Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,75%. Năm 2024, áp lực lạm phát không quá lớn, tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, từ nay tới cuối năm còn nhiều biến số khó lường tác động đến CPI… Do vậy, cần giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường, chủ động kiểm soát lạm phát.
Nếu nhìn vào tốc độ tăng CPI trong 6 tháng đầu năm nay, có thể thấy áp lực lạm phát đang ở mức vừa phải. Cụ thể, so với cuối năm 2023, CPI mới chỉ tăng 1,4%, tương đương trung bình khoảng 0,23%/tháng. Nếu xét riêng trong quý II/2024, CPI chỉ tăng trung bình 0,1%/tháng.
Ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, lạm phát so với cùng kỳ và lạm phát trung bình ở mức cao như hiện nay chủ yếu là do tác động từ các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý 3 năm 2023. Trong quý 3 năm 2024, khi hiệu ứng từ việc điều chỉnh giá này giảm dần và nếu không có sự điều chỉnh giá quy mô lớn đối với các mặt hàng được Nhà nước quản lý, lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh và lạm phát trung bình cũng sẽ giảm theo.
“Kinh tế của chúng ta nếu tính trong quý 2 đã tăng trưởng 6,42% nhưng tính trung bình 5 năm thì vẫn chỉ ở mức 5%, dưới rất nhiều so với mức trung bình của giai đoạn 2014-2024 là 6%, tức là nền kinh tế hoạt động dưới tiềm năng. Thứ hai là tốc độ tăng trưởng cầu tiêu dùng luôn luôn thấp so với cả tốc độ tăng trưởng GDP, người dân đang có xu hướng tăng tiết kiệm. Yếu tố thứ ba là tỷ giá, 6 tháng đầu năm, tỷ giá đã tăng khá mạnh, tăng hơn 4% so với cuối năm ngoái. Kể từ tháng 4 đến nay, tỷ giá đã khá ổn định, áp lực về tỷ giá trong 6 tháng cuối năm sẽ không cao khi mà Fed tiếp tục có kế hoạch hạ lãi suất. Còn các yếu tố tiền tệ, lãi suất dù mức thấp nhưng chúng ta vẫn duy trì thực dương. Tốc độ tăng trưởng tín dụng thì 6 tháng đầu năm tăng trưởng khoảng 4,5%, cũng là mức khá thấp. Như vậy, những mức tăng trưởng này phù hợp với bối cảnh hiện nay là nền kinh tế mới đang phục hồi, chưa phục hồi hoàn toàn”, TS. Nguyễn Đức Độ nhìn nhận.
Trong bối cảnh chịu sức ép tăng giá từ các yếu tố nội tại và các yếu tố bên ngoài, lạm phát vẫn được kiểm soát trong tầm mục tiêu. Đây là kết quả đáng ghi nhận và có đóng góp rất lớn của Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, bảo đảm tính chủ động, hiệu quả, phối hợp với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. 6 tháng cuối năm nay, áp lực lạm phát được dự báo cũng sẽ không lớn nhưng cũng không thể chủ quan.
“6 tháng cuối năm, Chính phủ đề ra rất nhiều giải pháp cụ thể… Thủ tướng đề ra rất cụ thể từng giải pháp cho từng ngành, từng bộ… Ví dụ đối với Tài chính, thu chi ngân sách đảm bảo cân đối, đối với Công Thương thì về giải quyết vấn đề giữa cung cầu hàng hóa, đặc biệt đối với công tác về quản lý giá và công tác quản lý thị trường...”, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho biết.
Năm 2024, bối cảnh lạm phát và giá cả hàng hóa thế giới đã hạ nhiệt, tại Việt Nam khả năng lạm phát tăng mạnh trong năm nay là khó xảy ra. Chính phủ luôn thận trọng và chủ động trong điều hành giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát, nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dư địa để đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, phải sẵn sàng các kịch bản và giải pháp ứng phó cho từng tình huống phát sinh.
“Đối với lạm phát chi phí đẩy, bên cạnh việc tăng lương đã trở thành hiện thực thì tăng chi phí của các dịch vụ đầu vào, nhất là từ phía dịch vụ công nhà nước cần rất thận trọng. Với lạm phát tiền tệ, cần có sự kiểm soát để tránh gia tăng đột ngột một lượng tiền vào thị trường, khiến tăng vọt phương tiện thanh toán, từ đó, tạo ra lạm phát tiền tệ. Cuối cùng là lạm phát ngoại nhập, cần chủ động kịch bản vì áp lực lạm phát ngoại nhập đến từ các nguyên liệu đầu vào, đặc biệt trong đó có yếu tố liên quan dầu khí và một số nguyên liệu khác cộng với mức độ lạm phát ở nhiều nước cao. Cần phải có từng chính sách riêng biệt cho từng khía cạnh để tạo ra một sự triệt tiêu những tác động mặt trái nhiều nhất”, TS Nguyễn Minh Phong khuyến nghị.
Với những lo ngại về tăng lương sẽ có tác động đến giá cả và gây áp lực đến lạm phát trong 6 tháng cuối năm, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù lương cơ sở được tăng từ 1/7/2024, nhưng việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế. Tuy nhiên, cần tập trung vào các giải pháp quản lý thị trường, giám sát chặt chẽ biến động giá cả, các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá.
Đặc biệt, điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Về tổng thể, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay từ 4 - 4,5% đã đặt ra là khả thi.
Bá Toàn/VOV1