Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Nam Định nhiều năm qua phát triển nhanh chóng cả về số lượng, quy mô và chất lượng, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Nam Định hiện còn nhiều dư địa thu hút FDI.
Nam Định được quy hoạch đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước, là cực phát triển quan trọng của tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng, là trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng và điểm kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng. Mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 9,5%/năm. Để hiện thực hoá mục tiêu đó, một trong những giải pháp mà Nam Định tập trung triển khai đó là thu hút vốn đầu tư FDI.
Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết, giai đoạn 2021 đến tháng 5/2024, toàn tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 247 dự án, trong đó 70 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 108.275 tỷ đồng và 608,1 triệu USD. Tổng vốn đầu tư đăng ký đã vượt mục tiêu thu hút vốn đầu tư của cả giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư.
Trong đó đầu tư nước ngoài đã thu hút được một số các dự án lớn như: Dự án sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi máy tính của nhà đầu tư Quanta với tổng mức đầu tư 120 triệu USD; Dự án Nhà máy sản xuất sợi, vải, may mặc tại KCN Rạng Đông của Công ty YI DA DENIM MILL (VN) CO., LTD với tổng mức đầu tư 60 triệu USD; Dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc tại KCN Rạng Đông của Công ty TNHH sợi hoá học công nghệ cao Xielong Chương Bình Phúc Kiến với tổng mức đầu tư 40 triệu USD.
Ngoài ra, UBND tỉnh đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) về nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty TNHH AEON Việt Nam về phát triển dự án trung tâm thương mại AEON Nam Định.
Lũy kế đến hết tháng 5 năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 158 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4.197 triệu USD, vốn thực hiện khoảng 1.450 triệu USD. Trong đó, trong khu công nghiệp có 73 dự án với vốn đăng ký đạt 1.500 triệu USD; ngoài khu công nghiệp có 85 dự án với số vốn đăng ký đạt 2.697 triệu USD.
Nhờ đó, Nam Định có bước bứt phá vượt bậc về kinh tế - xã hội. Năm 2023, tổng sản phẩm GRDP tăng 10,19%, cao nhất từ trước đến nay, đứng thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 6 cả nước; thu ngân sách Nhà nước đạt 10.452 tỷ đồng, hoàn thành trước 2 năm chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông; môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện; xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, diện mạo của tỉnh đang được thay đổi toàn diện.
Đứng trước cơ hội đón làn sóng FDI, Nam Định vẫn còn rất nhiều dư địa. Quỹ đất, về hạ tầng, nhân lực, cơ chế thông thoáng đã và đang là cơ sở để các nhà đầu tư lựa chọn Nam Định là điểm đến lâu dài.
Ông Trần Anh Dũng cho biết, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, Nam Định xác định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài chính là “mỏ neo” lớn nhất, bền vững nhất cho sự gia tăng không ngừng nguồn vốn FDI. Nam Định tận dụng lợi thế là địa phương được phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để hoàn thiện các quy hoạch cụ thể.
Nam Định đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả trong thực hiện quy hoạch; thực hiện công khai nội dung quy hoạch đối với từng ngành, lĩnh vực, địa phương… trên tất cả các nền tảng thông tin để cán bộ, công chức, viên chức, các nhà tư vấn, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước và toàn dân hiểu được tiềm năng, thế mạnh, dư địa, khát vọng phát triển của tỉnh.
Tỉnh thực hiện nghiêm công tác quản lý quy hoạch, vừa bảo đảm quy hoạch được triển khai trong thực tế, vừa tận dụng tối đa nguồn lực trong thực hiện theo quy hoạch. Từng nhiệm vụ phải xác định mục tiêu cụ thể, xác định rõ thời gian hoàn thành và phân công trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân, làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Nam Định cũng khẩn trương rà soát, điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch liên vùng huyện, nhất là quy hoạch về đất đai, xây dựng theo quy định, đặc biệt là kế hoạch sử dụng đất của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và xây dựng kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2026-2030 bảo đảm sử dụng đất hiệu quả, tạo nguồn lực cho phát triển, tăng thu ngân sách, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ. Tỉnh sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình kết cấu hạ tầng có tính lan tỏa lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tập trung thu hút các nguồn lực để xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch, phát triển các đô thị, các dự án hạ tầng cung cấp điện, viễn thông, thủy lợi, cấp nước,… đã được phê duyệt quy hoạch.
Nam Định tiếp tục đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, lấy chính quyền số làm động lực để phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện tốt chính sách xã hội hóa, đa dạng các hình thức đầu tư, đổi mới, tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước theo hướng xúc tiến đầu tư các thị trường quan trọng như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, châu Âu,... các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo công ăn việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động và tăng thu ngân sách cho tỉnh.
Tỉnh quan tâm đầu tư phát triển văn hóa hài hòa với kinh tế, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát triển ngành công nghiệp văn hóa, bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; tập trung tháo gỡ các “nút thắt”, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch với hạ tầng sản xuất xanh, bền vững. Cùng với đó, Nam Định đã ban hành danh mục các dự án ưu tiên, ưu đãi cụ thể để các nhà đầu tư tiếp cận và xúc tiến hiệu quả…
Với hàng loạt những giải pháp quyết liệt, Nam Định đang tiến sát tới mục tiêu thu hút 2 tỷ USD từ đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2021-2025./.