnh tả lợn châu Phi. Dù gặp rất nhiều khó khăn, song Bộ NN & PTNT vẫn quyết tâm sẽ giữ vững mục tiêu tăng trưởng và 12 chỉ tiêu Chính phủ giao". Thứ trưởng cũng lưu ý "việc vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc lúc này là đặc biệt quan trọng, cắt đường lây truyền bởi vi rút này ở bên ngoài rất yếu nhưng khi xâm nhập vào cơ thể lợn thì sức tàn phá rất lớn".

Hiện rất nhiều địa phương vẫn chưa cho phép tái đàn nên Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương cân nhắc, xem xét  triển khai tái đàn gắn với chăn nuôi an toàn sinh học. Cùng với đó, Bộ NN & PTNT sẽ nghiên cứu các phương án để thúc đẩy nhiều hơn nữa hình thức liên kết chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ  khâu đầu vào cho đến việc bao tiêu đầu ra cho sản phẩm để có được sản phẩm an toàn, chất lượng, đảm bảo nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới.

"Hiện nay chưa có thuốc chữa dịch tả lợn châu Phi nên phải xác định song hành, lâu dài. Nhưng nếu có lựa chọn đúng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học và tái cơ cấu ngành hợp lý thì hoàn toàn có thể khắc phục và hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra" - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận