Chắp cánh cho HTX dân tộc miền núi vươn xa

  • 18/12/2023 12:00:00
  • Huyền Trang
  • Kinh tế
  • 0

Thương mại điện tử, công nghệ số đã và đang giúp người dân, HTX khu vực miền núi tiêu thụ nông sản, kinh doanh thuận lợi hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nông sản, HTX ở vùng sâu vùng xa chưa tiếp cận được với nền tảng công nghệ hiện đại.

 

Bước đầu ứng dụng công nghệ

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc HTX sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu Mù Cang Chải (Yên Bái) cho biết, tại địa phương có đến hơn 90% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng các thành viên HTX đã biết bán hàng bằng điện thoại thông minh, máy tính.

Cũng nhờ kết nối internet mà thành viên HTX tiếp cận được với chuyên gia nông nghiệp ở nhiều nơi để hỗ trợ sản xuất cũng như học tập kinh nghiệm phát triển nông nghiệp ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, thông qua các lớp đào tạo về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số do Liên minh HTX tỉnh kết hợp với các ban ngành triển khai, không ít thành viên trong HTX đã biết chụp ảnh, quay video, viết bài giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội để quảng bá và tiếp cận khách hàng.

Chính vì vậy mà HTX đã hoạt động hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho 10 thành viên với mức lương từ 6-8 triệu đồng/người/tháng và 60 lao động địa phương với mức thu nhập từ 150-200 nghìn đồng/ngày.

Chị Đoàn Thị Lương, Giám đốc HTX Chế biến kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương (TP Yên Bái) chia sẻ, ngoài ứng dụng công nghệ vào chế biến các sản phẩm từ quả táo mèo theo hướng hiện đại khép kín, việc sử dụng công nghệ trong tiếp cận khách hàng đã giúp HTX có cơ hội xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm đến các thành phố lớn và cả ở nước ngoài.

HTX phải ứng dụng công nghệ thông tin vào trong tiêu thụ thì mới giải quyết được tình trạng dư thừa nông sản Tại Tọa đàm “Ứng dụng công nghệ thông tin cho các tổ hợp tác, HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” ngày 22/11, ông Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh HTX Yên Bái chia sẻ, thời gian qua, không ít HTX trên địa bàn tỉnh và ở vùng miền núi đã ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh, từ đó thúc đẩy phát triển thương mại nội địa và xuất khẩu.

Tiêu biểu như HTX Kiến Thuận (Văn Chấn) là một trong những đơn vị đầu tàu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh và xuất khẩu giúp doanh thu tăng từ 10 tỷ đồng lên trên 20 tỷ đồng/năm.

Ứng dụng công nghệ thông tin giúp sản phẩm của các HTX ở miền núi đến gần hơn với khách hàng

Nắm bắt cơ hội về kinh tế số, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Nghị quyết 51 và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 86 về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Liên minh HTX tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác mở tài khoản giới thiệu, mua, bán trên các sàn thương mại điện tử.

Đặc biệt, có những tổ hợp tác, HTX dù ở vùng miền núi, vùng sâu vùng xa nhưng đã ứng dụng công nghệ thông tin bắt đầu từ chiếc điện thoại thông minh cùng với sự thay đổi tư duy trong sản xuất kinh doanh. Đây được coi là nền móng quan trọng trên con đường chuyển đổi số, thích ứng thời đại 4.0 cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, theo đại diện các HTX, do hoạt động trên địa bàn đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều thành viên, người lao động trong hầu hết HTX vốn quen với cách sản xuất kinh doanh truyền thống nên khi ứng dụng công nghệ vào bán hàng còn gặp nhiều vướng mắc, bỡ ngỡ.

Ông Đàm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Thái Sơn (huyện Lục Yên, Yên Bái) cho biết, để người tiêu dùng nắm bắt thông tin và chất lượng sản phẩm nhanh nhất, các HTX không thể quảng bá, truyền thông theo kiểu truyền thống mà công nghệ thông tin chính là phương tiện hỗ trợ HTX quảng bá rộng, nhanh và hiệu quả nhất hiện nay.

Vậy nhưng, không phải HTX nào ở vùng miền núi cũng có thể dễ dàng làm được điều này. Bởi khi tiêu thụ nông sản bằng công nghệ hiện đại, dù là sản phẩm nào thì cũng phải có công bố đảm bảo chất lượng. Đi liền với đó khâu vận chuyển cần được quan tâm để bảo đảm thời gian cũng như chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Thế nhưng, hiện nay, nhìn chung hệ thống giao thông ở các tỉnh miền núi chưa phát triển, gây khó khăn khi vận chuyển nông sản từ đồng ruộng về nhà máy, đến các điểm phân phối, kho bán hàng hiện đại.

Theo một số doanh nghiệp, hiện nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm đặc sản vùng miền và các sản phẩm nông sản an toàn rất lớn. Vậy nhưng có những thời điểm, nhu cầu thị trường về những mặt hàng này tăng thì năng lực cung ứng của các tổ hợp tác, HTX ở khu vực miền núi lại bị gián đoạn do quy mô và năng lực sản xuất còn hạn chế.

HTX là bệ đỡ trong chuyển đổi số

Thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh giúp các HTX tiếp cận được đa dạng khách hàng, tiết kiệm nhiều chi phí bán hàng, marketing truyền thông, phân phối và tối ưu chi phí lưu kho.

Đặc biệt, HTX ở các tỉnh miền núi có lợi thế về đất đai để phát triển kinh tế hàng hóa trên quy mô lớn. Điều này buộc các HTX phải ứng dụng công nghệ thông tin vào trong tiêu thụ thì mới giải quyết được tình trạng dư thừa nông sản khi thu hoạch rộ. Trong khi mua hàng bằng công nghệ thông tin đã là hình thức quen thuộc đối với người tiêu dùng.

Chia sẻ tại Tọa đàm, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân khẳng định ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số giúp nông đặc sản của các HTX ở vùng miền núi phía Bắc có thể đến các vùng miền xa hơn. Tuy nhiên, muốn các HTX này chuyển đổi số hiệu quả thì các thành viên trong HTX cần thêm nhiều kiến thức và thông tin hơn nữa về cách sử dụng nền tảng số. Chính vì vậy, các ngành chức năng cần tiếp tục tạo điều kiện để các HTX nâng cao năng lực trong chuyển đổi số như hỗ trợ cơ sở vật chất, đào tạo tập huấn.

Đặc biệt, các thành viên HTX ở miền núi chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy có những khó khăn trong tiếp cận chính sách hỗ trợ về ứng dụng thông tin, nên việc đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức mới có thể giúp người dân, HTX tiếp cận được nguồn lực hỗ trợ.

Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, các cơ quan quản lý cần có cơ chế giúp HTX ở miền núi đưa sản phẩm đến gần với người tiêu dùng như có các chương trình cho vay ưu đãi để hỗ trợ HTX ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Đặc biệt là quan tâm hình thành các HTX do các bạn trẻ khởi nghiệp để xóa bớt những khó khăn và làm bệ đỡ trong chuyển đổi số vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận