'Kinh tế' rượu bia - cần góc nhìn tỉnh táo

212 đại biểu Quốc hội (tức là chiếm gần một nửa số đại biểu tham gia lấy ý kiến) không đồng tình với điều 5, dự thảo Luật Phòng chống tác hại

Việc hơn 200 đại biểu Quốc hội (tức là chiếm gần một nửa số đại biểu tham gia lấy ý kiến) không đồng tình với điều 5, dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia gây xôn xao dư luận ngay sau khi kết quả được công bố. Trong lúc dư luận chung quan tâm đến khoản 9, điều 5 với nội dung “Người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông”, thì các chuyên gia lại bận tâm ở khía cạnh thuần túy kinh tế. Với các quy định liên quan như cấm: quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên mạng internet; cấm kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động; cấm bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi, phụ nữ mang thai, người đã có biểu hiện say rượu, bia…điều 5 của Luật Phòng chống tác hại của rượu bia nếu được thông qua sẽ tác động mạnh đến hoạt động sản xuất và kinh doanh rượu bia trong nước.

Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 3 - 4 tỷ lít bia (tương đương khoảng 3-4 tỷ USD) và khoảng 300 - 400 triệu lít rượu. Cụ thể hơn, tạp chí Forbes dẫn báo cáo nghiên cứu của Tạp chí y khoa Lancet (Anh) về tình trạng sử dụng rượu tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990 - 2017, cho thấy tỷ trọng tiêu thụ rượu nguyên chất trên toàn cầu đang có xu hướng tăng nhanh, nhất là ở các quốc gia có thu nhập thấp, trung bình như Việt Nam, Ấn Độ...Theo báo cáo này, Việt Nam trong nhóm quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ lớn, tăng gần 90% kể từ năm 2010. Năm 2017 bình quân mỗi người Việt uống gần 9 lít... Như vậy, không thể phủ nhận rượu bia đang trở thành một nguồn thu đáng kể đối với nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh mất cân đối thu chi ngày càng tăng. Vấn đề quan trọng hiện nay là phải có một chính sách thực sự khoa học, có tầm nhìn chiến lược lâu dài đối với mặt hàng này để có thể tăng được nguồn thu cho ngân sách quốc gia những lại giảm được các chi phí phát sinh do tác hại của rượu bia gây nên, đặc biệt là các chi phí về y tế, bảo hiểm, an sinh xã hội..v..v..

Do đó, song song với việc ban hành những quy định chặt chẽ để việc sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ và sử dụng rượu bia không trở nên mất kiểm soát, thì rất cần những mức thuế hợp lý để vừa tăng nguồn thu, vừa khiến rượu bia trở thành mặt hàng không thể bán tràn lan như hiện nay. Nếu vẫn duy trì cảnh một cốc bia hơi chưa đến 10.000 đồng, một chai “rượu quê” 15.000 đồng thì chắc chắn ngân sách Nhà nước không thu được bao nhiêu từ rượu bia tiêu thụ mỗi năm, mà còn tốn kém nhiều chi phí, đặc biệt là chi phí y tế và các chi phí xã hội khác, để giải quyết hậu quả do việc lạm dụng rượu bia gây ra./.

Bình luận

    Chưa có bình luận