Giá tốt, nhà nông phấn khởi, và đằng sau đó là cả một câu chuyện dài làm thị trường của người trồng vải Lục Ngạn.
Hộp vải thiều mẫu mới...
Đó là hộp vải thiều hữu cơ theo công nghệ trồng trọt, bảo quản sau thu hoạch, đóng gói và kinh doanh của một doanh nghiệp tại Bắc Ninh và hiện mới chỉ thí điểm áp dụng với hai hộ dân tại hai xã Giáp Sơn, Quý Sơn với diện tích và sản lượng còn khá khiêm tốn.
Để cho ra được loại vải thiều có giá tới 17.000 đồng/quả này, hai hộ trồng vải sẽ phải tuân thủ nhiều điều kiện nghiêm ngặt như lắp camera giám sát quá trình trồng trọt và thu hoạch, có nhật ký chăm sóc điện tử, sử dụng các sản phẩm chăm bón và bảo vệ thực vật hữu cơ... Tất cả các hộp vải, túi vải đều có dán tem truy xuất nguồn gốc. Ông Trần Văn Hành, thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, một trong hai hộ trồng vải thiều hữu cơ theo đơn đặt hàng cho biết: "Người tiêu dùng cảm thấy yên tâm về hàng nông sản xanh sạch nên rất ưa thích, vì thế, toàn bộ sản lượng theo mô hình này của gia đình được tiêu thụ hết với tổng sản lượng khoảng hơn 2 tấn, tương đương với khoảng hơn 2000 túi loại 1,2 kg". Theo giải thích của doanh nghiệp này, họ chỉ làm vừa sức, chủ yếu để giới thiệu sản phẩm và công nghệ chứ chưa chú trọng kinh doanh nên chỉ thực hiện thí điểm trên một phần diện tích trồng vải của hộ gia đình ông Trần Văn Hành. Sản lượng vải hữu cơ chiếm chưa tới 20% tổng sản lượng vải thiều của gia đình ông Trần Văn Hành vụ vải thiều 2019 này.
Vải hữu cơ được đóng gói theo hai quy cách: dạng túi 1,2 kg nguyên cành lá có giá bán 90.000 đồng/túi và dạng hộp 12 quả có giá bán lẻ 200.000 đồng/hộp. Mặc dù giá bán khá đắt đỏ, nhưng với ưu điểm vượt trội như an toàn cho người sử dụng, không gây độc hại cho môi trường, không tồn dư hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm, giúp cây sinh trưởng tốt hơn, chất lượng quả vải ngon hơn, ngọt và thơm hơn, nên sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang - vì sản xuất thí điểm nên số lượng vải loại 12 quả chỉ có khoảng 500 hộp, và đưa ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Đến thời điểm cuối tháng 6/2019 có nhiều người muốn đặt mua thêm nhưng đã không còn hàng để bán: "Tín hiệu vui này mở ra một hướng mới cho người trồng vải. Vụ vải năm sau, Lục Ngạn sẽ nghiên cứu cải tiến hộp vải cao cấp này để hạ giá thành và tăng khả năng tiếp cận với người tiêu dùng trong nước. Rõ ràng là khách hàng trong nước cũng sẵn sàng mua sản phẩm vải thiều phẩm cấp cao, quan trọng là đảm bảo được uy tín và niềm tin với người tiêu dùng"
...Và những bạn hàng cũ
Thế nhưng vải hữu cơ mới chỉ là một phần rất nhỏ của thương vụ vải thiều Lục Ngạn. Bởi theo ước tính của UBND huyện Lục Ngạn, năm 2019, sản lượng vải thiều tuy có thấp hơn một chút so với những năm trước, ước đạt khoảng 90.000 tấn. Như vậy, người trồng vải vẫn cần sự đồng hành của những bạn hàng đã gắn bó với Lục Ngạn gần hai thập niên, đó là những thương lái Trung Quốc.
Diện tích vải Lục Ngạn khoảng 15.290 ha, trong đó hơn 200 ha được Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp 18 mã vùng trồng để xuất khẩu trực tiếp đi Mỹ, Nhật EU, ngoài ra 36 vườn khác được cơ quan chức năng của Trung Quốc cấp mã vùng trồng để xuất khẩu trực tiếp sang thị trường này. Theo ông Leo Văn Phúc, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn, cũng là một chủ vườn vải, giá vải Lục Ngạn năm nay tăng kỷ lục: "Tôi trồng vải từ năm 1991 và chưa bao giờ giá vải lên cao như năm nay. Mấy ngày cuối vụ lên đến 55.000 - 65.000 đ/kg mua tại vườn. Thay vì phải mang vải ra chào bán ở chợ, năm nay các chủ vườn vải chỉ cần gửi vé xe, cũng đời thời là tấm vé giới thiệu thương hiệu vườn vải nhà mình, thương lái Trung Quốc sẽ đến tận nơi, ghi giá và cứ thế chở ra bến, thậm chí xe lùi vạo tận sân lấy vải, cảnh đó gần như những năm trước chỉ có ai ký được hợp đồng lâu dài mới có".
Khác với những câu chuyện vẫn thường được lan truyền ở chỗ nọ chỗ kia, rằng thương lái Trung Quốc ép giá nhà nông, thương lái Trung Quốc không giữ chữ tín..v...v..người trồng vải Lục Ngạn biết đến một đội ngũ thương lái Trung Quốc khác hẳn: thân thiện, uy tín và gắn bó, cùng ăn, cùng ngủ với người trồng vải. Theo ông Leo Văn Phúc, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn, cũng là một chủ vườn vải, thì mối quan hệ giữa người trồng vải và bạn hàng Trung Quốc rất tốt đẹp. Những năm gần đây, việc mua bán vải diễn ra thuận tiện hơn khi thương lái nước bạn vào xem vải tại vườn và dán tem được bảo hộ lên vải, từ đó việc giao thương thông suốt.
Nhiều thương lái Trung Quốc đã gắn bó với vải thiều Việt Nam, trong đó có vải thiều Lục Ngạn, đã 18 - 20 năm. Họ thuyết phục được các vườn vải bởi sự chăm chỉ và trung thực của mình. Ông Trần Văn Hành cho biết: "Tôi trồng vải gần 30 năm nay, giao dịch với bạn hàng Trung Quốc cũng gần 20 năm nay những chưa bao giờ bị lật kèo. Trái lại, thương gia Trung Quốc rất đoàn kết và thống nhất. Vải đẹp họ sẽ trả giá cao nhất, và không ép giá nhà vườn, còn vải không đúng như yêu cầu thì rẻ mấy họ cũng không mua".
Sự gắn kết gần hai thập kỷ giữa thương nhân Trung Quốc và các chủ vườn vải Lục Ngạn không còn là mối quan hệ hữu cơ tự phát, mà đã có sự bảo hộ của chính quyền địa phương. Thương nhân Trung Quốc sang Lục Ngạn mua vải chỉ cần thông báo tạm trú với công an địa phương và được tạo mọi điều kiện thuận lợi để mua bán. Không chỉ để "hữu xạ tự nhiên hương", mà hàng năm, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bắc Giang và UBND huyện Lục Ngạn đều tổ chức các hoạt động "thương mại vải" như tổ chức các chương trình giao lưu, xúc tiến thương mại giữa vùng vải thiều Lục Ngạn với các tỉnh Quảng Tây (trực tiếp là thị Bằng Tường) và Vân Nam (mà trực tiếp là huyện Hà Khẩu) để tạo những điều kiện tốt nhất có thể cho quả vải. Quy mô những chương trình xúc tiến thương mại giữa vùng vải với thị trường tiêu thụ chính như vậy năm sau lại lớn hơn năm trước.
Và kết quả đạt được sau mỗi lần đàm phán ngày một đáng khích lệ. Nếu như trước kia, vải thiều Lục Ngạn được xuất khẩu một cách tự phát qua đường tiểu ngạch với giá cả trồi sụt, thì nay, vải thiều Lục Ngạn đã được xuất khẩu một cách chính ngạch sang Trung Quốc, với việc các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã cấp 36 mã vùng trồng cho các chủ vườn vải, cấp 82 chứng nhận đủ điều kiện đóng gói cho 82 doanh nghiệp, hợp tác xã để xuất khẩu trực tiếp vào Trung Quốc, đồng thời các doanh nghiệp xuất khẩu vải trong cả nước chứ không riêng Lục Ngạn được cấp mã doanh nghiệp. Còn đối với đường tiểu ngạch, năm nay, quả vải cũng được ưu tiên hơn khi được dành một luồng riêng tại cửa khẩu để thông quan, không phải đi chung với các hàng hóa khác; cán bộ hải quan Trung Quốc cũng sẽ làm việc cho đến khi hết vải chứ không phải theo giờ hành chính; phía Trung Quốc cũng công nhận kết quả kiểm dịch của Việt Nam nên quả vải thiều sẽ không phải kiểm dịch hai lần; xe chở vải sẽ được làm thủ tục thông quan vào nội địa chứ không cần đổi xe như trước đây, tiết kiệm được chi phí bốc dỡ...
Thực ra, tác động lên giá vải lại là những yếu tố khách quan. Ví dụ như tắc đường. Quốc lộ 31 đoạn qua Lục Ngạn quá xấu và chật hẹp nên thời gian di chuyển 40km từ thành phố Bắc Giang lên thị trấn Chũ, Lục Ngạn còn lâu hơn đi từ Hà Nội lên thành phố Bắc Giang. Vào mùa vải, chỉ cần vài xe tải "ăn hàng" là đường tắc. Với quả tươi như vải, chỉ cần tắc đường vài tiếng đồng hồ là giá có thể giảm từ 50.000 đồng/kg sáng sớm xuống còn 30.000 đ/kg, thậm chí thấp hơn. cùng với đó, tình trạng tăng giá vô tội vạ đá viên và thùng xốp phục vụ việc bảo quản vải khiến thương lái phải giảm giá thu mua để đảm bảo lợi nhuận của mình.
Để duy trì niềm vui mùa vải chín
Không phải năm nào vải thiều cũng được giá như 2019, có những năm như 2018, khi sản lượng vải thiều Lục Ngạn đạt tới 140.000 tấn thì giá vải cũng chỉ còn khoảng 20.000 đồng/kg mua tại vườn. Thế nhưng, so với các loại hoa quả khác, vải thiều rất hiếm khi rơi vào tình trạng mất giá trầm trọng, ế thừa phải "giải cứu". Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, thì nguyên nhân quan trọng là vải thiều là đặc sản riêng có của Lục Ngạn, chỉ phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Người Lục Ngạn cũng có nhiều kỹ thuật để chăm sóc cây vải thiều cho hoa thơm trái ngọt. Nhờ thế mà năm 2019 không những vải thiều được bán ngay tại thị trường trong nước với giá 200.000 đồng một hộp chỉ có 12 quả, hay xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, mà đã có xấp xỉ 100 tấn vải được xuất khẩu sang Australia, có 18 vườn vải được Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp mã vùng trồng, đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu EU. Từ năm 2016 đến nay, tỉ lệ vải thiều tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đều xấp xỉ 50 - 50, dao động khoảng 5% tùy theo từng năm.
Nhưng để duy trì được thành quả ngọt ngào đó, vải Lục Ngạn sẽ ngày càng phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe hơn. Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết: việc vải thiều Lục Ngạn được công nhận chỉ dẫn địa lý từ năm 2008 đã giúp cho việc tiêu thụ vải thiều thuận lợi hơn, cũng như dễ dàng hơn trong việc xây dựng thương hiệu. Nhờ có sự giúp đỡ của các nhà khoa học, huyện Lục Ngạn đã xây dựng được quy trình chuẩn cho sản xuất vải thiều, nhờ đó sản xuất vải phần nào giảm sự phụ thuộc vào thời tiết. Mặc dù Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sản lượng vải, sau Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng về chất lượng thì các thị trường đều công nhận chất lượng vải thiều Việt Nam số một thế giới. Để gìn giữ được vị trí số một đó, huyện Lục Ngạn đã xây dựng được bản đồ quy hoạch phát triển vải thiều, theo đó, diện tích vải thiều duy trì ổn định ở 12.000 ha, kiên quyết dỡ bỏ những vườn vải không phù hợp hoặc quá manh mún.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn - chia sẻ: "Chúng tôi hợp tác với VNPT để làm tem truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu vải sang các thị trường cao cấp 50% giá trị tem. Phấn đấu sau này chúng tôi sẽ cấp tem truy xuất nguồn gốc cho cả vùng, tiến tới tất cả sản phẩm vải thiều đều được dán tem để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của trong nước và thế giới. Chúng tôi cũng đang có dự án lắp đặt hai trạm quan trắc khí tượng tự động để góp phần đảm bảo tính ổn định cho sản phẩm vải thiều. Huyện Lục Ngạn cũng sẽ phối hợp với các nhà mạng để gửi tin nhắn tự động liên quan đến cây vải gửi cho các trưởng thôn, các giám đốc HTX, tổ trưởng tổ hợp tác...để mọi thông tin thông suốt và kịp thời"
Riêng thị trường Mỹ, ngoài đáp ứng yêu cầu sản xuất sạch theo tiêu chuẩn GlobalGap, thì vải Việt Nam không được sử dụng 5 loại hóa chất bảo vệ thực vật bị cấm ở Mỹ. Để đáp ứng yêu cầu này, huyện Lục Ngạn không chỉ vận động người trồng vải mà cả người kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật không kinh doanh 5 sản phẩm này. Mục tiêu của Lục Ngạn là sẽ có lộ trình nâng dần phân khúc vải thiều hữu cơ, cao cấp và giảm dần phân khúc giá trị thấp hơn, để giữ được giá trị vải thiều./.