Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ 12: Đổi mới và bền vững

'Đổi mới và bền vững: Tạo dựng tương lai của du lịch ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương' là chủ đề của Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC (TMM) lần thứ 12

 

“Đổi mới và bền vững: Tạo dựng tương lai của du lịch ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương” là chủ đề của Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC (TMM) lần thứ 12 diễn ra tại Urubamba (Cusco, Peru) từ ngày 6-9/6/2024 vừa qua.

Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển du lịch bền vững

Phiên họp có sự tham gia của 17 đại diện từ 21 nền kinh tế thành viên APEC, Ban Thư ký APEC và các quan sát viên: Colombia, Macao (Trung Quốc), Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD), Liên minh Du lịch thế giới (WTA), Trung tâm Du lịch bền vững quốc tế APEC (AICST)…

Trong khuôn khổ chương trình, nhóm công tác Du lịch đã đánh giá việc thực hiện Kế hoạch chiến lược Du lịch APEC giai đoạn 2020 - 2024 và thảo luận về Kế hoạch chiến lược Du lịch APEC giai đoạn 2025 - 2029.

“Đổi mới và bền vững: Tạo dựng tương lai của du lịch ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương” là chủ đề của Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC (TMM) lần thứ 12

Trao đổi về Kế hoạch chiến lược giai đoạn tiếp theo, Phó Cục trưởng Cục Duy lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho rằng Kế hoạch phù hợp với Tầm nhìn APEC Putrajaya năm 2040, trong đó tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên: chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ du lịch và khả năng cạnh tranh; du lịch bền vững và tăng trưởng kinh tế. Theo đó, nhóm công tác du lịch tập trung thảo luận về “Đổi mới nhằm thúc đẩy các bên chuyển sang nền kinh tế chính thức và toàn cầu” và “Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững của ngành du lịch đối với nhóm chưa được khai thác tiềm năng kinh tế”.

Bàn về vai trò của du lịch hỗ trợ phụ nữ và thanh niên, ông Hà Văn Siêu chia sẻ, nhận thức rõ vai trò của phụ nữ và thanh niên đối với phát triển du lịch, Việt Nam đề xuất một số giải pháp nhằm trao quyền và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ, thanh niên trong du lịch ở khu vực APEC như: Tạo điều kiện thúc đẩy phụ nữ và thanh niên tham gia tích cực vào việc họp bàn/đối thoại, lập kế hoạch, thực hiện và quản lý các hoạt động du lịch; Nâng cao năng lực phục vụ và quản lý trong du lịch cho phụ nữ và thanh niên; Hỗ trợ phụ nữ, đoàn thanh niên tiếp cận các nguồn vốn, bao gồm về tài chính, tri thức và mối quan hệ xã hội; Hoàn thiện chính sách quản lý các hoạt động du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng.

Kế hoạch giai đoạn 2025 - 2029 sẽ góp phần quan trọng đạt được các mục tiêu của Tầm nhìn APEC Putrajaya năm 2040

Tăng cường chuyển đổi số, hợp tác xúc tiến quảng bá

Hội thảo “Đổi mới và bền vững: Định hình tương lai du lịch ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương” ưu tiên thảo luận tập trung vào ba nội dung: Định hướng hoạt động cho Nhóm Công tác du lịch APEC giai đoạn 2025 - 2029; Sử dụng sáng tạo công cụ số trong lĩnh vực du lịch; Tối ưu hóa chuỗi cung ứng nhằm phát triển du lịch bền vững tại các nền kinh tế APEC. Tại hội thảo này, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ An Phong đánh giá cao nỗ lực của nhóm công tác Du lịch APEC trong việc triển khai Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2020-2024 và thảo luận xây dựng Kế hoạch giai đoạn 2025-2029. Thứ trưởng tin tưởng rằng, các hoạt động cụ thể trong Kế hoạch sẽ góp phần quan trọng đạt được các mục tiêu của Tầm nhìn APEC Putrajaya năm 2040, Kế hoạch hành động Aotearoa và Chiến lược phát triển bền vững năm 2030.

Thông tin tới hội nghị về đóng góp của Việt Nam trong việc triển khai kế hoạch giai đoạn 2020-2024, Thứ trưởng Hồ An Phong cho biết, Việt Nam đã chủ trì thực hiện dự án “Gia tăng triển vọng kết nối doanh nghiệp du lịch thông qua ứng dụng công nghệ thông tin nhằm xây dựng và quảng bá mạng lưới các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa về du lịch cộng đồng tại khu vực nông thôn APEC” và đã hoàn thành vào tháng 6/2023 với việc công bố website các bản làng du lịch, các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ ở khu vực vùng sâu vùng xa và xây dựng tài liệu hướng dẫn doanh nghiệp đăng tải thông tin.

Nhằm đẩy nhanh phục hồi du lịch quốc tế của khu vực, Thứ trưởng Hồ An Phong đề nghị các nền kinh tế APEC tiếp tục tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như: tăng cường truyền thông về các yêu cầu nhập cảnh mới; hỗ trợ nhau khởi động lại xúc tiến du lịch trực tiếp và xây dựng lòng tin cho du khách về du lịch an toàn; xây dựng nhận thức chung trong APEC về nhu cầu số hoá quá trình xử lý thông tin hành khách; tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và chính phủ về số hoá; dỡ bỏ các rào cản và hạn chế áp dụng với đi lại của hành khách.

Trong khuôn khổ chương trình, hội nghị đã trao đổi về chủ đề đổi mới và sử dụng các công cụ số để tạo cơ hội cho các chủ thể du lịch chuyển đổi sang nền kinh tế chính thức; nâng cao năng lực các doanh nghiệp vừa và nhỏ và nâng cao trải nghiệm du lịch trong APEC; tối ưu hóa chuỗi cung ứng nhằm mục đích phát triển du lịch bền vững tại các nền kinh tế APEC./.

Trong tuyên bố chung, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC (TMM) lần thứ 12 đánh giá Kế hoạch chiến lược du lịch APEC 2020- 2024 đã đóng vai trò là khuôn khổ hướng dẫn để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương với những lĩnh vực ưu tiên: Chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi và cạnh tranh du lịch, du lịch bền vững và tăng trưởng kinh tế.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận