Thúc đẩy vận tải hàng hóa thông qua cảng biển

Phát huy lợi thế của hệ thống cảng biển sẽ giúp thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước, từ đó giúp các địa phương này có sự phát triển đột phá.

 

VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn An Thịnh, Trưởng khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội xung quanh nội dung này:

PV: Ngành kinh tế biển giữ vai trò như thế nào tới sự phát triển kinh tế của đất nước thưa ông?

PGS.TS Nguyễn An Thịnh: Việt Nam là quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về diện tích biển, với cứ 100 km² đất liền thì có 1 km bờ biển. Trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 28 tỉnh và thành phố ven biển, bao gồm 125 huyện ven biển và 12 huyện đảo.

Các ngành kinh tế biển đã có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế quốc gia. Thống kê trong Giai đoạn 2011-2022, GRDP trung bình của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm khoảng 50% GDP cả nước. Thu nhập bình quân đầu người tại các địa phương ven biển hiện nay đạt gần 100 triệu đồng, cao hơn mức bình quân cả nước. Đặc biệt, các địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng nằm trong nhóm dẫn đầu về GRDP bình quân đầu người.

Một điều quan trọng nữa là kinh tế đảo đã có sự chuyển biến căn bản, góp phần hình thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, các đảo, quần đảo của Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về sự kết nối các phương thức vận tải với các cảng biển hiện nay?

PGS.TS Nguyễn An Thịnh: Việt Nam hiện có hệ thống cảng biển tổng thể hiện đại, đáp ứng được nhu cầu xuất, nhập khẩu và vận chuyển hàng hóa nội địa, năng lực thông qua cảng biển ngày càng tăng, đón được nhiều tàu cỡ lớn. Các cảng biển Việt Nam tại TP Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã lọt vào danh sách 50 cảng biển có lượng hàng container thông qua lớn nhất trên thế giới. Năng lực vận tải biển ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, các địa phương đang gặp phải những khó khăn, thách thức. Cụ thể:

Kết cấu hạ tầng cảng biển hạn chế. Nhiều luồng tàu hẹp, độ sâu không đủ, phải thường xuyên nạo vét và duy tu để đảm bảo an toàn, gây tốn kém chi phí và ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác.

Vấn đề trang thiết bị và quản lý cũ kỹ. Một số bến cảng đã xây dựng lâu đời, thiếu sự đồng bộ trong thiết bị bốc xếp và hệ thống quản lý, dẫn đến năng suất thấp, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của thị trường hàng hải.

Kết nối giao thông và logistics kém đồng bộ. Hạ tầng giao thông kết nối cảng biển với các khu vực sản xuất và tiêu dùng chưa được đầu tư đồng bộ. Hạ tầng logistics sau cảng như kho bãi, trung tâm phân phối còn hạn chế, gây khó khăn trong chuỗi cung ứng.

Như vậy, vấn đề kết nối các phương thức vận tải với cảng biển chưa phát huy tối đa lợi thế. Mặc dù, hệ thống cảng biển hiện đại và có năng lực vận tải biển ngày càng tăng, sự thiếu đồng bộ trong hạ tầng giao thông kết nối (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa) và logistics sau cảng đang làm giảm hiệu quả sử dụng cảng biển. Điều này dẫn đến chi phí vận tải cao và giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu.

Hàng container thông qua cảng biển tính theo Teu trong 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 4,054 triệu Teus, tăng 27% so với cùng kỳ - Ảnh minh họa: VGP

PV: Vậy cần có những giải pháp nào để khắc phục những bất cập hiện nay và thúc đẩy phát triển kinh tế ở các địa phương này?

PGS.TS Nguyễn An Thịnh: Tôi cho rằng để thúc đẩy phát triển kinh tế biển, các địa phương cần thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất là cần nâng cấp các luồng hàng hải, đầu tư thiết bị bốc xếp hiện đại, xây dựng thêm kho bãi và trung tâm logistics sau cảng để giảm tải áp lực và tăng hiệu quả vận hành.

Thứ hai là cần đầu tư vào hệ thống giao thông kết nối cảng biển, đặc biệt là đường sắt, đường cao tốc và các tuyến đường thủy nội địa, để tối ưu hóa chi phí vận chuyển và thời gian giao nhận hàng hóa.

Thứ ba là cần sử dụng công nghệ quản lý cảng thông minh, tối ưu hóa quy trình bốc xếp và điều phối tàu, giảm thời gian chờ đợi tại cảng.

Thứ tư là cần khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển hạ tầng cảng biển và logistics.

Cuối cùng là cần nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động ngành logistics và vận tải biển để đáp ứng nhu cầu vận hành hiện đại.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hải Hà/vovgiaothong.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận