Những doanh nghiệp tạo nên thương hiệu, bản lĩnh Việt

  • 29/12/2023 10:11:00
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

2023 là một năm đầy thăng trầm của kinh tế thế giới nhưng không thể cản bước người Việt chinh phục sân chơi toàn cầu.

 

Viettel, FPT, VinFast… là những cái tên đang tạo nên thương hiệu Việt, bản lĩnh Việt, giúp Việt Nam viết tên mình trên bản đồ kinh tế thế giới với những nét bút ngày càng tự tin hơn, vững chắc hơn.

Ghi dấu ấn trí tuệ Việt

Từ một nước có nền kinh tế phi thị trường (non - market economy), đến nay đã  có 72 nước công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của nước ta ước đạt khoảng 3.500 USD, đứng thứ 120 trên thế giới; quy mô nền kinh tế Việt Nam ước đạt khoảng 424,45 tỷ USD, tăng 32,53 tỷ USD so với năm 2022. Dự báo năm 2036 Việt Nam sẽ lọt vào Top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Những thành tựu trên có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp Việt. Họ là Viettel, FPT, VinFast/Vingroup… những tên tuổi đang ngày đêm tạo nên thương hiệu Việt, bản lĩnh Việt.

Bất chấp những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, năm 2023 FPT đã tạo nên kỳ tích khi thu về 1 tỷ USD từ mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài. Đây không chỉ là con số có giá trị mà còn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam vươn ra thế giới, thể hiện khát vọng chinh phục thị trường toàn cầu của tập đoàn này. Kết quả này đưa FPT trở thành doanh nghiệp công nghệ đầu tiên của Việt Nam đạt doanh thu tỷ USD từ dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài, ghi dấu ấn trí tuệ Việt trên toàn cầu và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

FPT đi sâu nghiên cứu công nghệ mới, hình thành hệ sinh thái hơn 200 dịch vụ, sản phẩm, giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp trên toàn cầu.

Năm 2023 cũng là năm FPT ghi nhiều dấu ấn tại thị trường toàn cầu. FPT thực hiện 4 thương vụ M&A và đầu tư vào các công ty công nghệ có tên tuổi tại Mỹ, Pháp như Intertec International, Cardinal Peak, AOSIS, Landing AI. Các thương vụ này giúp FPT nhanh chóng nâng cao năng lực công nghệ trong các mảng mới như SAP, dữ liệu, Cloud, IoT, AI, phần mềm nhúng, các giải pháp thông minh…; bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao từ sự gia nhập của các chuyên gia công nghệ người nước ngoài giàu kinh nghiệm; mở rộng tập khách hàng mới tại khu vực châu Mỹ và châu Âu.

FPT cũng đã mở rộng và nâng tầm hợp tác với nhiều đối tác tên tuổi nhất thế giới như SAP, Microsoft, AWS, Salesforce, Adobe, gia nhập Liên minh AI do IBM và Meta khởi xướng..., tạo lợi thế cạnh tranh khác biệt để công ty tham gia các dự án chuyển đổi số quy mô lớn; cạnh tranh sòng phẳng với những đối thủ sừng sỏ đến từ Ấn Độ, châu Âu, Mỹ, đem về những hợp đồng quy mô hàng chục, hàng trăm triệu USD.

Chưa dừng lại, nhận thấy tương lai rộng mở trong ngành phần mềm ô tô và xác định đầu tư mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực này, FPT quyết định thành lập công ty FPT Automotive tại Texas, Mỹ. Công ty sẽ tập trung vào các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam. FPT Automotive hướng tới cung cấp dịch vụ toàn diện tới các khách hàng gồm công nghệ giải trí, thông tin trong xe, đơn vị điều khiển điện tử (ECU), chức năng an toàn, an ninh, thiết kế UI/UX cho ô tô, kết nối không dây và kỹ thuật số.

Con người được xem là yếu tố cốt lõi tạo nên thành công của FPT.

Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình từng chia sẻ: “Hơn hai thập kỷ trước, chúng tôi quyết định đi ra nước ngoài bằng trí tuệ Việt Nam. Khi đó, chúng tôi chưa có gì, chưa có người, chưa có kiến thức, mà chỉ có một khát vọng - đem trí tuệ và công nghệ Việt Nam ra toàn cầu. Và giờ đây, FPT trở thành tập đoàn toàn cầu với hệ thống chi nhánh, văn phòng tại 29 quốc gia và gần 70.000 nhân sự. Việt Nam đã xếp thứ 2 trong danh sách các quốc gia, điểm đến của toàn cầu về dịch vụ công nghệ thông tin, được thế giới biết tới như một trung tâm đầu tư kinh doanh và Đổi mới Số. Chúng tôi đã chứng minh được vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy cơn sóng này, đưa trí tuệ Việt toả sáng khắp năm châu”.

Từ “kẻ làm thuê” thành người làm chủ

Brand Finance và Mibrand Việt Nam vừa công bố top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2023. Bảng xếp hạng cho thấy sự chuyển đổi mạnh mẽ về giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt. Theo bảng xếp hạng, Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel ghi nhận mức tăng trưởng giá trị thương hiệu thêm 2% đạt 8,9 tỷ USD và duy trì xếp hạng sức mạnh thương hiệu ở mức AAA, trở thành thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 8 năm liên tiếp. Thành tựu ấn tượng này đã thể hiện sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tập đoàn trong suốt 30 năm qua để vươn tầm ra thế giới.

Còn nhớ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, khi điện thoại di động ở Việt Nam là món hàng xa xỉ, đắt tiền. Chi phí cho mỗi chiếc điện thoại bao gồm cả sim có giá 4-5 tháng lương, cước điện thoại cũng hơn nửa tháng lương… Để phá thế độc quyền doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, Viettel ra đời trong sự nghi ngờ và lo lắng của nhiều người... Năm 2000, Viettel ra mắt đầu số 178 trên nền dịch vụ VoIP, đánh dấu bước chuyển mình của ngành viễn thông Việt Nam. Điện thoại đường dài từ chỗ là dịch vụ xa xỉ đã trở nên rẻ hơn nhiều so với trước. Sau chưa đầy một năm, Viettel đã bứt tốc mạnh mẽ, cán mốc 1 triệu thuê bao. Đây là con số mà các nhà mạng lúc đó phải mất hơn 10 năm mới đạt được. Cùng với đó là sự ra đời của Viettel Mobile với giá cước rẻ đã chấm dứt tình trạng độc quyền, làm thay đổi thị trường viễn thông và tạo nên sự bùng nổ của ngành công nghệ viễn thông.

Từ một nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nhỏ bé, hiện nay Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; có quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư với trên 224 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới; có 16 đối tác chiến lược, 11 đối tác chiến lược toàn diện; tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực.

Nếu như thời gian đầu Viettel chỉ là “kẻ làm thuê”, chuyên gia công cho nước ngoài trong lĩnh vực thiết bị công nghệ cao thì hôm nay, Viettel đã làm chủ và tự sản xuất được các thiết bị công nghệ cao. Nhiều sản phẩm “Made in Vietnam” của Viettel không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn vươn ra thế giới như toàn bộ hệ thống mạng viễn thông lõi, như hệ thống tính cước theo thời gian thực (OCS), hệ thống nhắn tin, trạm phát sóng BTS 4G, thiết bị phát sóng 5G…

Từ một doanh nghiệp nhỏ với số vốn chỉ vỏn vẹn 2 tỷ đồng năm 1989, đến nay, Viettel đã có mặt tại 17 quốc gia và trở thành một trong 5 nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, với doanh thu hàng năm đạt hơn 10 tỷ USD, tương đương 3% GDP của Việt Nam. Viettel đã đứng trong danh sách 15 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về thuê bao.

Sự tăng trưởng kỷ lục của Viettel là minh chứng cho quyết tâm chinh phục thị trường toàn cầu của doanh nghiệp Việt. Việc đầu tư ra nước ngoài của Viettel đã khẳng định, Việt Nam giờ đây không chỉ đón nhận vốn rót của nước ngoài mà doanh nghiệp Việt còn có tiềm lực kinh tế để đầu tư vươn ra thế giới.

Truyền cảm hứng cho thương hiệu Việt vươn ra thế giới

Năm 2023 cũng là năm nền kinh tế thế giới chứng kiến cổ phiếu mã VFS của VinFast giao dịch chính thức trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ). Đây là lời chào ấn tượng để VinFast chính thức bước ra thế giới và kể về mình nói riêng, về Việt Nam nói chung. Sự kiện là một lời khẳng định cho hướng đi đúng đắn và quyết tâm của VinFast cùng tập đoàn mẹ Vingroup. Thương vụ niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ đã mở rộng cánh cửa để VinFast/Vingroup tiến sâu hơn vào thị trường vốn quốc tế.

Cụ thể, tại COP28, Tập đoàn Tài chính Phát triển quốc tế Mỹ (DFC) đã ký Ý định thư (LOI) tài trợ 500 triệu USD cho VinFast nhằm thúc đẩy phát triển giao thông điện hóa. 500 triệu USD là khoản đầu tư lớn nhất mà DFC dành cho doanh nghiệp Việt Nam từ trước tới nay. Điều này cho thấy uy tín, khả năng thuyết phục của VinFast với các tổ chức tên tuổi bậc nhất trên thế giới.

Ban Lãnh đạo FPT Software, công ty thành viên phụ trách lĩnh vực dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của FPT đón chào cột mốc 1 tỷ USD doanh thu.

Chia sẻ với báo giới, bà Lê Thị Thu Thuỷ - Phó Chủ tịch Vingroup, Chủ tịch VinFast - cho rằng, việc VinFast niêm yết thành công sẽ tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu phổ cập xe điện thông minh, an toàn và thân thiện với môi trường tới đông đảo người tiêu dùng. Bên cạnh đó, sự kiện còn mở ra khả năng tiếp cận thị trường vốn lớn nhất thế giới cho sự phát triển của công ty trong tương lai. “Chúng tôi hy vọng câu chuyện của VinFast sẽ truyền cảm hứng và mở ra nhiều cơ hội cho các thương hiệu Việt Nam cùng vươn ra thế giới”, bà Thuỷ nói.

Thành công của Viettel, FPT hay VinFast/Vingroup là nền tảng để các doanh nghiệp Việt Nam tự tin vươn ra biển lớn. Với trí tuệ và quyết tâm, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang viết tên mình trên bản đồ kinh tế thế giới, góp phần tạo nên thương hiệu Việt, bản lĩnh Việt./.


 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận