Cho doanh nghiệp tự định giá xăng dầu: Cần cơ chế kiểm soát

Nhà nước trao quyền tự định giá xăng dầu cho DN nhưng cần có cơ chế kiểm soát các khâu, nhằm ngăn chặn các hành vi lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường...

 

Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Điểm đáng chú ý của Dự thảo sửa đổi này là công thức và cơ chế tính giá xăng dầu.

Giá trần xăng dầu vẫn tính theo công thức

Tại Dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất nhà nước không điều hành giá xăng dầu, thay vào đó là công bố giá thế giới bình quân 15 ngày và một số chi phí cố định. Dựa trên dữ liệu này, các DN đầu mối sẽ tự đưa ra giá trần và giá bán lẻ tới người tiêu dùng sẽ không được cao hơn mức giá trần đó. Quy định này nhằm giảm sự can thiệp của Nhà nước vào quyết định giá bán của DN đầu mối, giúp họ cạnh tranh về chi phí, loại bỏ việc áp dụng giá xăng dầu tại hai vùng 1 và 2 như hiện nay.

Khẳng định Dự thảo tiến dần hơn với cơ chế thị trường, nhà nước ban hành nguyên tắc công thức giá để thương nhân kinh doanh xăng dầu cân đối và quyết định giá bán, nhưng không cao hơn công thức giá quy định, bà Nguyễn Thuý Hiền Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, Dự thảo dự kiến đưa ra công thức và trên cơ sở đó DN sẽ tự tính toán căn cứ thực tế để đưa ra mức giá không được vượt ngưỡng trần, ngưỡng trần này do liên Bộ Công Thương và Bộ Tài chính tính toán. “Điều này đảm bảo sự bình ổn nhưng vẫn mang tính định hướng thị trường, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các bên”, bà Hiền nói.

Làm rõ thêm những quy định trong Dự thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, có nhiều nội dung mới được thay đổi vừa đảm bảo được mục tiêu cuối cùng là cân đối cung - cầu xăng dầu, đảm bảo không thiếu hụt và an ninh năng lượng. Quá trình điều hành sẽ tiệm cận với cơ chế thị trường nhưng có điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước.

Do đó, trong hoạt động điều hành giá xăng dầu hiện nay, vẫn trên tinh thần liên Bộ đưa giá trần làm tham khảo, từ đó DN đưa ra mức giá theo tính toán của mình phù hợp với tình hình kinh doanh, nhưng không vượt quá giá trần.

“Công tác điều hành giá hiện nay đang áp dụng tiệm cận với cơ chế thị trường trong những tình huống bình thường. Giá xăng dầu thế giới có biến động như thế nào, việc tính toán giá trong nước cũng được điều chỉnh nhịp nhàng. Tuy nhiên thị trường xăng dầu vẫn được quản lý và điều hành của nhà nước, mang tính chất bình ổn giá nên có quy định giá trần”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ.

Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu kỳ vọng quá trình điều hành sẽ tiệm cận với cơ chế thị trường, nhưng có điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước.Tự định giá xăng dầu nhưng không thống lĩnh

Trước đề xuất này, đại diện 1 DN bán lẻ xăng dầu khu vực phía Bắc phản ứng, thị trường bán lẻ xăng dầu đang được “thống trị” bởi các thương nhân đầu mối lớn, khi họ nắm tới hơn 70% thị phần. Do đó, nếu trao quyền quyết định giá bán cho thương nhân đầu mối, đồng nghĩa với việc trao thêm quyền cho họ, dễ tạo ra sức ép đối với các DN bán lẻ gây nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, khan hiếm nguồn cung khiến thị trường xăng dầu trở nên phức tạp.

Cần làm rõ thêm quy định về giá trần ở Dự thảo nghị định mới là ý kiến của chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa. Ông cho rằng, cần có những chế tài để kiểm soát và tháo hết nút thắt, dứt khoát áp dụng nguyên tắc giá thị trường đối với kinh doanh xăng dầu. Với cách thức tính và công bố giá như đề xuất trong Dự thảo, vẫn tạo thói quen bán sát giá trần của các DN.

“Đổi mới căn bản và thực chất việc giao quyền định giá, thỏa thuận về giá và cạnh tranh về giá theo tín hiệu khách quan của thị trường cho các DN kinh doanh xăng dầu. Bao gồm tất cả các khâu từ giá mua trong nước, giá mua thế giới, giá bán buôn, giá bán lẻ”, ông Thỏa đề xuất và cho rằng, nhà nước vẫn có thể thông báo giá cơ sở, nhưng đó chỉ được coi là một kênh thông tin, là tín hiệu để định hướng thị trường để nhà nước điều hòa cung cầu và thực hiện các biện pháp bình ổn giá, khi thị trường có biến động bất thường.

Chuyên gia cũng lưu ý, điều quan trọng vẫn là phải có cơ chế kiểm soát sản lượng cung ứng, chi phí sản xuất lưu thông, hậu kiểm, cơ cấu hình thành giá. Cơ chế này nhằm ngăn chặn các hành vi lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường định giá và cung ứng sản lượng bất hợp lý, gây phương hại đến lợi ích của nhà nước và người tiêu dùng.

Ví von cách điều hành giá xăng dầu theo đề xuất trong Dự thảo như kiểu “thả cho bơi nhưng trói bớt 1 chân", Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhận thấy, các DN đầu mối dù được trao quyền quyết định giá bán, nhưng chi phí, lợi nhuận định mức vẫn thuộc Nhà nước quản lý. Vì thế, để giá xăng dầu thực sự theo cơ chế thị trường, ông Phú cho rằng, Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu phải thực sự "cởi trói" cho DN bằng các giải pháp mang tính đột phá hơn.

“Cần thí điểm triển khai cơ chế trước khi mở cửa hoàn toàn với mặt hàng xăng dầu. Cơ quan quản lý chỉ nên quy định về tiêu chuẩn xăng dầu, thuế phí,…các DN sẽ tự đưa ra cách tính và mức giá bán ra thị trường. Khi đó, tự mỗi DN có cách quản lý, bán hàng riêng và họ sẽ tìm cách bán được nhiều hàng và đảm bảo duy trì hoạt động hiệu quả”, ông Phú đề xuất.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận