Sẵn sàng cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam

Việt Nam tích cực chuẩn bị các điều kiện để hợp tác với các DN, nhà đầu tư nước ngoài trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn.

 

Sáng 7/12, Tọa đàm “Sự sẵn sàng cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) tổ chức diễn ra tại Hà Nội.

Vào tháng 9/2023, tại cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Chủ tịch SIA và các lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp bán dẫn của Hoa Kỳ tại thủ đô Washington DC, hai bên đã thống nhất thúc đẩy các đoàn doanh nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ thăm, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam và hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp hai nước.

Chủ tịch SIA John Neffeur đã có hai chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào tháng 1 và tháng 10 năm 2023 nhân dịp Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) và Lễ Khánh thành cơ sở Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Từ những bước tiền đề tạo cơ sở giữa hai bên nêu trên, Tọa đàm “Sự sẵn sàng cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam” là động lực tích cực mở ra cơ hội thúc đẩy hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam - Hoa Kỳ, từng bước thực hiện Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, liên quan tới hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Sẵn sàng đón nhận dự án đầu tư ngành bán dẫn

Phát biểu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, để triển khai nội dung hợp tác phát triển ngành bán dẫn trong Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ, thời gian vừa qua, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Hoa Kỳ trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn như sau: hoàn thiện cơ chế một cửa, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030 sẽ đạt 30.000 kỹ sư ngành bán dẫn, thành lập NIC Hoà Lạc để sẵn sàng đón nhận dự án đầu tư ngành bán dẫn với các chế độ ưu đãi nhất.

"Tọa đàm tập trung trao đổi về sự sẵn sàng về hạ tầng cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ và các doanh nghiệp thành viên sẽ nhận được nhiều thông tin để sớm có các phương án hợp tác, đầu tư vào Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Tiếp lời Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, người đứng đầu SIA John Neuffer đã chia sẻ về các hoạt động hợp tác Hoa Kỳ - Việt Nam để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn.

Ông Neuffer nêu rõ: "Các doanh nghiệp thành viên của SIA, nhiều công ty có mặt tại đây ngày hôm nay, có các khoản đầu tư đáng kể vào Việt Nam, bao gồm Intel, Marvell, Synopsys, Qualcomm, Ampere, Infineon, v.v. Nhiều doanh nghiệp đang tăng gấp đôi số tiền đầu tư của họ. Những khoản đầu tư này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Chúng tôi nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu".

Việt Nam đã có những định hướng, mục tiêu và hành động khá cụ thể, nhất quán xây dựng những nền tảng quan trọng ban đầu cho ngành công nghiệp bán dẫn và hiện được đánh giá là một quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số và sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ cao. Việt Nam đang ngày càng khẳng định mình là trung tâm tăng trưởng kinh tế mới của châu Á với vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, liên tục nhận nguồn đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia.

Hấp dẫn doanh nghiệp nước ngoài

Trước những thông tin cực này, các doanh nghiệp thành viên SIA cũng đã thông báo những kế hoạch đầu tư mới và dự định phát triển tại thị trường đầy tiềm năng.

Về phía Intel Vietnam, Intel muốn thông qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể hỗ trợ các vướng mắc của Intel trong lĩnh vực đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam.

Qualcomm đã hợp tác với các đối tác Việt Nam khoảng 20 năm trong suốt quá trình chuyển đổi số. Kế hoạch của Qualcomm cũng tiếp tục mở rộng hợp tại Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn thông qua các chương trình đào tạo của Qualcomm đồng thời nhận thấy việc triển khai kết cấu hạ tầng là rất quan trọng trong việc phát triển ngành.

Việt Nam đã sẵn sàng cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp bán dẫn (Ảnh minh họa)Đại diện Marvell Việt Nam cho biết trong suốt 10 năm qua, công ty có một cam kết rất rõ trong 3-5 năm tới phát triển nhân lực thông qua hợp tác vs các trường Đại học, viện nghiên cứu cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam. Bảo hộ trí tuệ sáng tạo là vô cùng quan trọng để công ty có thể đầu tư tại Việt Nam. Công ty mong đợi có thể hợp tác với các công ty thành viên, các bộ ngành ở đây để phát triển ngành bán dẫn Việt Nam.

Trong khi đó, Infineon đã quan sát được một thực tế là sự khó khăn trong phát triển nguồn nhân sự chất lượng cao. Vì thế Infineon đặt ra một cam kết rất mong muốn phối hợp với các doanh nghiệp, trường đại học tại Việt Nam đặc biệt tại Hà Nội để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn Việt Nam.

Làm thế nào Việt Nam có thể tận dụng được sự dịch chuyển của chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra hết sức mạnh mẽ và khai thác hiệu quả các thế mạnh của mình để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn thì sự sẵn sàng cơ sở hạ tầng là một vấn đề mang tính chiến lược. Đây cũng là nội dung trọng tâm của Tọa đàm và được các đại diện từ các tổ chức, cơ quan liên quan chia sẻ.

Nguồn nhân lực dồi dào

Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tình Bắc Ninh chia sẻ: "Chúng tôi xác định đây là cơ hội để nắm bắt, chuẩn bị tốt nhất cho việc đón nguồn vốn từ nước ngoài. Trong lĩnh vực bán dẫn, về hạ tầng khu công nghiệp Bắc Ninh là khu vực có hạ tầng công nghiệp lớn nhất Miền Bắc để trở thành trung tâm nghiên cứu sáng tạo chuyển giao. Tỉnh Bắc Ninh có chính sách hỗ trợ 50% học phí cho sinh viên đối với lĩnh vực công nghệ cao".

Ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo cho rằng, Việt Nam có nguồn nhân lực rất dồi dào, số lượng sinh viên theo học STEM chiếm 1/3 và tăng khoảng 10% trong 3 năm qua. Việt Nam có thế mạnh trong đào tạo ngành toán và hoá học, số 1 trong khu vực Đông Nam Á chính vì vậy tạo nền tảng tốt trong các ngành còn lại như bán dẫn, công nghệ thông tin. Hiện nay khoảng 200,000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại nước ngoài.

"Việt Nam có khoảng 40 trường đại học đang đào tạo các lĩnh vực liên quan đến bán dẫn. Nếu nhu cầu ngành chip bán dẫn tăng lên, sinh viên sẽ chuyển sang quan tâm lĩnh vực này nhiều hơn và Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nguồn nhân lực từ đào tạo thêm tới đào tạo mới hoàn toàn. Chúng tôi rất muốn các doanh nghiệp Hoa Kỳ hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, xây dựng chương trình đào tạo, hỗ trợ cho sinh viên đến thực tập, hỗ trợ các trường đại học xây dựng phòng thí nghiệm", ông Phúc bày tỏ.

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý KCN Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: "Đối với ngành vi mạch bán dẫn, thành phố Hồ Chí Minh có hệ sinh thái tương đối liền mạch, sở hữu nguồn nhân lực trình độ cao, có văn hoá về đổi mới sáng tạo. Thành phố HCM nhận định ngay từ đầu năm 2002 nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng, đã có trung tâm đào tạo bán dẫn với Synosys, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng".

Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA)

Được thành lập năm 1997, SIA là hiệp hội đại diện cho ngành công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ, một trong những ngành xuất khẩu hàng đầu của Hoa Kỳ và là động lực chính cho sức mạnh kinh tế, an ninh quốc gia và khả năng cạnh tranh toàn cầu của nước này.

Đến nay, SIA quy tụ mạng lưới các doanh nghiệp thành viên chiếm tới 99% doanh thu ngành bán dẫn Hoa Kỳ, trong đó 2/3 là các doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài.

Trần Ngọc/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận