Mới đây, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics (VLA) đã lần đầu tiên công bố bản báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh (LCI) với sự góp mặt của nhiều địa phương nổi bật về hoạt động logistics.
Liên quan nội dung này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Hồ Thị Thu Hoà - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển logistics Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên bảng báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh được công bố, theo bà, bảng xếp hàng này đóng vai trò như thế nào trong hoạt động logistics các địa phương và cả nước?
Trong lần đầu tiên đánh giá năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh LCI, chúng tôi đã đưa vào đánh giá 26 tỉnh thành. Với kết quả có được, các địa phương có thể có điều chỉnh, đề xuất chính sách để áp dụng cho từng địa phương qua đó nâng cao năng lực trong tương lai.
Điển hình với tỉnh Bắc Ninh, họ có trụ cột về điểm cao nhất là dịch vụ logistics nhưng trụ cột về nguồn nhân lực lại dưới trung bình. Do đó, đây là căn cứ để Bắc Ninh chú trọng hơn để làm sao nâng cao số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới.
Trên hết cũng giúp gợi mở để làm sao cải thiện chỉ số LCI, qua đó giúp các địa phương không chỉ phát triển kinh tế xã hội mà còn thu hút được nguồn lực từ nhà đầu tư nước ngoài khi có nền tảng logistics tốt.
Từ bảng báo cáo LCI này, các địa phương có truyền thống logistics tốt như TP.HCM, Hải Phòng đều đứng ở top đầu. Các thứ tự này nói lên điều gì và các địa phương đóng vai trò như thế nào trong hoạt động logistics?
Kết quả được tổng hợp từ 2 nguồn là kết quả khảo sát và chuyên gia, do đó kết quả xếp hạng phản ánh vừa từ chuyên môn vừa từ thực tiễn và thể hiện chính xác thực tế hiện nay của các tỉnh thành trong phát triển logistics. Ta có thể thấy TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu và Hà Nội đang ở top 5 và thực tế là các địa phương có số lượng doanh nghiệp logistics tập trung rất nhiều.
Cụ thể như TP.HCM có hơn 50% doanh nghiệp logistics cả nước nên có các hạ tầng dịch vụ cung cấp tại đây; Hải Phòng hay Bà Rịa Vũng Tàu cũng có thể mạnh là các thành phố có cảng biển, yếu tố quan trọng trong phát triển logistics; Bình Dương lại có số lượng khu công nghiệp nhiều nhất nên có nguồn hàng rất lớn sử dụng logistics.
Bên cạnh đó thì Long An có số lượng kho lạnh nông sản, thuỷ sản, với tiềm lực và sự kết nối vùng thì Long An hoàn toàn có khả năng phát triển thời gian tới.
Trên hết, chúng tôi mong đợi các địa phương dù có thứ hạng cao hay chưa cao thì hãy xem đây là cơ hội để nhìn lại năng lực logistics địa phương và có định hướng dài hạn trong tương lai để phát triển logistics cho địa phương và quốc gia
Cuối cùng, bảng xếp hạng này liệu có phải là một cuộc đua lành mạnh giữa cộng đồng doanh nghiệp logistics thời gian tới?
Khi xây dựng LCI, chúng tôi hướng tới việc làm sao để giúp các địa phương thấy được mình đang ở đâu trên bảng xếp hạng logistics và cần phải làm gì để cải thiện năng lực logistics địa phương mình. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan quản lý vĩ mô khi có kết quả này sẽ làm tham chiếu để đề ra chính sách phù hợp để phát triển logistics các vùng, các địa phương.
Không chỉ LCI mà cả năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hay cuộc đua thu hút các nhà đầu tư trước nay, chúng tôi kỳ vọng các tỉnh sẽ có động lực để thúc đẩy năng lực logistics địa phương qua đó thu hút thêm các nhà đầu tư, doanh nghiệp logistics đến để đầu tư xây dựng hạ tầng logistics.
Trong tương lai gần và xa, khi các nhà đầu tư lựa chọn địa điểm, ngoài các tiêu chí phổ biến như quỹ đất, ưu đãi về thuế thì tiêu chí còn lại năng lực logistics của địa phương ra sao.
Đây cũng chính là động lực quan trọng trong việc tăng tốc trong cuộc đua giành thứ hạng cao lẫn cuộc đua thu hút các nhà đầu tư.
Xin cảm ơn bà.
Theo VOV.VN