Thị trường bán lẻ: Cơ hội cho sự khác biệt

  • 27/03/2019 15:02:46
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Thị trường bán lẻ Việt hiện đang nằm trong tay các ông lớn. Song vẫn còn cơ hội cho những nhà đầu tư đến sau nếu có sự khác biệt và ứng dụng các công nghệ phát triển trên thế giới.

 

 

 

Cuộc chơi của các ông lớn

Được thành lập từ năm 1989 theo mô hình liên hiệp hợp tác xã, Sài Gòn Co.op là doanh nghiệp bán lẻ tiên phong tại Việt Nam. Hiện doanh nghiệp này có mặt trên 7 phân khúc bán lẻ trừ siêu thị điện máy. Đặc biệt là trên mảng đại siêu thị/trung tâm phân phối, Sài Gòn Co.op là doanh nghiệp Việt duy nhất cạnh tranh với tập đoàn Central Group với hệ thống Co.opXtra và Co.opXtra Plus cũng như hợp tác với đài truyền hình mở kênh bán hàng HTV Co.op. Hiện nay, Saigon Co.op đã có hơn 600 điểm bán và đa dạng các mô hình đặt ở hầu hết các tỉnh thành nước ta và có khả năng còn tiếp tục mở rộng quy mô, củng cố năng lực cạnh tranh trên “sân nhà”.

Sau 4 năm tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam, Tập đoàn Vingroup đã lần lượt thâu tóm chuỗi siêu thị Ocean Mart, Vinatexmart, Maximark, Fivimart... và chính thức trở thành chuỗi cửa hàng tiện ích lớn nhất tại Việt Nam đồng thời chiếm giữ vị trí số 1 trong 10 nhà bán lẻ uy tín nhất nước ta nhờ vào nỗ lực mở rộng mạng lưới, và không ngừng đổi mới cách thức và mô hình hoạt động cũng như nâng cao chất lượng phục vụ người tiêu dùng. Riêng tháng cuối năm  2018, tập đoàn này đã khai trương 117 cửa hàng VinMart+, nâng con số của chuỗi cửa hàng này lên 1.700 cửa hàng trên toàn quốc. Số lượng siêu thị VinMart đến nay cũng đã đạt con số 100. Ngoài phân khúc đại siêu thị và bán lẻ qua truyền hình, VinGroup có mặt ở các kênh bán lẻ khác từ trung tâm mua sắm phức hợp (Vincom Mega Mall), cửa hàng tiện lợi Vinmart+, 11 trung tâm mua sắm Vincom Center, khoảng 100 siêu thị Vinmart, hệ thống siêu thị điện máy VinPro/VinPro+ và kênh trực tuyến adayroi.vn.

Thị trường bán lẻ Việt, vẫn còn cơ hội cho những nhà đầu tư đến sau nếu có sự khác biệt

ANH: PV

Không chỉ Sài Gòn Co.op, Vingroup… mà trên thị trường đã xuất hiện nhiều tập đoàn phân phối khổng lồ của nước ngoài, có tiềm lực to lớn, tính chuyên nghiệp cao và đi đầu trong xu hướng bán lẻ mới như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart, Auchan, Family Mart… Không ít người lo ngại, trong cuộc cạnh tranh không cân sức này, hệ thống phân phối thương mại Việt Nam có nguy cơ “rơi” vào tay những tập đoàn lớn. Đặc biệt là khi các hiệp định thương mại có hiệu lực, cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nước ngoài lớn đẩy mạnh đầu tư vào ngành bán lẻ Việt Nam. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế sẽ không đủ năng lực để cạnh tranh, khẳng định vị thế của mình trên thị trường bán lẻ Việt Nam.

Phát biểu tại “Diễn đàn đầu tư tiếp thị và bán lẻ Việt Nam”, ông Lê Xuân Đình, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam đã hội tụ nhiều nhà phân phối lớn trong và ngoài nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của nước ta trong giai đoạn 2011-2015 có mức tăng 11,38%/năm; giai đoạn 2016-2018 tăng 10,55%/năm. Giai đoạn từ nay đến năm 2020 ước khoảng 13%/năm, giai đoạn 2021-2025 là 14%/năm. Quy mô thị trường bán lẻ tăng nhanh từ 70 tỷ USD năm 2010 lên đến 158 tỷ USD năm 2016 và dự kiến là 179 tỷ USD vào năm 2020.

Song ông Đình cũng chỉ ra, thị trường bán lẻ Việt thiếu một chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước một cách bền vững; thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường, thiếu chiến lược phát triển kinh doanh, tính chuyên nghiệp không cao, năng lực tài chính hạn chế, thiếu các dịch vụ hậu mãi…

Cơ hội cho sự khác biệt

Mặc dù, thị trường bán lẻ Việt hiện đang nằm trong tay các ông lớn, nhưng các chuyên gia nhận định, vẫn còn cơ hội cho những nhà đầu tư đến sau, nhất là các nhà bán lẻ có thương hiệu, có sự khác biệt và ứng dụng các công nghệ quản lý bán hàng phát triển trên thế giới.

Ông Lê Xuân Đình cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển mới ở giai đoạn đầu, cơ hội còn rất nhiều cho những nhà đầu tư đến sau, nhất là các nhà bán lẻ có thương hiệu, có sự khác biệt và ứng dụng các công nghệ quản lý bán hàng phát triển trên thế giới. “Giai đoạn 2018-2020 thực sự sẽ là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ ở thị trường nội địa. Đây cũng là thời điểm mà sự cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài; giữa các kênh bán hàng hiện đại và các kênh bán hàng truyền thống”, ông Đình khẳng định.

Thị trường bán lẻ Việt, vẫn còn cơ hội cho những nhà đầu tư đến sau nếu có sự khác biệt

Từ sự thành công của Sài Gòn Co.op, Vingroup, có thể thấy mỗi tập đoàn, doanh nghiệp đều có một chiến lược riêng tạo nên sự khác biệt và phù hợp với thế mạnh cũng như điểm yếu của bản thân. Chẳng hạn như Saigon Co.op đã tìm hiểu rất kỹ thế mạnh và động thái của các tập đoàn bán lẻ ngoại, thận trọng nghiên cứu thị trường ở các tỉnh thành khác - nơi mà thị trường chưa bão hòa và các đối thủ nước ngoài chưa để ý tới. Từ đó, họ đã khá thành công khi mở thêm nhiều siêu thị ở nhiều tỉnh thành ngoài TP HCM như tại Bà Rịa Vũng Tàu, Cai Lậy - Tiền Giang, Hồng Ngự - Đồng Tháp, Gò Dầu - Tây Ninh, Tân Châu - An Giang...

Còn đối với tập đoàn đình đám Vingroup, kinh nghiệm nổi bật đáng nói của họ lại nằm ở chỗ từng bước gây dựng lòng tin của khách hàng, hướng tới mục tiêu vì sức khỏe người tiêu dùng và thấu hiểu nhu cầu của người tiêu dùng. Minh chứng cho điều đó là việc tập đoàn này đã không băn khoăn nhiều khi đầu tư nghiên cứu và xây dựng hệ thống hơn 30 phòng/trạm kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm đặt ở các vị trí phù hợp trên khắp cả nước; phát triển thêm hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco (rộng hơn 3.000 ha) để trồng và cung cấp nông sản sạch cho thị trường và phân phối độc quyền tại các hệ thống VinMart & VinMart+ của chính họ. Ngoài ra, họ cũng đánh vào tâm lý ưa thích sự tiện lợi và hứng thú với các chương trình khuyến mại của người tiêu dùng khi bố trí các điểm bán hàng xen kẽ trong khu dân cư, cung cấp cả những mặt hàng tươi sống, rau củ quả sạch với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

 

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương):

Bà Nga

Thị trường bán lẻ Việt Nam có 8 phân khúc chủ yếu với sự góp mặt của các nhà bán lẻ lớn gồm: Đại siêu thị/Trung tâm phân phối, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm phức hợp, siêu thị, siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi/cửa hàng chuyên dụng, siêu thị điện máy, bán lẻ trực tuyến và bán hàng qua truyền hình. Theo tính toán của Bộ Công Thương, trung bình cứ 100.000 dân thì cần có 01 đại siêu thị, 01 trung tâm thương mại; cứ 10.000 dân cần 01 siêu thị cỡ trung bình; còn 1.000 dân cần 1-3 cửa hàng tiện lợi. Đây chính là khoảng trống để các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam mở rộng thị phần. Cùng với nhiều lợi thế khác về nguồn hàng, sự am hiểu văn hóa tiêu dùng… doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển.

 

Bà Lưu Bảo Vân Giám đốc điều hành dự án Intage Việt Nam:

Câu chuyện của bán lẻ hôm nay không chỉ dừng lại ở việc khách hàng mua mặt hàng nào, số lượng bao nhiêu, mà là cách họ đang mua như thế nào, điều gì của kênh bán hàng đó, nhà bán lẻ đó thực sự thu hút họ.  Đột phá đó chính là sự thâm nhập thị trường của ngày càng nhiều nhà bán lẻ từ khổng lồ đến các “chiến binh du kích nhỏ lẻ”, và song song đó là sự trỗi dậy của thương mại điện tử cùng mô hình bán lẻ đa kênh. Hơn ai hết, nhà đầu tư bán lẻ hiểu mình phải thay đổi, phải linh hoạt trong việc đáp ứng nguyện vọng của người tiêu dùng và có cách tiếp cận năng động để làm mới cơ cấu hoạt động và chăm sóc khách hàng lẫn nhóm người chưa-phải-khách hàng.

Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hội Thương mại điện tử Việt Nam:

Hiện có hơn một nửa dân số Việt Nam dùng điện thoại, 72% trong số này dùng smart phone, và một người Việt Nam bình thường chạm vào điện thoại khoảng 150 lần/ngày. Điều đó cho thấy khách hàng của các doanh nghiệp bán lẻ không đơn giản chỉ là trực tuyến, mà họ đang sống trực tuyến. Hành vi đó thay đổi, thói quen thay đổi thì cách ứng xử của doanh nghiệp cũng phải khác. Vì nếu không chúng ta sẽ mất cơ hội chạm vào khách hàng. Nhiều doanh nghiệp cho rằng sự phát triển của công nghệ không quá nhanh, nhưng thực tế nó siêu nhanh. Nó nhanh đến mức khi chúng ta nhận ra rằng chúng ta phải ứng dụng công nghệ thì công nghệ đã làm thay đổi bản chất kinh doanh, và đối thủ của chúng ta đã vượt lên trước. Thậm chí tệ hơn nữa là chúng ta đã đứng ngoài cuộc chơi.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận