Shop -Ship: Mối quan hệ được, mất

  • 06/06/2019 10:20:00
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Dịch vụ giao hàng (ship hàng) 'nở rộ' khi hình thức kinh doanh online phát triển. Tuy nhiên, xung quanh mối quan hệ giữa shop - ship còn nhiều điều đáng bàn.

 

Hàng cần ship, ship cần hàng

Thị trường mua bán online không còn xa lạ với các kiểu lừa lọc, giả làm shipper, hoặc giả làm chủ shop, lợi dụng quy tắc shipper trả tiền trước cho shop trước khi đi giao hàng, hoặc chủ shop không yêu cầu ứng trước tiền để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Có lẽ vì thế mà các công ty TNHH giao hàng online chuyên nghiệp ra đời đã đáp ứng được nhu cầu thị trường. Chỉ cần đánh cụm từ “cần ship hàng” là Google hiện ra rất nhiều kết quả với nhan nhản các công ty TNHH chuyên về dịch vụ nhận chuyển hàng và tuyển shipper như: Ahamove, Lalamove, Giao hàng tiết kiệm... Trên trang web của các công ty này đăng tải rất rõ số tổng đài, giá cả dịch vụ, các bước thực hiện giao dịch cho cả người có nhu cầu chuyển hàng, và người có nhu cầu tìm việc làm này.

Chị Vũ Thanh Mai ở An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội, chủ cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm xách tay chia sẻ: “Tôi chọn các công ty giao hàng vừa nhanh chóng, cần bao nhiêu shipper có bấy nhiêu và ít rủi ro xảy ra khi giao dịch”. Theo chị Mai, cửa hàng của chị ngày nào cũng có trên dưới 100 đơn hàng của khách tại khu vực nội thành Hà Nội. Trước đây chị rất vất vả khi tự đăng tin tìm shipper, mất công chờ đợi mà nhiều khi không có, hàng của chị giao cho khách bị chậm trễ.

Nhớ lại ngày mới vào nghề shipper, bạn Trần Văn Quỳnh, sinh viên năm cuối trường Đại học GTVT, chia sẻ: “Trước đây em thường tìm hàng qua facebook. Có lần em nhận chuyển chiếc điện thoại Iphone cũ, ứng ra 3 triệu và gọi cho khách theo số điện thoại của chủ hàng cho, thuê bao không liên lạc được. Gọi lại cho chủ hàng cũng mất liên lạc. Giá trị thực của chiếc điện thoại khi em mang đi bán chỉ có 400k”. Cũng vì lý do ấy mà mặc dù công ty cung cấp dịch vụ giao hàng trích lại 23,5% giá trị đơn hàng, Quỳnh vẫn chọn làm. Bởi lẽ khi vào đây, shipper được tập huấn về kỹ năng giao hàng sao cho vừa lòng khách, và quan trọng hơn là kỹ năng phòng chống các rủi ro. Ngoài ra công ty còn hỗ trợ shipper trong trường hợp khách hàng từ chối nhận hàng, hoặc không liên lạc được với họ.

Theo tìm hiểu, các công ty này cung cấp dịch vụ giao hàng trên toàn quốc với số lượng shipper khoảng từ 15 đến - 20.000 người, trong đó 50% chọn đây làm nghề nghiệp chính, số còn lại làm bán thời gian (parttime) để kiếm thêm thu nhập. Mỗi đơn hàng trong nội thành Hà Nội, có giá 18.000 - 23.000 đồng đối với quãng đường từ 4km trở xuống, từ km số 5 cộng 5.000 đồng/km. Nhu cầu mua sắm online “bùng nổ”, từ mớ rau cho đến đồ ăn sẵn, mỹ phẩm, quần áo... nên shipper không lo không có việc. Shipper có thể chủ động thời gian làm, khi nào có thể chỉ cần bật ứng dụng của công ty cung cấp là có thể tùy chọn các đơn hàng phù hợp với số tiền ứng và vị trí của mình.

Thiệt thòi vẫn thuộc về shop?

Dịch vụ giao hàng chuyên nghiệp, nhanh chóng là thế nhưng khi hàng hóa của khách xảy ra sự cố hư hỏng, vỡ... các công ty trên có xử lý nhanh chóng hay không đang còn là nỗi lo cho nhiều khách hàng.

Chị Nguyễn Minh Thư, chủ một shop nước hoa online tại Đống Đa, Hà Nội, phản ánh: “Tôi gửi hàng cho Công ty Giao hàng tiết kiệm (GHTK) một lọ nước hoa có trị giá 1.150.000 đồng, có bọc nilon chống xước bên ngoài hộp đựng hàng, sau đó đựng vào hộp carton cứng, nhưng khách nhận hàng trong tình trạng bị vỡ hỏng. Phản hồi với Công ty GHTK, công ty đổ lỗi do shop đóng gói chưa đảm bảo gây va đập với các đơn hàng khác trong quá trình vận chuyển liên tỉnh gây hư hỏng nên công ty từ chối bồi hoàn và chỉ chia sẻ rủi ro 20% giá trị đơn hàng”.

Ảnh do nhân vật cung cấp

Quy định nhận hàng tại trang web giaohangtietkiem.vn của công ty này ghi rõ: “Sản phẩm bằng chất liệu: nhựa mỏng, thủy tinh, pha lê, sành, sứ, gốm, đất nung, thạch cao, sản phẩm chứa chất lỏng bên trong... khi vận chuyển sẽ có rủi ro rất lớn nếu không có chế độ cảnh báo và vận chuyển riêng. Do vậy, GHTK có quyền từ chối hỗ trợ vận chuyển nếu đánh giá đơn hàng có rủi ro lớn khi vận chuyển hoặc do đối tác vận chuyển không đáp ứng được điều kiện để vận chuyển bưu kiện dễ vỡ”. Thế nhưng, hầu hết các đơn hàng đều được tiếp nhận ngay, không có sự kiểm tra, đánh giá như trong quy định. Về quy định khiếu nại công ty này chỉ ghi chung chung: “Tất cả các vấn đề liên quan đến giao hàng, xử lý sự cố phát sinh, quý khách vui lòng Chat/Gửi yêu cầu online trên App hoặc Website, tất cả các khiếu nại sẽ được bộ phận CSKH của GHTK tiếp nhận và xử lý”. Với cách xử lý sự cố như thế, người gửi hàng cảm thấy “bất an”, thậm chí không dám sử dụng dịch vụ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, chính sách đối với khách hàng của các công ty cung cấp dịch vụ giao hàng hầu hết đền bù không thấp hơn 4 lần cước phí dịch vụ trong mọi trường hợp; nếu cung cấp được hóa đơn trong trường hợp bị hư hỏng bồi thường là 70%, trường hợp mất bồi thường là 100% giá trị đơn hàng và phí vận chuyển đã được ứng trước. Điều đáng nói là nếu trị giá đơn hàng lớn hơn 2 hoặc 3 triệu các công ty này “khuyến cáo” người sử dụng dịch vụ trình báo cơ quan chức năng, và công ty chỉ cam kết cung cấp các thông tin cá nhân của shipper khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

Có thể thấy xung quanh câu chuyện các công ty cung cấp dịch vụ giao hàng xử lý khi xảy ra sự cố hư hỏng hàng hóa trong quá trình vận chuyển phần thiệt thòi thuộc về shop.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận