Xuất khẩu trực tuyến xuyên biên giới: Kinh nghiệm nào dẫn đến thành công?

Cơ chế hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến xuyên biên giới thông qua nền tảng kinh doanh B2B của Alibaba.com, đang tạo nhiều cơ hội cho các nhà xuất khẩu Việt Nam...

 

Mục tiêu số hoá các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác XTTM là một nội dung quan trọng trong chủ trương xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Từ chủ trương này, Bộ Công Thương thời gian qua đã phối hợp với Công ty Alibaba.com thúc đẩy, tổ chức những hoạt động hỗ trợ các DN Việt Nam có thêm kỹ năng, kiến thức về xuất khẩu trực tuyến cũng như TMĐT quốc tế, từ đó đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh bền vững.

Xu hướng thị trường là điều sống còn

Chia sẻ câu chuyện thành công của DN thông qua cách tối ưu hoá kinh doanh bằng các giải pháp kỹ thuật số toàn diện trên Alibaba.com, ông Hoàng Thất Tiêu (Mark Huang), Giám đốc Công ty Shu Liqi Clothing cho biết, từ khi chưa bắt tay vào khởi nghiệp kinh doanh đã nhận thấy tương lai của phương thức bán hàng truyền thống sẽ không mấy sáng sủa. Ông nghĩ đến TMĐT và quyết định thành lập công ty xuất khẩu ban đầu.

“Phương châm của người đứng đầu DN là luôn đề cao sức mạnh của sự đoàn kết và hợp tác tập thể, kết hợp ăn ý, vận dụng linh hoạt những kinh nghiệm của các đồng nghiệp để tạo nên sự tự tin cần có. Năm 20 tuổi, bản thân thành lập DN chỉ vỏn vẹn có 3 người, 10 năm sau DN đã có 20 nhân viên hoạt động hiệu quả”, ông Hoàng Thất Tiêu chia sẻ.

Nhìn nhận về thị trường Việt Nam, ông Tiêu chỉ ra những ưu thế cho các sản phẩm có tiềm năng phát triển trên nền tảng của Alibaba. Mặc dù các sản phẩm của Việt Nam đang có giá thành cao hơn của Trung Quốc, nhưng vẫn tạo ra sức hút rất lớn. Các doanh nhân chỉ cần nắm bắt cơ hội và hoàn toàn có thể gặp gỡ, hợp tác với các đối tác lớn để phát triển thị trường.

Đặc biệt, các doanh nhân, DN có thể thông qua công cụ phân tích số liệu của Alibaba để nắm bắt cũng như định hướng hoạt động kinh doanh của DN. Alibaba luôn có những chính sách hỗ trợ căn bản, nhưng điều cần nhất của mỗi cá nhân hay tổ chức bán hàng là phải tự chứng minh năng lực, điều này cần học hỏi từ các sàn TMĐT đã phát triển, hay những DN đã thành công trước đó.

Và hơn lúc nào hết, DN phải xây dựng đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp, có kiến thức về thị trường, kiến thức xuất nhập khẩu và kiến thức pháp lý. Bước đầu, những người tham gia không được mặc cảm về kiến thức, cần tích cực học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, những DN đã thành công và tuyệt đối không nản chí, biết trân trọng từ những đơn hàng ban đầu dù chỉ với con số rất nhỏ.

“Kinh doanh trên Alibaba cần đặc biết quan tâm đến xu hướng thị trường. Những xu hướng này dễ tìm thấy trên Alibaba khi tìm kiếm các sản phẩm mới, những nhánh sản phẩm thích hợp với DN và thu hút được sự quan tâm. Công cụ phân tích dữ liệu của Alibaba sẽ cho biết các xu hướng, mức độ tập trung từng khu vực để DN hướng phát triển sản phẩm tại những thị trường đó. Trong tài khoản Alibaba luôn tìm cách thay đổi từ khóa tìm kiếm để có thêm lưu lượng khách hàng tương tác. Khi đã có sản phẩm kinh doanh trên Alibaba, cần tìm sản phẩm cùng loại của đối thủ để nhận ra những thiếu sót, hạn chế, từ đó DN tìm cách lấp đầy những lỗ hổng đó”, ông Hoàng Thất Tiêu chi sẻ bí quyết.

Hãy là những nhà bán hàng có tâm

Là 1 trong những nhà cung cấp sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam thành công trên thị trường toàn cầu thông qua Alibaba, bà Hoàng Thanh Tâm, Giám đốc Công ty CP Indochina chia sẻ, kinh doanh trên môi trường TMĐT, DN có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều khách hàng. Không gian trưng bày trên Alibaba là không giới hạn, từ đó DN có điều kiện tối đa hóa phương thức bán hàng, đưa sản phẩm đến với nhiều khách hàng hơn trên thế giới.

Bà Hoàng Thanh Tâm, Giám đốc Công ty CP Indochina cho rằng, khi thông tin của DN được xác minh và kiểm chứng bởi Alibaba sẽ tạo nên uy tín cho các đối tác xuất - nhập khẩu.Theo kinh nghiệm của bà Tâm, sở dĩ DN lựa chọn Alibaba làm nền tảng giao dịch trực tiếp giữa DN với DN (B2B) là mong muốn gây dựng được niềm tin từ phía khách hàng. Khi thông tin của DN được xác minh và kiểm chứng bởi Alibaba sẽ tạo nên uy tín cho các đối tác. Đó là chưa kể Alibaba còn hỗ trợ đào tạo bán hàng, tư vấn trực tiếp 1:1 cũng như đánh giá “sức khỏe” của mỗi gian hàng từng tháng; sắp xếp những buổi giao lưu, giao thương giữa các DN Việt Nam với những nhà cung cấp hàng đầu thế giới.

Để đàm phán thành công với khách hàng quốc tế, DN cần chú ý lắng nghe đối tác để họ thấy có sự quan tâm và sẵn sàng chia sẻ chi tiết, yêu cầu chủng loại sản phẩm cũng như mong muốn. Đây sẽ là căn cứ để DN xây dựng được bảng báo giá phù hợp.

Bà Tâm cũng lưu ý, trong mọi cuộc giao tiếp và đàm phán, DN cần khéo léo để làm hài lòng khách hàng. Bởi giao dịch thương mại không chỉ là mua bán sản phẩm mà còn tạo sự hài lòng về dịch vụ, nên DN cần có nghệ thuật đàm phán và chủ động trong mọi tình huống. Ngoài nhu cầu về sản phẩm, DN cần thông qua họ để tìm hiểu thị trường và tình hình kinh tế - chính trị…từ đó chủ động cân đối sản phẩm, thời điểm giao hàng cũng như giá cả.

“Phương châm của DN bán hàng là luôn giảm chi phí cho cả hai bên, đưa ra đưa ra những tư vấn chuẩn xác nhất, tránh những yếu tố bất lợi. Khi DN là nhà bán hàng có tâm, các giao dịch bán hàng sẽ thành công”, bà Tâm nói.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận