Đảm bảo cung ứng điện mùa khô
Bộ Công Thương dự báo, nhu cầu sử dụng điện năm 2024 tiếp tục tăng trưởng cao so với năm 2023. Tính đến hết tháng 3/2024, phụ tải tăng trưởng khoảng 11,5% sẽ dẫn đến tình hình thiếu điện trong năm nay.
Để đảm bảo cung ứng điện, từ cuối năm 2023, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư xây dựng và quán triệt tuyệt đối trong công tác vận hành nhằm đảm bảo cao nhất việc cấp điện cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.
Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Thế Hữu cho biết, Bộ Công Thương đã đưa ra các giải pháp đảm bảo cung ứng điện như: Tập trung các nguồn lực để phấn đấu hoàn thành các công trình lưới điện, nguồn điện để giải toả nguồn điện cũng như tăng cường khả năng truyền tải; Đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu, nhiên liệu cho phát điện, đặc biệt là than và khí; Tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình vận hành các quy định ngành điện, khắc phục nhanh chóng những sự cố xảy ra, chuẩn bị dự phòng vật tư sẵn sàng đảm bảo vận hành hệ thống; Điều tiết hợp lý các nhà máy thuỷ điện đảm bảo dự phòng công suất điện năng trong cao điểm mùa khô; Tăng cường công tác rà soát các đường dây truyền tải 500kV, 200kV, kiểm tra khắc phục các khiếm khuyết nếu có, hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố; Tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh các chương trình tiết kiệm điện.
Thông tin thêm về vấn đề lo ngại thiếu điện trong năm nay, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, tình trạng tiết giảm phụ tải điện trong tháng 6/2023 ở một số địa phương là sự cố đáng tiếc. Vì vậy ngay từ cuối năm 2023, Bộ Công Thương đã trực tiếp giám sát, tham gia vào việc điều hành, cùng với EVN đảm bảo vận hành cung ứng điện. Bộ Công Thương đã chủ động ban hành kế hoạch cung ứng điện, đồng thời đảm bảo các nguyên, nhiên liệu, đặc biệt là khí, than để phục vụ cho các nguồn điện.
Bộ Công Thương đã ban hành riêng kế hoạch cung ứng điện cho các tháng mùa khô, từ tháng 4 -7 có kế hoạch riêng. Trên cơ sở đó rà soát hàng tháng, hàng quý và có báo cáo để điều chỉnh kịp thời.
“Ngay trong quý 1 này, Bộ đã có kế hoạch cụ thể, nên chúng tôi thấy rằng việc cung ứng điện dù có tăng trên 11% nhưng Bộ đã phối hợp các bên liên quan tích cực triển khai các giải pháp. Bộ Công Thương sẽ cùng EVN và các đơn vị liên quan đề ra nhiều giải pháp đảm bảo cung ứng điện. Chúng tôi tin tưởng và khẳng định, năm 2024 sẽ không thiếu điện và sẽ cố gắng đảm bảo đủ điện trong những năm tiếp theo”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định.
Tiếp tục nghiên cứu, xem xét, sửa đổi Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến xây dựng Nghị định kinh doanh xăng dầu mới để thay thế 3 Nghị định quản lý xăng dầu hiện nay, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Nguyễn Thúy Hiền cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương hiện đang phối hợp các bộ, ngành và đơn vị liên quan xây dựng dự thảo về kinh doanh xăng dầu. Đối với cơ chế giá xăng dầu, dự thảo Nghị định dự kiến sẽ tiến dần hơn với cơ chế thị trường, giảm sự can thiệp của Nhà nước giúp DN cạnh tranh về chi phí, loại bỏ việc áp dụng giá xăng dầu tại hai vùng 1 và 2 như hiện nay. DN đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động quyết định mức giá bán nhưng không được cao hơn mức tối đa này.
Bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: “Dự thảo dự kiến tiến dần hơn với cơ chế thị trường, nhà nước ban hành nguyên tắc công thức giá để thương nhân kinh doanh xăng dầu cân đối và quyết định giá bán, nhưng giá này không cao hơn công thức giá quy định”.
Cũng theo bà Hiền, Dự thảo dự kiến đưa ra công thức và trên cơ sở đó DN sẽ tự tính toán căn cứ theo thực tế để đưa ra mức giá không được vượt ngưỡng trần do liên bộ Công Thương và Tài chính tính toán. Điều này đảm bảo sự bình ổn nhưng vẫn mang có định hướng thị trường, đảm bảo hài hoà giữa các bên. Bà Hiền cũng cho biết, có nhiều ý kiến tranh luận về việc nên giữ hay không nên giữ quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhưng nhìn chung, quỹ này đang bộc lộ hạn chế nên cần xem xét sửa đổi và cơ quan soạn thảo đang tiếp tục nghiên cứu. Theo đó, việc quy định cụ thể hơn về mức trích, chi và thời gian trích, chi cũng như các nội dung khác liên quan cũng đang được xem xét.
“Thực tế hiện nay vẫn đang thực hiện quy định hiện hành về trích lập quỹ. Nhưng qua nghiên cứu thấy có một số vấn đề cần điều chỉnh, nên sẽ cụ thể hoá trong Dự thảo nghị định đang được lấy ý kiến rộng rãi, đánh giá kỹ để hoàn thiện”, bà Hiền cho biết.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, theo quy trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thì nghị định kinh doanh xăng dầu mới để thay thế 3 nghị định quản lý xăng dầu hiện nay cần có thời gian để đăng công bố công khai, lấy ý kiến rộng rãi của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong vòng 60 ngày, Bộ Công Thương trong quá trình soạn thảo đã phối hợp với Ban soạn thảo thống nhất là sẽ công bố lấy ý kiến hoàn thiện bắt đầu từ 27/3.