4 'ông lớn' ra tay, thị trường vàng có bình ổn?

Chiều 3/6/2024, phiên bán vàng miếng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước gọi là "bình ổn giá" của 4 ngân hàng thương mại cổ phần lớn và Công ty SJC được thực hiện

 

Chiều 3/6/2024, phiên bán vàng miếng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước gọi là "bình ổn giá" của 4 ngân hàng thương mại cổ phần lớn (thường được gọi Big4 gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) cùng Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC đã được thực hiện. Big4 ra tay, thị trường vàng có ổn?

Cảnh xếp hàng chờ mua vàng giữa trời nắng tại điểm bán của Vietinbank

Mua sớm 10 phút "mất toi" chục triệu

Đây là tình cảnh của người đàn ông đến mua vàng chiều 3/6 tại cửa hàng của Công ty Vàng bạc đá quý SJC ở phố Giang Văn Minh, Hà Nội. Anh đã mua được 5 lượng vàng SJC với giá niêm yết tại cửa hàng thời điểm mua (14h20) là 81 triệu đồng/lượng. Cũng trong thời điểm này, giá mua vào của cửa hàng là 79 triệu đồng/lượng. Khi có một khách hàng khác hỏi: "Vì sao giá vàng ở SJC lại cao thế, trong khi Ngân hàng Nhà nước bán ra 78,9 triệu đồng/lượng?", một trong hai người bảo vệ cửa hàng điềm nhiên đáp: "Anh đến ngân hàng mà mua".

Thái độ có phần thách thức này của người bảo vệ không phải là không có cơ sở, bởi ở những điểm bán vàng theo giá chỉ định của 4 ngân hàng lớn, lượng người xếp hàng đông nghịt. Tại Hội sở số 2 Láng Hạ, Hà Nội của Agribank lúc 14h40 (10 phút sau giờ bắt đầu bán chính thức) số thứ tự đăng ký mua đã là 1088. Ở Vietcombank 11 Láng Hạ chỉ sau 5 phút đã cấp số thứ tự 1-150. Trong số khách hàng chờ mua vàng ở Vietcombank chiều 3/6 có người đã bị choáng khiến ngân hàng phải cử nhân viên y tế theo dõi.

"Do quan hệ cung cầu mất cân đối dẫn tới giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn. Bây giờ muốn thu hẹp chênh lệch đó thì phải đáp ứng được cầu, cần phải xác định được cầu vàng. Hiện nay lượng cầu quá lớn, ngân hàng không đáp ứng đủ. Cứ cố tung ra như thế này lại tạo ra hiện tượng vàng hóa vì xu hướng giá thế giới đang lên và các kênh đầu tư khác đều bấp bênh. Biện pháp này không thể kéo dài được, chỉ là nhất thời để giảm áp lực. Nếu chỉ dùng vàng vật chất để đáp ứng cầu sẽ gây hệ lụy không tốt, như muối bỏ bể. Nên suy tính việc sử dụng các loại vàng khác, ví dụ tín chỉ vàng, để đáp ứng nhu cầu" - Chuyên gia thị trường giá cả, Tiến sĩ Ngô Trí Long.

Đăng ký nhiều, nhưng ít người mua được vàng. Ông Nguyễn Ngọc Thụy đứng trong thang máy vẫn chưa hết băn khoăn: "Tôi thấy bảo vệ nói hết vàng rồi, chả biết có mua được không? Giờ mới 15h30". Thực tế cho thấy, băn khoăn của ông Thụy không thừa, vì cả phiên chiều 3/6, Vietcombank Láng Hạ chỉ bán được cho khoảng 20 khách muốn mua vàng.

Còn tại BIDV, mới chỉ chưa tới 15h30, nhân viên ngân hàng đã báo hết vàng và đề nghị khách hàng để lại thông tin xếp hàng sẵn cho hôm sau. Tình cảnh ở điểm bán của Vietinbank 81 Phố Huế lúc 15h45 còn khổ sở hơn: xếp hàng ngoài đường giữa cái nóng 37 - 38 độ C để chờ cánh cửa của ngân hàng mở cho 2 người bên trong mua vàng xong đi ra và 2 người bên ngoài lại nhích thêm một bước.

Song, những vất vả ấy không thiệt thòi bằng việc những người đã mua vàng miếng SJC trước thời điểm Big4 mở bán phải chấp nhận mất ngay lập tức 1,02 triệu đồng/lượng khi cả SJC và Big4 đều áp dụng mức giá 79,98 triệu đồng/lượng, thấp hơn so với giá niêm yết trước đó, thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới xuống khoảng 8,5 triệu đồng/lượng, mức chênh thấp nhất gần 2 năm qua. Và, nếu so với giá vàng của ngày 4/6, họ còn mất thêm 1 triệu đồng nữa.

Điều gì phải đến đang đến, bởi trước đó, khi Ngân hàng Nhà nước thông báo 4 ngân hàng thương mại cổ phần lớn sẽ bán vàng miếng theo giá chỉ định thì giá vàng trong nước đã liên tục giảm. Người mua vàng ở thời điểm giá cao nhất vào trước đó khoảng 10 ngày thì đã mất xấp xỉ 12 triệu đồng/lượng so cùng giá bán ra.

"SJC là thương hiệu vàng độc quyền nhà nước, chỉ nhà nước được độc quyền nhập khẩu nên dân chúng gửi gắm vào thương hiệu này một niềm tin rất lớn, dẫn tới chênh lệch giá, mặc dù chất lượng hầu như không chênh lệch. Tôi nghĩ nên trả lại một thị trường vàng bình thường, SJC cũng như tất cả các hãng khác, SJC có thể chênh lệch so với hãng khác một số tiền nhỏ, chứ không thể chênh giữa vàng miếng SJC và vàng nhẫn các thương hiệu tới hàng triệu đồng như bây giờ. Một điều rất phi lý. Nếu cho nhập khẩu vàng bình thường cũng không lo thiếu ngoại tệ, bởi cao điểm chúng ta nhập khẩu khoảng 50 tấn vàng, tương đương khoảng 3 tỉ USD, chưa bằng một nửa kim ngạch xuất khẩu rau quả, chưa bằng 1/5 lượng kiều hối gửi về Việt Nam mỗi năm, không lo chảy máu ngoại tệ. Để giá vàng như hiện nay sẽ tạo nên tâm lý bất ổn, hoang mang trong dân chúng" - Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa.

Tại sao phải bán vàng "bình ổn giá"?

Câu hỏi này được nhiều chuyên gia kinh tế và những người quan tâm đến thị trường vàng thời gian qua đặt ra. Và theo dõi diễn biến của việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng với giá chỉ định ra thị trường trong mấy ngày qua, có thể thấy, câu hỏi này không thừa.

Theo quy định tại Điều 17 Luật Giá 2012 thì "Áp dụng có thời hạn một hoặc một số biện pháp sau để thực hiện bình ổn giá phù hợp với các trường hợp thực hiện bình ổn giá, bao gồm: Điều hòa cung cầu hàng hoá sản xuất trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; hàng hoá giữa các vùng, các địa phương trong nước thông qua việc tổ chức lưu thông hàng hóa; mua vào hoặc bán ra hàng dự trữ quốc gia, hàng dự trữ lưu thông; Các biện pháp về tài chính, tiền tệ phù hợp với quy định của pháp luật".

Xét theo quy định này, việc bán vàng với giá chỉ định của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, đây có phải là việc làm cần thiết hay không lại là một vấn đề khác. Nó là cần thiết khi mà sự nhảy múa của giá vàng làm cho người dân, kể cả những người không có nhu cầu về vàng cũng cảm thấy bất ổn vì giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã và đang “té nước theo vàng”. Nhưng nếu xét trên thực tế vàng không phải là mặt hàng thiết yếu, không thuộc "rổ" hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng và biến động giá vàng đúng quy luật cung cầu sẽ không ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh, thì việc bán vàng để "bình ổn giá" trở nên không cần thiết.

Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại, người đã có nhiều năm kinh nghiệm với chương trình bán hàng bình ổn giá được ngành công thương áp dụng hàng chục năm nay, chia sẻ: "Bán vàng "bình ổn" chỉ tốt cho ổn định giá cả một khi có lực lượng vàng vật chất lớn. Thứ 2 là giá bán phải thấp hơn giá thị trường từng thời điểm và theo thời gian giá vàng phải dần dần hạ xuống tiệm cận với giá vàng thế giới. Không được bán cầm chừng đứt đoạn, sẽ gây ra đầu cơ lợi dụng. Tuy nhiên, theo tôi, đây ko phải là giải pháp hay nhất. Chỉ có bỏ độc quyền vàng miếng, cho nhiều đơn vị nhập vàng vào thị trường nội địa... lúc đó giá sẽ tương đối ổn định môt thời gian dài ở Việt Nam".

Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “Việc bán vàng của các ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường vàng theo chủ trương của Chính phủ không vì mục tiêu lợi nhuận”. Thế nhưng, giá bán ra của Big4 và SJC vẫn cao hơn giá bán ra của Ngân hàng Nhà nước tới 900.000 đồng/lượng. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết: Các Ngân hàng thương mại Nhà nước chỉ thực hiện bán vàng miếng SJC cho khách hàng cá nhân và không thực hiện mua vàng miếng SJC từ khách hàng.

"Phải có đủ lượng vàng để bán, không đủ vàng ở trong nước thì phải nhập khẩu. Nếu không đủ số lượng thì việc làm ấy chỉ mang tính trấn an dư luận, một vài ngày, khi nguồn cung hết, đâu lại vào đấy. Ngân hàng Nhà nước thay vì nhập khẩu vàng thì hãy để cho các nhà kinh doanh vàng nhập khẩu và bán lại cho dân, theo nhu cầu của thị trường. Nếu đáp ứng được nhu cầu của thị trường thì đương nhiên giá vàng sẽ tiệm cận với giá vàng thế giới, chỉ chênh khoảng 3 - 5 triệu so với giá thế giới.  Tốt nhất, cứ để thị trường vàng vận hành theo đúng quy luật thị trường: không độc quyền, không sử dụng vàng như một loại tiền tệ, tăng giảm theo quy luật cung cầu và giá thế giới. Kết hợp với những biện pháp rất hiệu quả của Chính phủ như thanh tra các cửa hàng vàng, tích cực chống buôn lậu vàng thì thị trường vàng sẽ sớm bình ổn" - Chuyên gia tài chính, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận