Đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp Việt

Dù tham gia ngày càng nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn tham gia dưới vai trò bên sử dụng sản phẩm nhiều hơn là vai trò cung ứng.

 

Theo bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, VCCI, mặc dù nước ta nổi lên như một quốc gia sản xuất chuyên về các chức năng lắp ráp ở Châu Á và được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, song có một thực tế, trong các chuỗi sản xuất sản phẩm, Việt Nam vẫn đang ở vị trí thấp do tập trung vào các công đoạn gia công, lắp ráp... là những khâu mang lại giá trị gia tăng thấp nhất. Dù tham gia ngày càng nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng nước ta tham gia dưới vai trò bên sử dụng sản phẩm nhiều hơn là vai trò cung ứng.

“Để bắt kịp và tận dụng tốt những cơ hội của những xu hướng chuyển dịch nói trên, nhằm nâng cao cơ hội tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu với vai trò là các nhà cung ứng, cũng như tăng cường năng lực xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp cần nâng cao sức chống chịu và khả năng cạnh tranh; thích ứng linh hoạt, hiệu quả với những biến động tình hình quốc tế, khu vực và trong nước. Cần chủ động hòa nhịp với xu hướng tái định hình và vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm tận dụng các cơ hội, giảm thiểu rủi ro, xử lý những bất cập và thách thức đối với nền kinh tế”, bà Trần Thị Thanh Tâm nêu rõ.

Đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp Việt.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc đổi mới sáng tạo, thực hiện các giải pháp áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh sẽ thúc đẩy hoạt động tăng năng suất lao động. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh, gia tăng uy tín của doanh nghiệp để giữ được khách hàng cũ, thu hút khách hàng mới, sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường rộng lớn, từ đó nâng tầm được thương hiệu Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Lê Huy Khôi, Trưởng phòng Quản lý khoa học và đào tạo, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho rằng, nước ta cần phải tận dụng được các cơ hội từ cuộc Cách mạng 4.0, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp Việt.

“Hỗ trợ đổi mới sáng tạo theo hướng Nhà nước tập trung vào nâng cao năng lực của doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ và tình hình tài chính của doanh nghiệp khởi nghiệp (cải cách sâu về thể chế và thị trường). Cần phải có chính sách và tiềm lực kinh tế hỗ trợ mang tính chất thiết thực. Nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ mới. Do đó, cần có các chính sách hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp về cách sử dụng công nghệ tốt nhất và những chính sách này sẽ thay đổi khi năng lực công nghệ trong các doanh nghiệp được cải thiện và phát triển”, ông Lê Huy Khôi nêu ý kiến.

Nguyễn Hằng/VOV1

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận