Chiều 11/4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai các điểm mới theo Nghị định sửa đổi các Nghị định về thi hành Luật Thủy sản và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản.
Một trong những điểm mới quan trọng của Nghị định bổ sung sửa đổi đối với Nghị định 26 về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thu hành Luật Thủy sản đó là đơn giản hóa một số thủ tục hành chính liên quan đến bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản; đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực; bổ sung quy định kiểm soát tàu nước ngoài khai thác, vận chuyển, chuyển tải thuỷ sản, sản phẩm thuỷ sản có nguồn gốc từ khai thác cập cảng Việt Nam và kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác được vận chuyển bằng tàu công-ten -nơ nhập khẩu vào Việt Nam.
Đáng lưu ý là Nghị định mới bổ sung quy định về quản lý hệ thống giám sát tàu cá. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của Trung ương và địa phương trong việc quản lý, sử dụng hệ thống giám sát tàu cá; thuyền trưởng, chủ tàu cá phải chấp hành nghiêm cảnh báo của thiết bị giám sát hành trình tàu cá, không được đưa tàu vượt qua ranh giới vùng được phép khai thác thủy sản trên biển.
Nghị định sửa đổi cũng quy định rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp thiết bị giám sát lắp đặt trên tàu cá; quy định rõ yêu cầu và quản lý việc lắp đặt đối với thiết bị giám sát tàu cá và quy định yêu cầu đối với việc lắp thiết bị chống va, đâm khi hoạt động trên biển để tránh tình trạng nhiễu loạn thông tin, gây khó khăn trong việc quản lý.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Điều 44 trong Nghị định sửa đổi bổ sung quy định rất rõ đối với nhà cung cấp về chất lượng của thiết bị giám sát hành trình đối với niêm phong kẹp chì của các bên tham gia tương đương, đó là Điều 35 trong Nghị định 42 xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi, vi phạm cái gì thì sẽ xử phạt tương ứng. Vấn đề này trong các cuộc họp trước đây đã được đề xuất thì nay đã được bổ sung vào Nghị định đưa ra quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với thiết bị giám sát hành trình”.
Đối với Nghị định 42 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, Nghị định sửa đổi, bổ sung đã quy định tăng thời gian xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản từ 1 năm lên 2 năm; vi phạm hành chính nhiều lần hoặc tái phạm trong lĩnh vực thủy sản được coi là tình tiết tăng nặng trong xử phạt vi phạm hành chính; bổ sung xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ tàu cá không đồng thời là thuyền trưởng và chủ tàu cá đồng thời là thuyền trưởng; quy định rõ ranh giới vùng biển được phép khai thác thuỷ sản. Nghị định sửa đổi cũng bổ sung xử phạt hành chính các vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; quy định về nuôi trồng và khai thác thủy sản…
Để chuẩn bị tốt nhất cho đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sang Liên minh Châu Âu (EU) báo cáo về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (chống khai thác IUU) cũng như tiếp đón đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) sang Việt Nam về gỡ thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị các Bộ, ngành và địa phương cũng như các cơ quan chuyên môn của Bộ trên dưới phải đồng lòng, quyết liệt hành động chống khai thác IUU đáp ứng tốt nhất các khuyến nghị của EC.
“Chúng ta thống nhất một điều, đây không chỉ là vấn đề chống khai thác IUU mà chúng ta hành động vì hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế. Vượt qua chống khai thác IUU đã khó nhưng đây là tiền đề đầu tiên phải vượt qua để hướng tới một ngành ngư nghiệp, ngành kinh tế thủy sản, minh bạch, trách nhiệm, bền vững. Từ đó chuẩn bị cho “3 trụ cột” trong phát triển kinh tế thủy sản gồm: khai thác, nuôi trồng và bảo tồn biển, chúng ta thảo luận với tinh thần thẳng thắn, đồng thời với tâm thế là hành động thực sự và quyết liệt”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Minh Long/VOV1