Vì sao Ủy ban chứng khoán cần thiết thuộc Bộ Tài chính?

  • 15/08/2019 12:00:00
  • Tuấn Thùy
  • Kinh tế
  • 0

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục trực thuộc Bộ Tài chính và cần tăng thêm tính độc lập.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tiếp tục trực thuộc Bộ Tài chính và cần tăng thêm tính độc lập, thẩm quyền được xem là chủ trương đúng đắn, cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, thực tế cho thấy từ năm 2004 khi UBCKNN chuyển về Bộ Tài chính đã phát huy được kết quả vượt trội dưới sự lãnh đạo của Chính phủ và các cấp. Cụ thể: Xây dựng khung khổ pháp lý hoàn chỉnh cho sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK); TTCK từng bước hoàn chỉnh về cấu trúc, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế và thông lệ quốc tế, cho đến nay, TTCK đã bao gồm đầy đủ các thị trường cổ phiếu, trái phiếu Chính phủ, phái sinh và trái phiếu doanh nghiệp;

TTCK từng bước trở thành kênh cung cấp vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, thu hẹp khoảng cách với thị trường tín dụng ngân hàng; Chính phủ và Bộ Tài chính đã hỗ trợ xây dựng và hiện đại hóa về cơ sở vật chất, cơ chế tài chính và hạ tầng công nghệ thông tin cho UBCKNN, các Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK), Trung tâm Lưu ký chứng khoán nhằm góp phần thúc đẩy phát triển TTCK.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thuộc Bộ Tài chính là phương án khả thi.

Thêm nữa, mô hình hiện nay phù hợp với mô hình tổ chức Ủy ban Chứng khoán tại nhiều nước, đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO) và phù hợp với điều kiện, đặc thù của TTCK Việt Nam. UBCKNN thuộc Bộ Tài chính nhưng vẫn đảm bảo tính độc lập trong hoạt động quản lý, giám sát TTCK như khuyến nghị của IOSCO.

Thực tế, UBCKNN đang làm tốt chức năng và thẩm quyền quản lý công ty đại chúng và cấp phép phát hành chứng khoán ra công chúng; Thẩm quyền cấp phép hoạt động cho công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; Thẩm quyền trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán; Hoàn toàn chủ động trong việc đề xuất chính sách về chứng khoán để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành; Độc lập trong việc ban hành các quy chế, quy trình nghiệp vụ về chứng khoán; Quản lý giám sát trực tiếp hoạt động của các SGDCK và Trung tâm Lưu ký chứng khoán.

Một vấn đề nữa cho thấy sự cần thiết UBCKNN nên thuộc Bộ Tài chính, đó là chúng ta đang trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, do đó việc tái cơ cấu doanh nghiệp, đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, đẩy mạnh huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển đang là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, phát triển TTCK cần phải gắn liền với điều hành chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hẹp khoảng cách giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng ngân hàng.

Đối với một số vấn đề về thẩm quyền của UBCKNN, Bộ Tài chính đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tiến hành rà soát, nghiên cứu chỉnh lý tại dự thảo Luật đã tăng thẩm quyền của UBCKNN và được đa số đại biểu Quốc hội đồng tình.

Cụ thể, dự thảo Luật đã điều chỉnh làm rõ thêm thẩm quyền của UBCKNN trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động nghiệp vụ của sàn giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (TCTLKCK); tham gia ý kiến về điều lệ và nhân sự cấp cao của sàn giao dịch chứng khoán, TCTLKCK để củng cố, tăng cường tính độc lập, chủ động trong quản lý, điều hành thị trường..., bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc của IOSCO.

Thị trường chứng khoán đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế và thông lệ quốc tế.

Ngày 12/8, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý, trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế phức tạp hiện nay và những đặc điểm riêng có của thị trường tài chính Việt Nam thì “nhất thiết phải có Bộ lo, van an toàn đảm bảo độ bền vững của nền tài chính quốc gia”. Vì thế, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, UBCKNN thuộc Bộ Tài chính là phương án khả thi.

Về mô hình Sở Giao dịch chứng khoán, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 12/8, nhiều ý kiến thảo luận đều thống nhất chỉ nên có một Sở giao dịch. Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đồng tình với đa số ý kiến chỉ nên thiết kế “một Sở, hai sàn giao dịch chứng khoán”. Ông Dũng tiết lộ, Bộ Tài chính đã hoàn chỉnh đề án Sở Giao dịch chứng khoán, trình Thủ tướng quyết định. Cụ thể, Sở Giao dịch chứng khoán sẽ được đặt tại Hà Nội để tiện trong vấn đề quản lý, giám sát và điều hành vĩ mô cùng với UBCKNN, Bộ Tài chính cũng như Chính phủ trong ứng phó lúc bất thường.

“Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM là cổ phần, hiện nay cổ phần của các doanh nghiệp lớn chủ yếu đăng ký và niêm yết tại đây. Hà Nội là trái phiếu Chính phủ và trái phiếu phái sinh, chúng tôi thấy cũng hoàn toàn phù hợp. Hiện nay Bộ cũng đang triển khai công nghệ thông tin chung khớp nối hai sở này”, Bộ trưởng Dũng cho biết./.

“Về nội dung địa vị pháp lý của UBCKNN, để ổn định tình hình tài chính, UBCKNN vẫn nên trực thuộc Bộ Tài chính, đồng thời bổ sung thêm một số quyền cho phù hợp với các quy định pháp luật. Về mô hình Sở Giao dịch chứng khoán, chỉ nên có một Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và được đặt tại Trung tâm tài chính của Việt Nam.

Về chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty không phải là công ty đại chúng, nên chọn phương án luật hóa các quy định về điều kiện phát hành tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP, bởi Nghị định này đã đi vào cuộc sống. Không nên quy định về việc chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, bởi quy định này sẽ có nhiều rủi ro với hoạt động của thị trường chứng khoán”.

Ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội

Tuấn Thùy

 

Bình luận

    Chưa có bình luận