Ngành hàng mũi nhọn gạo và rau quả sụt giảm
Đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 2 tháng đầu năm 2025 đạt 9,38 tỷ USD; xuất siêu 2,05 tỷ USD. Kết quả này đã đóng góp vào việc duy trì cán cân thương mại hàng hóa của cả nền kinh tế đạt mức thặng dư 1,47 tỷ USD.
Trong đó, hầu hết các nhóm hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt trong tháng hai, xuất khẩu đạt 4,4 tỷ USD; tăng 32,7% so với tháng 2/2024. Trong đó xuất khẩu lâm sản ước khoảng 2,68 tỷ USD (tăng 11,9%); thủy sản đạt 1,42 triệu USD (tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2024). Lâm sản và thủy sản cũng là 2 nhóm mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao là 12%, và cao hơn mức bình quân tăng trưởng của tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nền kinh tế. Tuy nhiên, xuất khẩu sang châu Âu gặp trở ngại từ quy định chống phá rừng của EU (EUDR), nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh chuỗi cung ứng để đáp ứng tiêu chuẩn mới.
Tuy nhiên, một trong những nhóm ngành xuất khẩu chủ lực năm 2024 bất ngờ giảm. Ngành gạo đối mặt với tình trạng xuất khẩu tăng 5,9% về sản lượng nhưng giá trị lại giảm 13,6% khi giá bình quân giảm tới 18,3% do sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế, đặc biệt Ấn Độ và Thái Lan điều chỉnh chính sách xuất khẩu, tạo áp lực lớn lên giá gạo Việt Nam.
Xuất khẩu rau quả giảm 11% trong hai tháng đầu năm 2025. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường chi phối với tỷ lệ nhập khẩu chiếm 46,5% tổng giá trị ngành hàng này.

Ông Trần Tấn Đức, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) lạc quan nhìn nhận, năm nay các doanh nghiệp không có hợp đồng gối đầu, tình hình thị trường lúa gạo hiện nay là bình thường theo cung cầu thế giới. Dự báo trong thời gian tới, giá lúa gạo sẽ tăng dần trở lại.
Xét về thị trường, châu Á tiếp tục là khu vực tiêu thụ lớn nhất, chiếm 42,2% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam, tiếp theo là châu Mỹ (24,2%) và châu Âu (15,5%). Đáng chú ý, xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 18,9%, Nhật Bản tăng 19,1%, nhưng Trung Quốc lại giảm 4,3%. Việc sụt giảm tại thị trường Trung Quốc đặt ra nhiều thách thức về chính sách kiểm soát chất lượng và nhu cầu nhập khẩu của quốc gia này.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, họp thường trực Chính phủ vào tháng 1/2025 đã xác định chiến tranh thương mại cận kề, đặc biệt sau thời gian 2 tháng nhậm chức, tác động của các chính sách do Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lên các thị trường rất lớn. Những biến động này được ngành nông nghiệp nhìn nhận là động lực mới để chuyển đổi và tăng tốc phát triển dựa trên hệ sinh thái sản xuất và tư tưởng kinh tế nông nghiệp đã hình thành được trong thời gian qua. Với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các tỉnh, thành phố có thể bắt nhịp được những thay đổi của thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc và các thị trường khác để duy trì đà tăng trưởng.
Khoa học, công nghệ chiếm 55% giá trị gia tăng của toàn ngành
Với nhiều giải pháp được triển khai để duy trì được đà tăng trưởng, trong 2 tháng đầu năm giá lúa gạo có xu hướng giảm, nhưng sang đến những ngày đầu tháng 3/2025 giá đã nhích lên. Dự kiến năm 2025 xuất khẩu gạo ước đạt mốc 9 triệu tấn. Hiện các địa phương đang tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống lúa để có đưa gạo chất lượng cao, gạo thơm, gạo đặc sản lên tỷ lệ 75% trong năm 2025. Vì thế tin tưởng rằng xuất khẩu gạo nếu suy giảm sẽ không đáng kể.
Chính phủ giao mục tiêu cho tăng trưởng nông nghiệp năm 2025 là 4%. Phân tích từng lĩnh vực cho thấy trồng trọt chiếm 43% trong tổng giá trị của ngành nông nghiệp. Tăng trưởng của ngành trồng trọt có năm đỉnh cao là 2,2%, còn lại thường từ 1,5 - 1,8%. Lĩnh vực chăn nuôi với quy mô chiếm 26% trong tổng GDP toàn ngành nông nghiệp, năm tăng trưởng cao ở mức 5,92% (năm 2022). Lĩnh vực thủy sản chiếm 28% trong tổng GDP ngành nông nghiệp, tăng trưởng từ 3,5 - 3,8%/năm. Lĩnh vực lâm nghiệp chiếm tỷ trọng không lớn, nhưng tăng trưởng hàng năm ở mức trên dưới 7%.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, năm 2025, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là biến đổi khí hậu và yêu cầu chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, Bộ đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 70 tỷ USD trong năm 2025 với các giải pháp đồng bộ và quyết tâm mạnh mẽ. Những con số báo cáo trên trên là những dư địa mà cần rà soát để tính toán cơ cấu cho từng ngành hàng cần tăng trưởng như thế nào để về đích đạt tăng trưởng Chính phủ giao.
Về mục tiêu xuất khẩu, ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, khoa học công nghệ là giải pháp đầu tiên, vì thế cần thúc đẩy giải pháp này một cách mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Khoa học, công nghệ hiện chiếm 55% giá trị gia tăng của toàn ngành, tới đây, phải đưa khoa học công nghệ vào chương trình giống, chương trình canh tác, bảo vệ thực vật, thú y, phòng bệnh, từ đó gắn với kinh tế tuần hoàn, truy xuất được nguồn gốc và minh bạch hóa những sản phẩm xuất khẩu
Đối với chế biến và chế biến sâu, hiện Việt Nam mới chỉ xuất khẩu bằng “bao” (có nghĩa là xuất thô) trong khi thế giới xuất khẩu bằng “gói” (xuất khẩu sản phẩm tinh), giá trị gia tăng chính là ở chỗ này. Trong bối cảnh diện tích trồng không tăng thì vấn đề năng suất, chất lượng và vùng nguyên liệu gắn với chế biến sâu, chính là dư địa để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu năm 2025 và làm tiền đề cho giai đoạn tiếp theo.
Tuy thuận lợi và có nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu nhưng nhận định những biến động của thị trường trong thời gian tới khó lường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương thúc đẩy mở cửa thị trường mới, nhất là thị trường Halal, đồng thời duy trì tốt những thị trường truyền thống, tránh việc phụ thuộc vào một số thị trường.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đề nghị, các địa phương, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần chuẩn bị vùng nguyên liệu minh mạch, rõ ràng, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đáp tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng của từng thị trường xuất khẩu.
“Khoa học công nghệ sẽ quyết định vị thế của đất nước, vị thế của dân tộc và vị thế của ngành. Nông nghiệp hợp nhất với tài nguyên, môi trường, chắc chắn xu hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế xanh sẽ được phát huy ở mức cao hơn, nhanh hơn, toàn ngành nông nghiệp sẽ chuyển mình một cách tích cực hơn”.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường
“Sự phối hợp giữa Chính phủ, doanh nghiệp và ngư dân trong việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững là yếu tố sống còn để giữ vững thị trường và thúc đẩy tăng trưởng”.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam VASEP
“Năm 2023 Việt Nam xuất khẩu trên 8 triệu tấn, năm 2024 đạt khoảng 9 triệu tấn. Điều này khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động tìm kiếm thị trường, lượng lúa hàng hóa sản xuất ra nên không lo ngại vấn đề tiêu thụ”.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam
|