Điện mặt trời mái nhà được lắp đặt trên mái nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp, để sử dụng theo hình thức tự sản, tự tiêu có thể liên kết hoặc không liên kết với hệ thống điện quốc gia; không kinh doanh, không bán cho tổ chức, cá nhân khác.
Sáng 10/4, tại cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (Nghị định), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, có 3 chính sách khuyến khích chủ yếu đối với điện mặt trời mái nhà là: Cho phép lắp đặt không cần theo Quy hoạch Điện VIII; các nguồn điện mặt trời mái nhà được liên kết và phát công suất dư thừa lên lưới điện quốc gia với mức giá theo thời điểm; hỗ trợ lãi suất khi đầu tư thiết bị lưu trữ điện.
Theo đó, điện mặt trời mái nhà được lắp đặt trên mái nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp, để sử dụng theo hình thức tự sản, tự tiêu có thể liên kết hoặc không liên kết với hệ thống điện quốc gia; không kinh doanh, không bán cho tổ chức, cá nhân khác.
Xác định điện mặt trời mái nhà là nguồn năng lượng tái tạo cần được ưu tiên, khuyến khích phát triển, vừa huy động được nguồn lực của tổ chức, cá nhân, tận dụng mạng lưới truyền tải hiện hữu, nhiều ý kiến tại cuộc họp cho biết, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang chờ đợi nghị định này.
Ông Đỗ Văn Năm, thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, cho biết hiện các doanh nghiệp khu công nghiệp đang rất cần khuyến khích về thủ tục, chính sách về điện mặt trời mái nhà. Giải pháp được kiến nghị đối với các khu, cụm công nghiệp chỉ cần thẩm tra xác định độ an toàn của công trình hiện hữu khi lắp đặt thêm điện mặt trời mái nhà; ban hành bộ hồ sơ mẫu với công trình lắp điện mặt trời mái nhà mới; phân cấp cho địa phương và quy định rõ thời gian giải quyết…
Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành trao đổi, thống nhất các giải pháp cải cách, rút ngắn thủ tục hành chính về môi trường, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy… trong cấp phép lắp đặt điện mặt trời mái nhà; hỗ trợ lãi suất ưu đãi; tiêu chí xác định điện nền hình thành từ lưu trữ điện mặt trời mái nhà; thẩm quyền cấp tín chỉ xanh cho doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời mái nhà trong sản xuất; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật kiểm soát, bảo đảm an toàn khi phát, hoặc không phát nguồn điện dư lên lưới điện.
Phó Thủ tướng nêu rõ, Nghị định phải khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phát triển điện mặt trời mái nhà thời gian qua. Từ đó xác định rõ đối tượng; tiêu chuẩn kỹ thuật; cơ chế, chính sách khuyến khích cho từng đối tượng, phương thức vận hành (tự sản, tự tiêu, liên kết với hệ thống điện quốc gia, có thiết bị lưu trữ điện…); giải pháp công nghệ bảo đảm an toàn, ổn định của hệ thống điện nền khi đưa điện mặt trời mái nhà lên hệ thống điện.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ cấp bách, giải pháp quan trọng nhằm huy động các nguồn lực xã hội vào thực hiện Quy hoạch Điện VIII. Vì vậy, cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư điện mặt trời mái nhà là chủ trương nhất quán.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra yêu cầu, điều kiện kỹ thuật, tiêu chí những nguồn điện mặt trời mái nhà; có chính sách tài chính liên quan đến điện mặt trời mái nhà… trên tinh thần phân cấp tối đa cho địa phương.
“Cụ thể, đối với hộ dân, công sở, toà nhà văn phòng... lắp đặt điện mặt trời mái nhà để tự sản, tự tiêu, không kinh doanh thì xây dựng những bộ hồ sơ mẫu, đơn giản hoá tối đa thủ tục, trừ những công trình có yêu cầu đặc biệt về an toàn, phòng cháy, chữa cháy. Những doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời mái nhà để sử dụng, đồng thời lắp đặt thêm thiết bị lưu trữ điện năng thì cần đưa ra mức giá hợp lý, cùng phương án hỗ trợ về tài chính, lãi suất, thuế...”, Phó Thủ tướng lưu ý./.
Theo VOV.VN