Doanh nghiệp chậm cập nhật công nghệ?
Công nghệ số, trí tuệ nhân tạo đã thay đổi một cách căn bản hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp theo hướng linh hoạt, đáp ứng từng loại nhu cầu của khách hàng. 800 doanh nhân họp tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) từ ngày 22-25/1 mới đây, với chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình cấu trúc toàn cầu trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ đã dự báo 21 sản phẩm sẽ xuất hiện trong 10 năm tới đó là: 10% dân số mặc quần áo kết nối với internet; 90% dân số có thể lưu trữ dữ liệu không giới hạn và miễn phí (có kèm quảng cáo); 1 nghìn tỷ cảm biến kết nối với internet; Dược sĩ robot đầu tiên ở Mỹ; 10% mắt kính kết nối với internet; 80% người dân hiện diện số trên internet; Chiếc ô-tô đầu tiên được sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ in 3D.
Trong bối cảnh công nghệ toàn cầu phát triển với tốc độ “chóng mặt”, các doanh nghiệp Việt được đánh giá là chưa bắt kịp với xu thế mới, và thách thức, áp lực cạnh tranh vì thế còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Theo kết quả khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), 75% doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam đang sử dụng máy móc hết khấu hao. Các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là khu vực doanh nghiệp Việt Nam vẫn loay hoay không thể thoát ra được những thế hệ máy móc có công nghệ lạc hậu 2 – 3 thế hệ. Ngoài ra, có tới 24% doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ ở mức trung bình và chỉ có 1% doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến.
Còn theo số liệu khảo sát của Bộ Công Thương, hiện nay, có 61% doanh nghiệp Việt Nam còn đứng ngoài cuộc CMCN 4.0 và 21% doanh nghiệp mới bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị. Và số liệu thống kê của Cục Thông tin KH&CN quốc gia, năm 2018, cho thấy: trong 10.994 DN sản xuất, có 879 doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến (8%); 5.501 doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình (50%); 4.614 doanh nghiệp còn lại sử dụng công nghệ lạc hậu (42%).
Đánh giá về những vấn đề còn tồn tại, ông Nguyễn Hữu Xuyên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng: “Doanh nghiệp Việt đã nhận thức được sức ảnh hưởng của công nghệ 4.0 nhưng từ nhận thức đến hành động còn một độ trễ nhất định”. Cũng theo ông Nguyễn Hữu Xuyên, khảo sát trên 7.000 doanh nghiệp, có chưa đến 60% doanh nghiệp có sự đổi mới sáng tạo, điều này cho thấy nhận thức của doanh nghiệp còn ở mức độ trung bình. Mặc dù doanh nghiệp đã có sự thay đổi nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thay đổi chung của thế giới. Số lượng doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến tăng nhưng chậm dẫn đến năng lực cạnh tranh chưa cao. Doanh nghiệp tự mình nghiên cứu, làm mới bản thân chưa thực sự mạnh mẽ.
Có thể thấy hoạt động đổi mới công nghệ nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm là nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp Việt. Bởi lẽ, công nghệ lạc hậu sẽ dẫn đến hệ lụy đó là năng suất lao động thấp, tiêu hao nguyên vật liệu và năng lượng, gây ô nhiễm môi trường và sản phẩm sản xuất ra không thỏa mãn nhu cầu của thị trường về giá cả và chất lượng. Nếu không đổi mới, doanh nghiệp sẽ buộc bị đào thải và đóng cửa bởi thiếu năng lực cạnh tranh.
Làm gì để không “lạc nhịp” xu hướng?
Để giúp doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng công nghệ trên thế giới, Nhà nước đã hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, tạo ra cơ sở dữ liệu về tài sản trí tuệ, nhưng trên thực tế doanh nghiệp chưa được thụ hưởng nhiều. Số lượng doanh nghiệp được tiếp cận và nhận hỗ trợ chưa đến 20%. Chính vì lẽ đó ông Nguyễn Hữu Xuyên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng: “Nhà nước, Chính phủ và doanh nghiệp nên ngồi lại với nhau để xây dựng lộ trình, đưa ra những chính sách, giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sao cho hiệu quả nhất”.
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cho rằng: “3 quy tắc quan trọng trong chuyển đổi số doanh nghiệp là nghĩ lớn, làm nhỏ tức là hãy nghĩ đến sự tương tác và trải nghiệm của khách hàng. Thứ hai phải phải hiểu rõ công nghệ muốn sử dụng và thứ ba là gắn công nghệ đó với tư duy, chiến lược kinh doanh.
Bàn về vấn đề này ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, đưa ra phân tích: “Ở Đức, 60% doanh nghiệp nhận thức rõ về số hóa nhưng chỉ có 25% doanh nghiệp xây dựng được chiến lược của mình. Do vậy, nếu chỉ thay đổi về nhận thức đối với xu hướng công nghệ 4.0 là chưa đủ, các doanh nghiệp cần phải chủ động nghiên cứu, tư duy sáng tạo và thay đổi hàng ngày mới có thể tạo ra hiệu quả. Không chỉ thay đổi mà còn đổi mới tổ chức và quản trị sự thay đổi đó và cũng đừng coi 4.0 là cái gì quá phức tạp. Vụ việc Grab, Uber và taxi truyền thống có lẽ là điển hình của sự xung đột giữa công nghệ kinh doanh mới và cũ. Điều đó đòi hỏi đội ngũ doanh nhân phải thay đổi - không chỉ về tư duy mà còn xu hướng, ngành nghề và “chất liệu” nền tảng của kinh doanh trong thời đại 4.0”.