Giải ngân đầu tư công đạt cao - kinh nghiệm từ Bắc Kạn

  • 29/12/2023 02:43:44
  • Tuấn Thùy
  • Kinh tế
  • 0

Năm 2023, Bắc Kạn gây ấn tượng với cả nước khi quý III được Bộ Tài chính biểu dương bởi kết quả giải ngân đầu tư công có nguồn vốn nước ngoài (ODA) đạt cao

 

Thành công nhờ sự sát sao

Ông Đinh Quang Tuyên - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn - cho biết: Năm 2022 công tác chuẩn bị dự án ở Bắc Kạn đã hoàn thành về cơ bản, nên năm 2023 tất cả các dự án trung hạn đều khởi công. Giải ngân là một trong những yêu cầu hàng đầu trong chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. "Với chỉ tiêu được giao khoảng 2800 tỷ đồng, ước đến hết 31/1/2024 là thời gian thanh toán của năm 2023 thì chúng tôi sẽ đạt được trên mức 90%. Nếu có sự linh hoạt và điều chỉnh theo khả năng giải ngân thực tế thì chúng tôi có thể đạt xấp xỉ 100%. Đây là sự cố gắng và phối hợp rất tốt của các ngành, các cấp, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng" - ông Đinh Quang Tuyên chia sẻ.

Tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023 Bắc Kạn đã thực hiện phân bổ chi tiết đến hết ngày 30/11/2023 là hơn 2.801 tỷ đồng, đạt 104,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 99,3% kế hoạch năm 2023 của tỉnh. Số kế hoạch vốn năm 2023 giải ngân được 1.407 tỷ đồng, đạt 52,2% số kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 50% số kế hoạch vốn của tỉnh.

Rất nhiều dự án có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, trước đây một công trình như vậy giải phóng mặt bằng thông thường một hoặc hai năm. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo sát sao đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, nhờ vậy, thời gian giải phóng mặt bằng tại Bắc Kạn đã giảm xuống còn dưới ba tháng, nhiều dự án trọng điểm thậm chí hai tháng đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành thành lập tổ công tác hỗ trợ địa phương và chủ đầu tư để đẩy nhanh tốc độ giải phóng mặt bằng. Đây cũng là một trong những điểm sáng của năm 2023 giúp Bắc Kạn giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả.

"Tất cả những dự án trọng điểm lãnh đạo tỉnh và các địa phương tổ chức họp tuyên truyền trước cho người dân, thông báo những nội dung cơ bản của dự án, phạm vi ảnh hưởng, giải thích ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án với sự phát triển kinh tế địa phương, thuyết phục bà con đồng thuận. Chính vì vậy nhiều dự án tốc độ giải phóng mặt bằng rất nhanh, người dân có mức độ đồng thuận rất cao" - ông Đinh Quang Tuyên cho biết thêm.

         Tuyến đường Quảng Khê - Khang Ninh, huyện Ba Bể

             

Có những trường hợp Nhà nước chưa trả tiền đền bù, vẫn đang quá trình thẩm định nhưng nhiều người dân tự phá dỡ tài sản kiến trúc, bàn giao mặt bằng cho bên thi công để làm trước. Bên cạnh đó cũng phải tổ chức tốt các khâu làm sao giữa người làm thống kê với người thẩm định, kiểm định, kiểm tra sau này đều tiến hành khẩn trương. Nhiều công trình làm xong cơ quan chuyên môn của tỉnh kiểm tra ngay, nhờ đó khi duyệt phương án đền bù không vướng mắc vì tỉnh đã có khâu kiểm tra chéo và phối hợp giữa các cấp, các ngành dẫn tới sự chuẩn xác về số lượng, sự minh bạch trong công tác thực hiện các chính sách đền bù được thể hiện rất rõ ràng, được người dân ủng hộ.

Theo ông Nguyễn Đăng Bình - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn -  vai trò của người đứng đầu trong giải ngân đầu tư công, đặc biệt là giải ngân vốn ODA, được phát huy. "Bắc Kạn là một tỉnh còn khó khăn và nguồn ODA thường có mục tiêu gắn với an sinh xã hội, giảm nghèo, giao thông và các công trình hạ tầng phục vụ cho dân sinh cho nên tỉnh trân trọng từng đồng ODA có được. Những cuộc họp ODA thì thường là Chủ tịch trực tiếp đi xuống làm việc với các nhà tài trợ. Do đó nhà tài trợ rất tin tưởng vào sự quyết tâm của tỉnh. Các thủ tục được giải quyết nhanh. Trong quá trình giao vốn, hướng dẫn, phối hợp ra văn bản thì Chủ tịch tỉnh trực tiếp làm việc, thường xuyên liên hệ với các bộ ngành. Trung ương ra vốn hoặc nhà đầu tư thống nhất thông qua là tỉnh triển khai ngay tiếp theo, chỉ đạo lập biểu tiến độ rất chi tiết" - ông Nguyễn Đăng Bình chia sẻ.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, ông Trần Công Hòa - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn - cho biết: đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số dự án giải ngân dưới 50% kế hoạch, có dự án chưa giải ngân; trong đó có 25 dự án do đơn vị cấp tỉnh làm chủ đầu tư, 12 dự án do 6 huyện, thành phố làm chủ đầu tư.

Theo ông Trần Công Hòa, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công là do đến tháng 3/2023, Trung ương mới giao vốn đầu tư ngân sách của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Bắc Kạn để thực hiện 3 dự án, trong đó có 2 dự án có cấu phần xây dựng và 1 dự án mua sắm thiết bị. Mặc dù tỉnh phải điều hoà, điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được bố trí vốn trong dự án ngân sách nhà nước năm 2023 nhưng do các dự án này phải thực hiện đủ các thủ tục đầu tư mất nhiều thời gian nên áp lực thực hiện và giải ngân 153 tỷ trong năm 2023 là rất lớn.

Bắc Kạn đề ra mục tiêu đến hết 31/1/2024 giải ngân 2.386.800 triệu đồng, đạt 89% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 84,6% kế hoạch của tỉnh. Trường hợp Trung ương chấp thuận điều chỉnh giảm kế hoạch vốn 380 tỷ đồng theo đề nghị của tỉnh thì tỷ lệ giải ngân đến 31/1/2024 đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt trên 97% kế hoạch của tỉnh.

Cùng với đó, nhiều dự án xây dựng đường giao thông phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định cũng mất nhiều thời gian nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn dự án. Đặc biệt là Dự án xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang - Tuyên Quang có vốn đầu tư lớn (400 tỷ đồng), đi qua hai tỉnh nên có nhiều nội dung về giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng rừng, chuyển mục đích sử dụng đất chưa có quy định rõ ràng, vì thế việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Dự án vẫn đang chờ Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ của Quốc hội thông qua mới tiếp tục được triển khai thực hiện đoạn kết nối sang Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

Xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang

Bắc Kạn đang kiến nghị Trung ương xem xét điều chỉnh giảm kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2023 không có khả năng giải ngân của tỉnh là 380 tỷ đồng. Đồng thời để tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư tại địa phương, tỉnh đã đề nghị Trung ương xem xét đối với các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nếu có chuyển mục đích sử dụng rừng thì không phải thực hiện các bước xin chủ trương, chỉ việc lập phương án trồng rừng thay thế; thực hiện phân cấp thẩm quyền chuyển đổi mục đích rừng tự nhiên sang mục đích khác cho HĐND cấp tỉnh theo một định mức nhất định.../.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận