Ngày 14/12, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu CHLB Đức tổ chức Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2023 - lần thứ 6” với chủ đề “Chính sách, giải pháp công nghệ phục vụ phát triển bền vững điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam”.
Diễn đàn nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành năng lượng với mục tiêu đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới, đồng thời trao đổi về thách thức, giải pháp định hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ năng lượng. Diễn đàn cũng là cơ hội các bên đánh giá nguyên nhân, hiện trạng và tìm cơ chế chính sách nâng cao tỷ lệ nội địa hóa lĩnh vực năng lượng tái tạo nhằm phổ biến, thực hiện hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ứng dụng, chuyển giao, phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Trần Thị Hồng Lan, Phó cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Kể từ sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố cam kết của Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại COP26 (năm 2021), Đảng và Nhà nước đã có nhiều hành động cụ thể triển khai quyết liệt các hành động một cách hiệu quả nhằm đạt mục tiêu này. Những hành động đã và đang triển khai thực hiện được Thủ tướng Chính phủ công bố trong khuôn khổ Hội nghị COP28 tại Dubai, ngày 2-12-2023. Trong đó, Chính phủ đã tập trung xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Chiến lược biến đổi khí hậu; Chiến lược tăng trưởng xanh; Quy hoạch điện VIII tiến đến năng lượng tái tạo là chủ đạo; Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo và xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo (như nhân lực, nguồn lực, quy hoạch, cơ sở, vật chất…).
Việt Nam trở thành thị trường sôi động bậc nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và dẫn đầu Đông Nam Á trong lĩnh vực phát triển điện gió và điện mặt trời. Tính đến cuối năm 2022, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt 79.250MW, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đạt khoảng 20.165MW, chiếm tỷ trọng 25,4%. Trong Quy hoạch điện VIII, Chính phủ ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, nguồn điện này sẽ chiếm tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tham gia thảo luận, trao đổi về vấn đề nội địa hóa công nghệ trong phát triển năng lượng tái tạo và thực trạng, giải pháp thúc đẩy nội địa hóa công nghệ trong phát triển năng lượng điện gió, mặt trời. Các đại biểu đã bàn thảo các nội dung về hiện trạng phát triển năng lượng điện gió, mặt trời tại Việt Nam; tiềm năng nội địa hóa trong phát triển ngành năng lượng điện gió và điện mặt trời; chính sách khoa học và công nghệ cho nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển công nghệ điện gió, điện mặt trời; chính sách nâng cao năng lực nội địa hóa cho lĩnh vực điện gió, điện mặt trời.
Các chuyên gia đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được thì tỷ lệ nội địa hóa chuỗi cung ứng cũng như sự tham gia sâu của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung cấp các dịch vụ cho lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) còn thấp. Theo dữ liệu thống kê, các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn nhập khẩu gần như 90% thiết bị từ Trung Quốc, Đức, Ấn Độ và Mỹ. Việc chậm nội địa hóa sản xuất thiết bị và dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam một phần do còn thiếu năng lực đánh giá, phát triển dự án, cơ sở hạ tầng kém và phụ thuộc vào nước ngoài. Bên cạnh đó là năng lực công nghệ, trình độ sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, chính sách và cơ chế hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ cho điện tái tạo còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh.
Theo các chuyên gia, để phát triển ngành điện tái tạo, bên cạnh những hỗ trợ về mặt chính sách, các doanh nghiệp cũng phải chủ động tích cực hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để tiếp cận được nguồn thông tin, công nghệ và những hỗ trợ cần thiết khác.
Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cùng với các bộ, ban, ngành đang tiếp tục nghiên cứu đề xuất chính sách phù hợp phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo góp phần thúc đẩy thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”./.
Nam Phương