Để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế

  • 09/05/2019 08:03:36
  • Ngọc Diệu
  • Kinh tế
  • 0

Địa vị của khu vực kinh tế tư nhân được xác lập trong Nghị quyết của Đảng, là 'động lực phát triển của nền kinh tế'.

          Chưa bao giờ kinh tế tư nhân nước ta lại có điều kiện phát triển như thời điểm hiện tại. Địa vị của khu vực kinh tế tư nhân được xác lập trong Nghị quyết của Đảng, là “động lực phát triển của nền kinh tế”.  Tuy nhiên, để kinh tế tư nhân thực sự trở thành “động lực phát triển” thì cần nhiều hành động thực tiễn, hiệu quả.

        Khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã chính thức được công nhận tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) - Đại hội của Đổi mới với nhận thức phải xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần. Hơn 30 năm đổi mới, là cả một chặng đường dài từ thay đổi trong nhận thức, chủ trương, đường lối của Đảng đến các quy định pháp luật của Nhà nước để áp dụng các cơ chế chính sách nhằm mở đường, hỗ trợ và thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

          Nếu như giai đoạn trước đây, chúng ta có thể dành tới 30 năm để chuyển đổi nền kinh tế, để bước vào nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, thì nay, để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, tránh tụt hậu, yêu cầu phải tăng tốc nhanh, từ chuyển đổi tư duy, nhận thức đến hành động. Bởi Việt Nam không nằm ngoài bối cảnh chung, trong đó tất cả các nền kinh tế trên toàn cầu bị cuốn vào, và được hưởng lợi, hoặc sẽ gặp thách thực không nhỏ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

          Khu vực kinh tế tư nhân sẽ trở thành động lực phát triển, khi môi trường vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh lành mạnh, pháp luật kinh doanh rõ ràng, có tính chất “kiến tạo” phát triển, khối doanh nghiệp tư nhân được đối xử công bằng, minh bạch, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Còn ngược lại, nếu không có định hướng đúng đắn, nó sẽ trở nên “xấu xí”, tiêu cực, vì lợi nhuận bất chấp quyền lợi người tiêu dùng, nghĩa vụ với nhà nước, hủy hoại môi trường, câu kết với những phần tử, bộ phận thoái hóa trong khối nhà nước, tạo những liên kết “thân hữu”, làm méo mó môi trường kinh doanh.

          Quan sát sự vận động phát triển của kinh tế tư nhân, tạo diễn đàn đối thoại, như Diễn đàn Kinh tế tư nhân được tổ chức thường kỳ những năm gần đây, là một trong những cách thức mà Đảng, Chính phủ “đo” mức độ thực tiễn triển khai chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân, tìm ra những giải pháp thực sự hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển của khu vực này.

          Môi trường kinh doanh mấy năm gần đây được cải thiện rất nhiều, nhưng mới chỉ là “khá hơn” so với trước, chứ chưa thực sự theo kịp nhu cầu phát triển, đáp ứng những yêu cầu mà Nghị quyết của Đảng đặt ra. Rồi trước những mô hình kinh doanh mới, đầu tư mới thời “4.0”, cách ứng xử của cơ quan quản lý, xây dựng chính sách còn nhiều lúng túng.

          Do vậy, để kinh tế tư nhân trở thành động lực của phát triển kinh tế trước hết phải tiếp thêm lực cho kinh tế tư nhân, từ những cam kết về xây dựng chính sách chất lượng, cho tới thực thi hiệu quả chính sách./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận