Chính thức ký EVFTA và EVIPA giữa Việt Nam và EU

  • 30/06/2019 05:17:49
  • VOV.VN và VTC
  • Kinh tế
  • 0

Liên minh châu Âu (EU) khẳng định, EVFTA là thỏa thuận thương mại tự do 'tham vọng nhất' mà EU từng ký với một quốc gia đang phát triển.

Chiều 30/6, Lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do song phương (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng nhiều nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đại diện và Đại sứ các nước EU, ASEAN, và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã tới dự và chứng kiến lễ ký kết.

Phát biểu trước lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là một sự kiện quan trọng đối với cả Việt Nam và EU. "Đây là một bước phát triển mới trong quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU đã được khởi xướng từ năm 2012, phù hợp với định hướng phát triển vì sự thịnh vượng chung của 02 nền kinh tế, thể hiện sự ghi nhận và coi trọng của EU đối với vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế với tư cách là một nền kinh tế năng động, sẵn sàng cải cách để hội nhập. Đồng thời, các hiệp định được ký kết ngày hôm nay còn mang ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy kết nối kinh tế giữa cộng đồng kinh tế ASEAN và EU cũng như góp phần phát triển kinh tế toàn cầu", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom cũng khẳng định, hy vọng quá trình phê chuẩn sẽ được sớm thúc đẩy và diễn ra suôn sẻ tại cả Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu. 

EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Khi được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.

Phía EU nhận định, EVFTA là thỏa thuận thương mại tự do “tham vọng nhất từ trước tới nay” mà EU từng ký với một quốc gia đang phát triển, trong đó sẽ xóa gần 99% thuế quan giữa EU và Việt Nam. Trong giai đoạn đầu ngay khi có hiệu lực, EVFTA sẽ xóa 65% thuế nhập khẩu hàng EU xuất sang Việt Nam, trong khi phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm. Ngược lại, ở thời điểm đầu có hiệu lực, 71% thuế quan hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được gỡ bỏ, và giai đoạn tiến tới xóa phần còn lại là 7 năm tối đa.

Đối với Hiệp định EVIPA, hai bên cam kết sẽ dành đối xử quốc gia (dựa trên cam kết thương mại, một nước sẽ dành cho sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp của nước khác những ưu đãi không kém hơn so với ưu đãi mà nước đó đang và sẽ dành cho sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp của nước mình) và đối xử tối huệ quốc (yêu cầu các nước áp dụng mức thuế quan như nhau đối với tất cả các nước bạn hàng) với đầu tư của nhà đầu tư của bên kia, với một số ngoại lệ, cũng như sự đối xử công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ, cho phép tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài, cam kết không trưng thu, quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư mà không có bồi thường thỏa đáng, cam kết bồi thường thiệt hại phù hợp cho nhà đầu tư của bên kia tương tự như nhà đầu tư trong nước hoặc của bên thứ ba trong trường hợp bị thiệt hại do chiến tranh, bạo loạn, v.v... Trong trường hợp có tranh chấp phát sinh giữa một bên và nhà đầu tư của bên kia, hai bên thống nhất ưu tiên giải quyết tranh chấp một cách thiện chí thông qua đàm phán và hòa giải. Trong trường hợp không thể giải quyết tranh chấp thông qua tham vấn và hòa giải thì mới sử dụng đến cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định cụ thể trong Hiệp định này.

Sau lễ ký kết, Hiệp định sẽ được trình lên Nghị viện Châu Âu để được chấp thuận. Một khi Nghị viện châu Âu đồng ý, hiệp định thương mại có thể được Hội đồng chính thức ký kết và có hiệu lực, trong khi thỏa thuận bảo vệ đầu tư sẽ cần được các quốc gia thành viên phê chuẩn theo thủ tục nội bộ./.

Bình luận

    Chưa có bình luận