Một số vấn đề bức xúc tồn tại kéo dài được quan tâm tại Hội nghị Đối thoại Doanh nghiệp 2024 với chủ đề “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp” Đà Nẵng là thủ tục thuê lại đất, giao đất, miễn thuế hay phải chịu thuế đối với doanh nghiệp thuê lại đất trong khu công nghiệp.
Nhiều vướng mắc về thủ tục giao đất, thuế, lao động, chính sách lao động, thoát mước, môi trường, an ninh trật tự… được các doanh nghiệp nêu ra tại Hội nghị Đối thoại Doanh nghiệp 2024 với chủ đề “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp” do Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng tổ chức hôm ngày 23/7. Một số vấn đề bức xúc tồn tại kéo dài được quan tâm tại hội nghị này là thủ tục thuê lại đất, giao đất, miễn thuế hay phải chịu thuế đối với doanh nghiệp thuê lại đất trong khu công nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 25 ngày 3/10/2023 giảm tiền thuê đất cho năm 2023 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình… Thế nhưng, đến nay một số doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Hòa Khánh và Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng vẫn chưa được tiếp cận những chính sách này. Đây là vấn đề được doanh nghiệp nêu ra tại Hội nghị Đối thoại Doanh nghiệp 2024.
Ông Vũ Tú Nam, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Thuỷ sản Bắc Trung Nam cho rằng, đây là một thiệt thòi rất lớn cho các doanh nghiệp: “Hiện nay, một số doanh nghiệp thuê lại đất của Công ty phát triển và khai thác hạ tầng Khu công nghiệp Đà Nẵng. Công ty này cũng là doanh nghiệp của nhà nước nhưng các doanh nghiệp thuê lại đất không được hưởng chính sách miễn giảm theo Quyết định 25 của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp trong điều kiện rất khó khăn”.
Ông Đinh Hải Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH FDT cho biết, Công ty của ông đang làm thủ tục thuê lại đất đối với Dự án kho lưu giữ hàng hóa tại Khu Công nghiệp dich vụ thủy sản Đà Nẵng. Đây là dự án đang thực hiện chuyển nhượng giữa Công ty TNHH F.D.T và Công ty TNHH Sky Pack, 2 công ty này đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ về đất đai theo Luật đất đai. Tuy nhiên, phía Công ty Phát triển khai thác hạ tầng khu công nghiệp Đà Nẵng đã trì hoãn, kéo dài việc thanh lý hợp đồng và ký hợp đồng thuê lại đất đối với Dự án kho lưu giữ hàng hóa tại Khu Công nghiệp dich vụ thủy sản Đà Nẵng. Theo ông Đinh Tuấn Hải, đến nay, việc trì hoãn kéo dài hơn 31 tháng, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Phía doanh nghiệp cũng đã có đơn kêu cứu gửi UBND thành phố.“Việc trì hoãn kéo dài việc ký hợp đồng thuê lại đất của dự án hơn 31 tháng đã gây thiệt hại nặng nề cho cả hai doanh nghiệp. Chúng tôi rất mong sự hỗ trợ để hoàn thành dự án”.
Trả lời ý kiến doanh nghiệp, ông Nguyễn Trọng Cường, Giám đốc Công ty phát triển và khai thác hạ tầng khu công nghiệp Đà Nẵng (Daizico) cho rằng, Công ty Phát triển và khai thác hạ tầng và khu nghiệp Đà Nẵng được UBND thành phố giao làm chủ đầu tư Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, trực tiếp ký hợp đồng cho thuê lại đất của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố được UBND thành phố ủy quyền. Như vậy, Daizico là đơn vị trực tiếp thuê lại đất của Nhà nước và trực tiếp cho doanh nghiệp thuê lại đất. Đối với doanh nghiệp thuê lại đất của Daizico sẽ không được hưởng chính sách miễn giảm theo Quyết định 25 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Trọng Cường, đây là một thiệt thòi cho doanh nghiệp. Hiện nay, chính quyền thành phố cũng đã thấy được những khó khăn của doanh nghiệp và đã chỉ đạo Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng nghiên cứu tham mưu UBND thành phố có chính sách hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp đang thuê đất trả tiền hằng năm trong khu công nghiệp.
Liên quan việc trì hoãn kéo dài thanh lý hợp đồng thuê đất của doanh nghiệp, đại diện Công ty phát triển và khai thác hạ tầng khu công nghiệp Đà Nẵng (Daizico) giải thích, Công ty Daizico được thành phố cấp sổ đỏ tại Khu công nghiệp Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng. Đơn vị này đã ký hợp đồng với Sở Tài nguyên và Môi trường với quy định là cho thuê đất hàng năm. Tuy nhiên, trước đây có sự sai sót là khi ký hợp đồng thì trả tiền một lần cho tất cả khoảng thời gian thuê. Theo kết luận của Thanh tra và của Kiểm toán năm 2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường, điều này không đúng. Để giải quyết vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng sẽ thành lập đoàn kiểm tra, rà soát lại.
Ông Nguyễn Trọng Cường cho biết: “Hiện tại Khu công nghiệp Hòa Khánh có 12 đơn vị và Khu công nghiệp Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng có 3 đơn vị tương tự, do vậy không thể làm từng doanh nghiệp. Sở Tài nguyên và Môi trường đã có kế hoạch, lập đoàn kiểm tra, rà soát lại. Sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường tách thửa, một phần thuê hàng năm, một phần cho thuê trả một lần. Khi đó, Daizico mới có đủ cơ sở để pháp lý để làm thủ tục ký hợp đồng với doanh nghiệp, không thể cái sai này chồng cái sai khác”.
Đại diện Nhà đầu tư Công ty Cổ phần Thiết bị Điện Phước Thạnh - ông Nguyễn Thanh Bình - Giám Đốc Dự Án Chi Nhánh Đà Nẵng - cho rằng, đang tồn tại một số khó khăn, vướng mắc đó là quy hoạch về ngành nghề phân khu. Tại Khu công nghiệp Hòa Cầm đang có quy hoạch chi tiết ngành nghề, từng lô đất, quy hoạch này hạn chế nhà đầu tư vào làm ăn, vì phải đúng ngành nghề tại vị trí lô đất. Đề nghị điều chỉnh hoặc xóa bỏ quy hoạch chi tiết trên để thu hút đầu tư.
Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Quang Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, trước đây, theo Luật, quy hoạch tổng mặt bằng của từng dự án trong khu công nghiệp là do UBND quận, huyện phê duyệt. Hiện nay, không còn quy hoạch ngành nghề nữa, chỉ có một quy hoạch tổng mặt bằng toàn bộ khu công nghiệp hoặc là của từng dự án. Ban Quản lý đã báo cáo UBND thành phố và được thành phố ủy quyền để Ban làm các thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch của từng dự án trong khu công nghiệp. Như vậy, tất cả các doanh nghiệp khi có nhu cầu điều chỉnh quy hoạch trong dự án của mình thì thẩm quyền thuộc Ban quản lý. Tổng thời gian để phê duyệt các hồ sơ quy hoạch tổng mặt bằng cho các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao, các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung khoảng từ 20 ngày đến 25 ngày.
Ông Vũ Quang Hùng khẳng định, đây là một bước tiến lớn trong việc ủy quyền phê duyệt đồ án quy hoạch trong các khu vực mà do Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng quản lý. Lần đầu tiên Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng tổ chức đối thoại quy mô lớn để lắng nghe ý kiến, phản ảnh của doanh nghiệp trong khu công nghiệp là điều cần thiết. Nhiều vướng mắc của doanh nghiệp đã được các cấp thẩm quyền trả lời, giải quyết. Riêng đối với vấn đề liên quan đến đất đai là vấn đề rất khó xử lý, kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết.
Ông Vũ Quang Hùng cho biết, với tư cách là Đại biểu HĐND thành phố, các câu hỏi, thắc mắc của doanh nghiệp sẽ được tập hợp, chia thành một số nhóm để báo cáo tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng sắp tới để tìm hướng giải quyết, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động: “Chúng tôi cũng đã tiếp nhận được rất nhiều ý kiến, những vướng mắc của các doanh nghiệp, ngoài cái thẩm quyền của Ban quản lý được các đơn vị trả lời tương đối kỹ, giải quyết được những vướng mắc, khúc mắc của doanh nghiệp”.
Đình Thiệu/VOV-miền Trung