Thu phí tự động không dừng: 44 trạm BOT đã ký kết, cuối năm liệu có xong?

Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng 3 nhà đầu tư BOT cũng chịu ngồi vào bàn để ký kết hợp đồng phụ triển khai thu phí không dừng.

 

Chỉ còn 5 tháng nữa là hết năm 2019, mốc thời gian đến 31/12/2019 đã được Thủ tướng “ấn định” cho Bộ GTVT và các nhà đầu tư BOT trên toàn quốc phải đưa vào vận hành 44 trạm thu phí bằng hình thức thu phí không dừng. Đến nay, việc tranh cãi và thậm chí có cả xung đột lợi ích giữa các bên liên quan đến chủ trương này có thế nói mới tạm được giải quyết. Vì đến tận chiều tối ngày 17/7, lãnh đạo Bộ GTVT và 3 nhà đầu tư BOT trên Quốc lộ 1A mới chịu thống nhất và đặt bút ký vào bản phụ lục hợp đồng để triển khai thu phí tự động không dừng.

Để kịp tiến độ, đã đến lúc Bộ GTVT phải thể hiện là cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để đưa ra những giải pháp, phương án tích cực hơn, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia dự án thu phí không dừng nhằm không chỉ đảm bảo tiến độ mà còn tạo điều kiện cho người dân tham gia để góp phần sớm minh bạch được nguồn thu từ các dự án BOT.
 

Đã đủ 44 chữ ký của 44 ông chủ BOT

Tại cuộc họp giữa Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, lãnh đạo Tổng cục ĐBVN với 3 nhà đầu tư BOT trước đó bị yêu cầu dừng thu phí vì chậm ký phụ lục hợp đồng triển khai thu phí tự động vào chiều 17/7 gồm: Trạm thu phí BOT Bắc Hải Vân, trạm BOT Cam Thịnh (Khánh Hoà) và trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp.

Kết thúc cuộc họp, các bên đã thống nhất sẽ ký bổ sung phụ lục hợp đồng về mức phí trích lại cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thu phí tự động. Dự kiến, trong 1-2 ngày tới phụ lục sẽ được ký.

Được biết, sau khi ký phụ lục hợp đồng với Bộ GTVT, nhà đầu tư BOT sẽ đàm phán với nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động (Công ty VETC) để ký hợp đồng chính thức. Do đó, mức phí ký phụ lục giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư BOT chỉ là khung, còn mức cụ thể do các nhà đầu tư tự thương thảo với nhau theo hợp đồng kinh tế.

Như vậy là Bộ GTVT và đại diện 44 nhà đầu tư BOT giao thông đã thống nhất ký xong phụ lục hợp đồng thu phí tự động không dừng giai đoạn 1. Việc còn lại từ nay đến cuối năm, 44 trạm này phải triển khai thu được phí tự động không dừng chứ không phải là lời nói xuông, hứa hão khi Thủ tướng Chính phủ đã ra “tối hậu thư” thời hạn hoàn thành.

Cuối năm liệu có thu được không dừng?

Liên quan đến những “lùm xùm” trong việc thu phí tự động không dừng, PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), hiện là Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho biết, tất cả các doanh nghiệp BOT đều ủng hộ chủ trương của Chính phủ về thu phí không dừng, bởi đây là chủ trương đúng đắn, không chỉ mang lại lợi ích cho nhân dân, mà còn tăng hiệu quả thu phí cho chính bản thân các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, “cách làm của Bộ GTVT chưa đúng trình tự theo quy định của pháp luật”, PGS.TS Trần Chủng nhận định.

Chính vì lý do này nên một số chủ đầu tư BOT đã phản ứng gay gắt vì cho rằng, họ đã lắp thiết bị thu phí tự động không dừng và đưa vào từ lâu, hiện chỉ đang vướng mắc ở mức phí trả cho đơn vị thu phí tự động (VETC) mà thôi.

“Vừa rồi, Tổng cục Đường bộ đưa ra văn bản yêu cầu dừng thu phí đã khiến một số tài xế lấy lý do này tập trung tới trạm thu phí, như trạm BOT Cam Thịnh gây mất trật tự, cản trở hoạt động thu phí của doanh nghiệp. Nên cần phải xem xét ở góc độ pháp lý, xem đúng sai rõ ràng...”, Chủ tịch VARSI nói.

Từ nay đến cuối năm, tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc phải triển khai thu được phí tự động không dừng.

Về phản ứng của các nhà đầu tư, PGS.TS Trần Chủng cho biết, hiện nay các trạm BOT không phải chỉ của mỗi nhà đầu tư BOT mà còn có vai trò của ngân hàng cấp vốn, mặc dù các nhà đầu tư đều đã đồng ý với Bộ GTVT và địa phương về việc cần thiết phải lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng.

Song, việc triển khai thực hiện chưa tuân thủ đúng trình tự của pháp luật, không có sự trao đổi, thương thảo, đàm phán khi làm phụ lục bổ sung và các nhà đầu tư nhận thấy cách làm như vậy không phù hợp.

“Tôi cho rằng động thái rút văn bản vừa qua của Bộ GTVT là dũng cảm và cầu thị vì họ đã nhận thấy là cách làm chưa phù hợp. Các nhà đầu tư không phản đối, mà họ mong muốn Bộ GTVT (đại diện là Tổng cục Đường bộ) đứng ra gặp gỡ, trao đổi, đàm phán có sự chứng kiến của đại diện ngân hàng để thực hiện các biên bản làm việc. Đây không phải cách làm rườm rà mất thời gian, vừa rồi như BOT Phú Gia-Phước Tượng đã xử lý rất nhanh, chỉ trong 2 tuần đã ký xong phụ lục hợp đồng”, PGS.TS Trần Chủng cho hay.

Các nhà đầu tư BOT cho rằng, việc ép họ ký phụ lục hợp đồng thu phí không dừng mới với tỷ lệ ăn chia cao đã đẩy doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư vào việc vi phạm các nghĩa vụ trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, phải gánh chịu các chế tài về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại, gây rủi do đối với việc quản lý dòng tiền hoàn vốn của dự án.

Và họ cho rằng, lắp đặt thu phí không dừng là dự án BOO thì nên để các doanh nghiệp BOT và nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng tự đàm phán “thuận mua, vừa bán” chứ không thể quản lý nhà nước như Bộ GTVT hay Tổng Cục ĐBVN can thiệp quá sâu vào việc kinh doanh của họ./.

Ngày 15/7, Thủ tướng đã có Công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thu phí tự động không dừng và phải xong trước 31/12/2019. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, UBND các tỉnh thành dừng thu phí với nhà đầu tư không chuyển sang thu tự động không dừng theo quy định. Đồng thời, Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường dán thẻ đầu cuối đối với ô tô…

Phi Long/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận