Nam Định phấn đấu đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 ở mức cao nhất

  • 27/06/2024 17:30:30
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Tập trung cao độ, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, 6 tháng đầu năm 2024, các chỉ tiêu kinh tế của Nam Định đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, một số chỉ tiêu cao hơn bình quân chung của cả nước, tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,56%, đứng thứ 11 toàn quốc.

 

Là tỉnh đầu tiên hoàn thành hồ sơ đề án sáp nhập

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tỉnh Nam Định, trong bối cảnh nền kinh còn nhiều khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định, có sự phát triển so với cùng kỳ và đạt được nhiều kết quả tích cực. Các chỉ tiêu kinh tế đạt mức tăng trưởng khá, một số chỉ tiêu cao hơn bình quân chung của cả nước, như: Tổng sản phẩm GRDP ước tăng 8,56% (đứng thứ 11 toàn quốc); Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 14,29%; Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước tăng 13,71% so với cùng kỳ; tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu ước đạt 1.365 triệu USD, tăng 13,8%; giá trị hàng hóa nhập khẩu ước đạt 831 triệu USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn tỉnh ước tăng 15,2% so với cùng kỳ.

Nam Định tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh Nam Định năm 2024. Tại Hội nghị đã trao Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 07 nhà đầu tư, với tổng số vốn đăng ký và cam kết đầu tư gần 420 triệu USD; ký kết Biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư lớn như: VSIP, Tập đoàn Flamingo, Công ty TNHH Gulf Energry… để khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Sau Hội nghị, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai các nội dung của Quy hoạch tỉnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

     Dự án tuyến đường dây 500Kv đảm bảo tiến độ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được Nam Định quan tâm đầu tư, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, các khu cụm công nghiệp; đồng thời tập trung chỉ đạo đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Công tác giải phóng mặt bằng được tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự đồng thuận và đảm bảo tiến độ triển khai các dự án trọng điểm.

Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được tỉnh đặc biệt quan tâm triển khai và đạt kết quả tích cực. Đến nay đã có 197/204 (96,6%) xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 34 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xét công nhận huyện Giao Thủy đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023.

Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư được tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và tiếp tục có những tín hiệu rất tích cực. Số dự án đầu tư và số vốn đăng ký đầu tư tăng so với cùng kỳ (số dự án đầu tư tăng gấp 3,6 lần; tổng số vốn đăng ký tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2023). Có nhiều nhà đầu tư đăng ký đầu tư và nghiên cứu, khảo sát đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh” (Đề án 06) tiếp tục được quan tâm triển khai và đạt được kết quả tích cực. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023 của tỉnh đứng thứ 29/63 tỉnh, thành phố, tăng 5 bậc so với năm 2022. Chất lượng quản trị dịch vụ công trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công của tỉnh Nam Định thuộc tốp dẫn đầu toàn quốc.

Đặc biệt, Nam Định là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành hồ sơ đề án và được Bộ Nội vụ thẩm định Đề án sáp nhập huyện Mỹ Lộc vào thành phố Nam Định, thành lập và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Nam Định và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Nam Định giai đoạn 2023-2025 trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Định hướng phát triển 6 tháng cuối năm 2024

6 tháng cuối năm 2024, Nam Định định hướng phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Để đạt được mục tiêu đề ra, Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Nam Định cho biết, Nam Định sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ gắn với đổi mới và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu.

   Tỉnh lộ 490 đoạn đi qua huyện Nghĩa Hưng

Nam Định hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn; trong đó, khuyến khích nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình điểm về chuỗi giá trị nông sản có giá trị gia tăng cao và bền vững; mô hình tích tụ ruộng đất và liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất hàng hóa tập trung theo “cánh đồng lớn liên kết”. Tỉnh cũng đẩy mạnh việc quảng bá và phát triển thị trường trong và ngoài nước cho các sản phẩm OCOP; đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh; phấn đấu đến hết năm 2024 toàn tỉnh có thêm ít nhất 40 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên.

Nam Định triển khai thực hiện các nội dung Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ; hoàn thành hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành phù hợp với Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng để đảm bảo đồng bộ, thống nhất; tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh các quy hoạch chung đô thị; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết,...

Tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, giải phóng mặt bằng, thực hiện thủ tục các dự án trọng điểm; hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án: tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển; xây dựng cầu qua sông Đào; đường trục phía Nam thành phố Nam Định; giai đoạn II Dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình; cầu vượt sông Đáy; Bệnh viện đa khoa tỉnh; Khu Trung tâm lễ hội thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần...

Cùng với đó, Nam Định hoàn thiện các thủ tục đầu tư Dự án Nâng cấp hệ thống thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu vay vốn ADB; chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng tập trung triển khai công tác giải phóng mặt bằng các dự án: tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định; cầu Ninh Cường...; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đồng thời có những giải pháp quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng, phối hợp với nhà đầu tư để sớm triển khai các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện tại khu vực Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng.

Đồng thời, Nam Định đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư.

6 tháng đầu năm năm 2024, Nam Định Đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 40 dự án (bao gồm 21 dự án đầu tư trong nước và 19 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký 5.691,6 tỷ đồng và 148,9 triệu USD.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận