Ngăn chặn lũng đoạn nhìn từ những vụ trúng giá rồi bỏ cọc

Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Luật đấu giá tài sản để ngăn ngừa hành vi phá giá vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, gây rối loạn thị trường...

 

Để phát huy vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc đấu giá, hạn chế bỏ cọc, ngăn ngừa phá giá vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, gây rối loạn thị trường… thì cần thiết phải sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Luật đấu giá tài sản.

Tạo hiệu ứng tiêu cực, khó chứng minh để xử lý

Để bảo đảm các nguồn lực của nhà nước không bị thất thoát, đồng thời những nguồn lực đó được đưa vào phát triển kinh tế - xã hội, Luật đấu giá tài sản đã liệt kê các tài sản đấu giá trên cơ sở rà soát quy định pháp luật chuyên ngành nhằm công khai, minh bạch, làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tuân thủ quy định trình tự, thủ tục.

Luật đi vào cuộc sống, bên cạnh việc tạo hiệu ứng tích cực về hành lang pháp lý trong đấu giá tài sản thì cũng xuất hiện câu chuyện “trúng đấu giá rồi bỏ cọc”, gây rúng động thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.

Vụ việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng đấu giá hàng nghìn tỷ đồng quyền sử dụng đất tại khu đô thị Thủ Thiêm rồi bỏ cọc, người trúng đấu giá hàng chục tỷ đồng biển số xe “siêu đẹp” rồi bỏ cọc vẫn chưa kịp lắng xuống thì mới đây dư luận tiếp tục sửng sốt trước thông tin ba mỏ cát ở Hà Nội được đấu giá cấp quyền khai thác lên tới gần 1.700 tỷ đồng, gấp hàng trăm lần so với giá khởi điểm. Sự việc trúng đấu giá quyền khai thác mỏ cát có giá cao bất thường đã được Thủ tướng yêu cầu TP. Hà Nội chỉ đạo rà soát toàn bộ quy trình đấu giá.

Hay như sự việc nhiều địa phương tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất song cũng không thu được tiền vì người trúng đấu giá đã bỏ cọc.

Mỏ Liên Mạc trữ lượng hơn 500 nghìn m3, giá khởi điểm hơn 2 tỷ đồng. Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ KSP giành quyền trúng thầu với giá hơn 408 tỷ đồng, gấp khoảng 204 lần giá khởi điểm.Liên tiếp diễn ra điệp khúc “trúng đấu giá rồi bỏ cọc”, khiến dư luận không khỏi băn khoăn, nghi ngại: Vì sao sau khi trúng đấu giá thì lại dễ dàng bỏ cọc”? Doanh nghiệp chịu sự trừng phạt của pháp luật? Tham gia đấu giá rồi bỏ cọc với mục đích gì?

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Công ty luật hợp danh Đông Nam Á, phân tích, Điều 39 Luật đấu giá tài sản quy định, người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước từ 5 – 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Ở tình huống, người tham gia đấu giá, ngay từ đầu lại không mong muốn mua tài sản và chỉ dùng việc tham gia đấu giá để "đẩy" giá tài sản lên nhằm trục lợi từ tài sản và giao dịch khác. Với hành vi và mục đích này của người tham gia đấu như trên thì pháp luật sẽ rất khó chứng minh để xử lý và chúng ta cũng không thể đưa ra tiền đặt trước bằng hay cao hơn giá khởi điểm hay cấm người có tài sản tương tự không được tham gia đấu giá.

Ở góc độ pháp lý, việc đấu giá không thành công thì giao dịch tài sản không được thực hiện nên kết quả đấu giá, giá trúng đấu giá không phải là căn cứ giá tham khảo để xác định giá giao dịch trên thị trường hay căn cứ để xây dựng khung giá.

Nếu nhìn ở khía cạnh giá được trả tăng thì cho rằng "thổi" giá để trục lợi nhưng nếu giá được trả giảm mà họ cũng không mua thì cũng không thể quy chụp họ "dìm" giá để trục lợi từ giao dịch hay tài sản khác.

“Trong khi Luật đấu giá tài sản quy định việc đặt cọc còn thấp và rất khó chứng minh hành vi trục lợi, thổi giá, dìm giá thì khó có thể xử lý người đã trúng giá rồi bỏ cọc…”, luật sư Nguyễn Mạnh Thuật cho hay.

Phá giá là có mục đích

Trong bản báo cáo trước Quốc hội về vấn đề rà soát quy định đấu giá quyền sử dụng đất, Ủy ban kinh tế đã đề cập đến những hệ lụy từ việc vụ đấu giá đất tại khu đô thị Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh. Ủy ban kinh tế cho rằng, sự việc doanh nghiệp trúng đấu giá rồi đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản sẽ nảy sinh hệ lụy tiêu cực với toàn xã hội, đây có thể là hình thức thổi giá đất của doanh nghiệp. Tức là doanh nghiệp lợi dụng việc đẩy giá đất tại khu vực lên cao để tranh thủ bán các bất động sản của họ hoặc của các doanh nghiệp có liên quan đang kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận…

Cũng thông qua việc đấu giá, doanh nghiệp đánh bóng hình ảnh công ty nhằm tăng giá trị doanh nghiệp để phát hành trái phiếu, tăng giá cổ phiếu, tăng giá trị góp vốn liên doanh, mua bán nợ, mua bán dự án… Ở một góc nhìn khác, việc đấu giá rồi “thổi” giá cao, doanh nghiệp cơ cấu lại các khoản nợ tại các ngân hàng thông qua việc ký lại các hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất. Những thông tin và con số đã qua “thổi” giá đất đều không phản ánh chính xác tình hình sức khỏe của doanh nghiệp; tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, rối loạn, đổ vỡ hệ thống tín dụng, ngân hàng.

Vành đai 4 Thủ đô và các tỉnh lân cận có nhu cầu lớn sử dụng cát đắp nền.Trở lại vụ đấu giá mỏ cát Châu Sơn, Liên Mạc, Tây Đằng - Minh Châu ở Hà Nội có trữ lượng chưa phải là lớn nhưng lại có giá trúng thầu lên đến gần 1.700 tỷ đồng khiến dư luận không khỏi nghi ngại về một kịch bản phá giá, gây nhiễu loạn thị trường nhằm trục lợi, nhất là trong bối cảnh các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đường vành đai 4 của Hà Nội, Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh… đang có nhu cầu rất lớn về vật liệu đắp nền.

Băn khoăn, lo ngại là có cơ sở, bởi trong khi giá cát thị trường vào khoảng 150 – 250 nghìn đồng/m3, thì giá cát tại mỏ Châu Sơn có giá vào khoảng 500 nghìn đồng/m3, tại mỏ Liên Mạc vào khoảng 800 nghìn đồng/m3, còn tại mỏ Tây Đằng – Minh Châu có giá hơn 3.878 đồng/m3.

Còn trong báo cáo gửi Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, ngày 17/10/2023, Bộ GT-VT, cho hay: Đối với 10 dự án thành phần, đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa, nhu cầu cát vào khoảng 9,67 triệu m3; Đường vành đai 4 Thủ đô và các tỉnh lân cận, nhu cầu cát vào khoảng 7,1 triệu m3; Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, nhu cầu cát vào khoảng 7,2 triệu m3

Cần chế tài mạnh ngăn chặn phá giá rồi bỏ cọc

Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, phát biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật đấu giá tài sản (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần thiết phải sửa đổi quy định của Luật đấu giá tài sản để ngăn ngừa tình trạng phá giá vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, thao túng, gây rối, lũng đoạn thị trường. Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc sửa đổi quy định về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước trong đấu giá tài sản là rất cần thiết, để tránh việc lợi dụng tham gia đấu giá không vì mục đích đấu giá, thay vào đó là thông đồng, thỏa thuận với nhau để trả giá thấp, làm thất thu ngân sách Nhà nước, dẫn tới tiêu cực.

Ông Phạm Văn Hòa đã dẫn chứng một số vụ việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá ở TP Hồ Chí Minh, vụ đấu giá biến số xe hay đấu giá 3 mỏ cát ở Hà Nội… làm lũng đoạn, rối rắm thị trường. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật thì Nhà nước chỉ thu được tiền cọc mà không có chế tài xử lý doanh nghiệp bỏ cọc.

Cần thiết sửa Luật đấu giá tài sản để ngăn ngừa lợi đụng đấu giá gây rối loạn thị trường.

Để hạn chế và chấm dứt tình trạng người trúng đấu giá rồi bỏ cọc, ông Phạm Văn Hòa cho rằng cần có các biện pháp như nâng mức đặt cọc cao hơn so với quy định hiện hành, áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính, không cho tham gia đấu giá lần tiếp theo… “Có như thế mới giữ được kỷ cương trong hoạt động đấu giá tài sản, không chấp nhận đối tượng nào có tiền dư muốn làm thế nào thì làm, làm xáo lộn thị trường. Đề nghị công nhận kết quả đối với người trả giá cao thứ hai, không cần tổ chức đấu giá lại, tránh tốn kém”, ông Phạm Văn Hoà nêu ý kiến.

Phát biểu đóng góp vào dự thảo luật, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung Luật đấu giá tài sản là hết sức cần thiết, góp phần ngăn chặn nhũng nhiễu, lạm dụng, gây mất an ninh trật tự và thất thoát ngân sách trong lĩnh vực này.

Ông Trần Văn Khải cũng phân tích thêm, có tình trạng người tham gia đấu giá không đủ năng lực tài chính đang là phổ biến, trong khi Luật đấu giá tài sản hiện hành, Khoản 5, Điều 9 quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá tài sản không có quy định xác định nguồn lực tài chính của người tham gia đấu giá.

Trong thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay, cũng là lỗ hổng pháp lý lớn nhất là xác định năng lực tài chính "vốn thực có" của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.

Vì vậy, ông Khải cho rằng có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bổ sung quy định cụ thể theo hướng xử lý hình sự đối với hành vi bỏ cọc đấu giá và có dấu hiệu thao túng, gây rối trật tự, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế.

Luật sư Trương Xuân Hải, Trưởng chi nhánh Văn phòng luật sư Gia Bảo, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, việc mua bán tài sản thông qua hình thức đấu giá là giao dịch dân sự được quy định trong Bộ luật dân sự và Luật đấu giá tài sản. Do đó trong trường hợp người mua trúng đấu giá sau đó bỏ cọc thì xử lý tiền đặt cọc theo Luật đấu giá tài sản và Bộ luật dân sự. Không có căn cứ để xử lý hình sự hành vi bỏ tiền đặt cọc.

Để hạn chế việc người mua trúng đấu giá sau đó không ký hợp đồng mua bán và bỏ tiền cọc thì cần thiết phải sửa luật, theo đó cần tăng số tiền đặt cọc lên mức tối đa bằng 20% giá khởi điểm tài sản đấu giá. Trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có chứng cứ chứng minh người tham gia đấu giá tài sản lợi dụng việc tham gia đấu giá tài sản để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác (lấy kết quả trúng đấu giá làm công cụ, phương tiện vi phạm pháp luật) thì xử lý về hành vi vi phạm pháp luật đó.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận