Trái cây Trung Quốc 'khoác áo' hàng Việt, Úc, Mỹ để bán giá cao

  • 11/07/2019 03:30:00
  • Lệ Hằng/VOV TP.HCM
  • Kinh tế
  • 0

Ở nhiều khu vực chợ truyền thống, lề đường, thậm chí một số cửa hàng lớn ở TP.HCM rất nhiều trái cây Trung Quốc đang được các tiểu thương dán mác hàng Việt Nam.

 

Nhập nhèm đánh lận con đen

Tại khu vực chợ như: Bà Chiểu, Thị Nghè (quận Bình Thạnh), chợ Bàn Cờ (Quận 3) hay các tuyến đường như: Quang Trung, Gò Vấp, Trường Chinh, (quận Tân Bình) rất nhiều xe bán dạo và các lô, sạp trái cây bên lề đường bán nhiều trái đào vàng, đỏ, xanh, xoài mút, dưa lưới … với giá từ 20-30 ngàn đồng/kg.

Khi được hỏi về nguồn gốc trái cây thì người bán hàng đều khẳng định là hàng Việt Nam và mua từ chợ Thủ Đức. Chị Loan, bán xe trái cây ở khu vực chợ Thị Nghè, Quận Bình Thạnh giải thích: “Đây là xoài Mút Châu Đốc, xoài mình nên nó nhỏ, lép còn xoài Trung Quốc thì nó tròn no, khác màu. Còn đây là đào Sapa, trái đào Trung Quốc thì to hơn màu nhạt hơn”.

Trái cây ghi nhãn mác Mỹ, úc, Việt Nam bán tại khu vực chợ ở quận Bình Thạnh.Tuy nhiên, khi nhìn một số hình ảnh trái cây từ xe bán trái cây mà phóng viên chụp gửi về thì nhân viên ở Chợ đầu mối Thủ Đức khẳng định đây là hàng của Trung Quốc được nhập về TP.HCM thời gian gần đây. Theo Ban quản lý, mỗi ngày Chợ Đầu mối Thủ Đức tiếp nhận gần 1.500 tấn trái cây nhập về, trong đó có khoảng 1/3 trái cây ngoại nhập mà chủ yếu là của Trung Quốc.

Thực tế cho thấy, hiện nay rất nhiều loại trái cây được bày bán ở TP.HCM có nguồn gốc Trung Quốc nhưng lại được người bán hàng tự dán “nhãn mác” là trái cây Việt Nam hay hàng ngoại nhập từ các nước: Mỹ, Úc, Hàn Quốc… để đánh lừa khách hàng. Ví dụ như xoài Trung Quốc thì đội lốt xoài mút Châu Đốc, đào Trung Quốc thì đội lốt đào Sapa, đào long Lạng Sơn, dưa lưới Trung Quốc thành dưa lưới Việt Nam… Hay đối với hàng cao cấp hơn như: Táo, nho thì được rao bán là nho Mỹ, táo Mỹ, Úc ….

Việc trái cây Trung Quốc được các tiểu thương khoác cho “cái áo” là đặc sản Việt Nam hay hàng ngoại nhập bởi vì với thương hiệu đó trái cây dễ tiêu thụ và lãi cũng một gấp đôi so với giá gốc. Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay giá nho Trung Quốc nhập về khoảng 54 ngàn đồng/kg nhưng khi được người bán hàng rao dưới tên gọi nho Mỹ thì bán với giá khoảng 120 ngàn đồng/kg, trong khi nho Mỹ chính hiệu nhập về tại các chợ đầu mối đã là 130 ngàn đồng/kg.

Còn táo dán tem Mỹ, Úc… bán giá hơn 75 ngàn đồng/kg, bằng với giá nhập khẩu, trong khi táo Trung Quốc giá nhập chỉ là 53 ngàn đồng/kg. Chính sự nhập nhèm vì không được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc này mà người tiêu dùng đang phải bỏ tiền ra mua trái cây thương hiệu Việt, hàng nhập ngoại chất lượng cao nhưng thực chất lại đang thụ hưởng hàng hóa nguồn gốc Trung Quốc.

Chị Lê Thị Nga đang mua trái cây ở lề đường gần chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh cho biết: “Mình mua bà bán hàng nói là đào này ở ngoài Bắc, Lạng Sơn, Cao Bằng. Mình thấy buôn bán nói thật lòng thì mình tin vậy thôi, chứ nguồn gốc thì không biết”.

Khó kiểm soát chất lượng hàng bán dạo

Về vấn đề kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ trái cây, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, Trưởng Ban quản lý Chợ Thị Nghè cho biết, trong chợ thì nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn các lô, sạp trái cây ngoài chợ, xe bán dạo thì trách nhiệm thuộc phường, quận quản lý.

Hiện nay, những xe bán trái cây dạo, buôn bán vỉa hè, khu vực xung quanh chợ trên địa bàn các quận thường là đối tượng kinh doanh không phép, không đóng thuế… nên xử lý họ như bắt cóc bỏ đĩa. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực TP.HCM, việc kiểm soát vấn đề hết sức phức tạp, nó không chỉ diễn ra ở các sạp kinh doanh tự do mà còn cả xung quanh chợ đầu mối lớn. Bởi vậy, để dẹp tình trạng này thì phải có sự phối hợp giữa các ngành chức năng.

Bà Lan cho hay: “Tình trạng này đang diễn ra phức tạp, ngay cả ở xung quanh chợ đầu mối lớn cũng có buôn bán linh tinh, lóc cóc ở vỉa hè thì phải dẹp với sự phối hợp quản lý thị trường, công an kinh tế, trật tự đô thị và Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP thì mới làm được. Các quận đang cam kết với thành phố là sẽ giảm bớt và dẹp dần tình trạng này, nhưng điều quan trọng là người dân đừng mua trái cây trôi nổi như vậy”.

Việc người bán đánh tráo nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa là lừa khách hàng. Vì khi nguồn gốc không rõ ràng thì rất khó kiểm soát được chất lượng và tiềm ẩn những nguy cơ không an toàn toàn cho sức khỏe. Trong khi chờ cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ việc này hơn thì trước hết người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình bằng cách mua hàng nơi tin cậy và đừng vì sự tiện lợi, giá rẻ mà đánh cuộc may rủi với sức khỏe của mình.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận