Hành trình trở về

  • 12/02/2019 10:44:20
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Họ là những người con đất Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài mà chưa một lần về thăm quê hương. Việt Nam trong họ chỉ là một hình ảnh mơ hồ và mờ nhạt...

 

Thế nhưng dòng máu Việt chảy trong họ chính là sợi dây liên kết bền chặt mà chỉ cần một lần gặp gỡ đủ để khơi dậy tình yêu quê hương sâu đậm mà trước đó họ chưa bao giờ nghĩ đến. Và họ quyết định trở về Việt Nam, về với cội nguồn, nơi kết tinh những giá trị tinh thần... Để rồi càng khám phá, họ càng bị cuốn hút và càng muốn gắn bó hơn với mảnh đất này, Daniel Nguyễn Hoài Tiến, Michael Nguyễn, H. John Trần là những người như vậy…

Khát vọng cống hiến cho quê hương

Sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ nhưng lại quyết định trở về Việt Nam giúp bà con dân tộc miền núi làm giàu. Với Daniel Nguyễn Hoài Tiến, tình yêu Việt Nam nảy nở trong anh như một bản năng mà ngay cả anh cũng chẳng thể nghĩ đến.

Tìm về nguồn cội

Sau nhiều lần “hò hẹn” không thành, cuối cùng tôi cũng gặp được Daniel Nguyễn Hoài Tiến khi anh vừa trở về sau một chuyến công tác dài ngày ở vùng cao. Gặp Tiến ở ngoài đời, không ai có thể nhận ra chàng trai này là Việt kiều bởi Tiến nói thành thạo tiếng Việt, đi xe máy trên đường phố, ăn bún ốc vỉa hè Hà Nội... thuộc những con đường ở Hà Nội chẳng khác gì một người dân bản địa thực thụ.

Kể về những cảm xúc đầu tiên của anh dành cho Việt Nam, Tiến nhớ lại, lần đầu tiên anh về Việt Nam cũng là lần đầu tiên anh nhìn thấy bố mình bật khóc, khiến anh chợt nhận ra vị trí đặc biệt của Việt Nam trong tim mình. “Lần đầu tiên nhìn thấy bố tôi khóc sau hơn 30 năm được gặp lại gia đình. Tôi có cảm giác Việt Nam không phải chỉ là 1 nơi tôi đến thăm nữa mà còn là nơi tôi cần có nghĩa vụ, có trách nhiệm. Tôi chợt hiểu ra rằng, có điều gì đó như một mối ràng buộc chặt chẽ giữa tôi với Việt Nam, dù lúc đấy tôi chưa biết nói tiếng Việt, chưa hiểu gì về Việt Nam”, anh nói.

Tiến “cầm tay chỉ việc” cụ thể cho bà con

Daniel Nguyễn Hoài Tiến sinh ra và lớn lên tại California, Mỹ, nơi có rất đông người Việt sinh sống. Song vì muốn con hoà nhập văn hoá Mỹ nên từ nhỏ, gia đình Tiến không khuyến khích con nói tiếng Việt. Vì thế, Tiến không được dạy tiếng Việt, không nói được tiếng Việt. Cho đến khi, anh quyết định học một ngoại ngữ khác, và anh đã chọn… tiếng Việt. Tại lớp học này, lần đầu tiên anh được cô giáo giải nghĩa tên Việt Nam của anh, điều mà cha mẹ anh chưa bao giờ làm. Tiến cảm thấy như được thức tỉnh…Đấy chính là động lực để anh học tiếng Việt và tìm hiểu về Việt Nam.

Sau tốt nghiệp, Tiến đã làm nhiều việc liên quan đến các lĩnh vực môi trường, tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp và phát triển kinh tế cộng đồng. Trong nhiều năm, Tiến đã giúp sinh kế cho rất những dân chài gốc Việt bị mất việc sau trận bão Katrina và vụ tràn dầu trên vịnh Mexico. Anh sáng lập một hợp tác xã nông nghiệp tên VEGGI, chuyên sản xuất rau sạch, làm đậu phụ, sữa đậu nành… cung cấp cho hàng chục chuỗi nhà hàng, siêu thị, khu chợ trời ở California. Năm 2012, anh được mời về Việt Nam để tư vấn định hướng phát triển cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long và vùng dân tộc thiểu số. Rồi những lần về như thế đã làm lớn dần quyết tâm trở về quê hương lập nghiệp của Tiến.

Phát triển kinh tế vẫn giữ chiều sâu văn hóa

Sau một thời gian sống ở Việt Nam, Daniel Nguyễn Hoài Tiến đã trở thành một người Việt Nam thực thụ với vốn hiểu biết sâu sắc về dân tộc học. Bỏ phố, anh ngược lên miền núi, nơi các đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để khám phá và trải nghiệm cuộc sống của bà con nơi đây. Chứng kiến những khó khăn vất vả của bà con, anh nhận ra điều mình thực sự muốn làm là giúp cho bà con cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế bền vững. “Mong muốn của tôi là phát triển sinh kế bền vững cho người dân tộc thiểu số phía Bắc. Hiện nay, dân tộc thiểu số có nhiều sản phẩm văn hóa, nông sản tiềm năng chưa được khai thác. Điều quan trọng là làm thế nào để tạo ra được đầu ra, phát triển kinh tế mà vẫn giữ được chiều sâu văn hóa địa phương. Bởi giá trị văn hóa là tài sản quốc gia dành cho thế hệ sau”, Tiến chia sẻ suy nghĩ của mình khi quyết định thực hiện công việc.

Bằng kinh nghiệm của mình, anh tư vấn, hướng dẫn bà con H'mông, Dao, Nùng, Tày... và chính quyền ở đây cách quy hoạch vùng sản xuất từ khâu canh tác, thu gom, chế biến cho đến đào tạo bà con cách kê khai thuế. Tất cả các quy trình này đều được anh “cầm tay chỉ việc” cụ thể cho bà con. Ví dụ như sản phẩm vải thô, anh hướng dẫn bà con quy hoạch vùng trồng đay, liệt kê các công thức để cho ra được 1 sản phẩm, các loại thảo mộc cần sử dụng để tạo màu, liều lượng và thời gian cụ thể. Ngoài ra, anh còn hướng dẫn bà con lên kế hoạch trong 1 năm thông qua việc ước lượng đơn hàng để trồng đay và thu thập thảo mộc đủ nhuộm màu… Không chỉ canh tác để thu hoạch, anh còn hướng dẫn bà con cách canh tác để phục hồi lại môi trường, tài nguyên xung quanh. Bên cạnh đó, anh hướng dẫn bà con xây dựng và phát triển thương hiệu mà vẫn giữ được nét văn hoá. Anh cho rằng, mỗi mảnh vải, mỗi sản phẩm đều có một câu chuyện riêng của nó nhưng quan trọng mình có biết cách kể lại câu chuyện này hay không. Với sự hiểu biết, đam mê của mình, anh đã tạo ra chuỗi dây chuyền đóng gói bao bì và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm mang yếu tố dân tộc và văn hóa.

Tiến hướng dẫn bà con dân tộc thu lượm các loại thảo mộc để nhuộm vải

nh cũng tập trung thu mua bao tiêu nhiều giống nông sản bản địa cho bà con dân tộc. Sau khi áp dụng các quy trình và phương pháp sản xuất của anh, thu nhập của bà con nơi đây đã tăng 4-5 lần so với trước. Hiện nay anh đang ấp ủ mong muốn xây dựng cơ sở chế biến sản phẩm tại chỗ để hướng dẫn bà con chế biến thô trước khi bán. Điều này sẽ giúp nâng cao giá thành sản phẩm lên gấp đôi và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho bà con.

Chia tay Tiến vào những ngày hối hả cuối năm, tôi thầm mong những dự định mà anh đang ấp ủ sẽ sớm trở thành hiện thực và đem lại ấm no, hạnh phúc cho bà con dân tộc thiểu số. Việc làm thầm lặng của anh như một lời tri ân, thể hiện trách nhiệm, tình cảm sâu đậm với quê hương và góp phần truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ trẻ hôm nay.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận