Đài TNVN có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao so với trung bình của cả nước

Sáng 27/11, Thường trực Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các Bộ, cơ quan, địa phương đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

 

Khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, chỉ còn hơn 1 tháng sẽ kết thúc năm 2023 - năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, nhấn mạnh, đầu tư công không chỉ có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế mà còn đối với an ninh quốc phòng, xã hội, chính trị... Đặc biệt, trong 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu) thì xuất khẩu hiện nay gặp khó khăn do thị trường, tổng cầu thế giới thu hẹp.

Bên cạnh đó, tiêu dùng và thu ngân sách tuy có tăng, tháng sau cao hơn tháng trước nhưng cũng chậm. Do đó, trong điều kiện hiện nay, đầu tư nói chung, đầu tư công nói riêng là một động lực cần thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh bền vững.

Toàn cảnh hội nghị đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Trên tinh thần này, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn tập trung chỉ đạo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, cụ thể, Chính phủ đã duy trì 5 Tổ công tác để kiểm tra, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thành lập 26 đoàn công tác do Thành viên Chính phủ làm Trưởng đoàn để làm việc với các địa phương nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, trong đó có tháo gỡ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023.

Phó Thủ tướng cho biết, vừa rồi, trong báo cáo kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2023 trước Quốc hội, mặc dù chúng ta đã đạt tỷ lệ giải ngân trên 55% (cùng kỳ năm trước đạt 51%), giá trị tuyệt đối cũng tăng hơn so cùng kỳ khoảng 100.000 tỷ đồng, nhưng so với yêu cầu đặt ra vẫn chưa đạt.

Chính vì vậy hội nghị ngày hôm nay được tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn và triển khai những giải pháp cụ thể để triển khai hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.

“Trong môi trường pháp lý và chỉ đạo như nhau, nhưng có cơ quan, địa phương giải ngân tốt, có cơ quan, địa phương giải ngân chậm hơn. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải tổ chức hội nghị này để chúng ta đánh giá chi tiết, cụ thể, tìm ra nguyên nhân giải ngân chậm của các cơ quan, đơn vị”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kết quả giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2023 cả nước là hơn 389.000 tỷ đồng, đạt 55,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đến nay, giải ngân 11 tháng của cả nước khoảng 461.000 tỷ đồng, đạt 65,1%, cao hơn cùng kỳ (58,33%) và số tuyệt đối cao hơn gần 123.000 tỷ đồng.

Đến nay, ước giải ngân 11 tháng năm 2023 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong cả nước khoảng 125.000 tỷ đồng, đạt 44,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đáng chú ý có một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân trung bình 11 tháng cao hơn so với mức bình quân của cả nước, như Văn phòng Quốc hội (đạt 83,61%), Bộ Công an (đạt 70,01%), Đài Tiếng nói Việt Nam (đạt 68,49%), Hưng Yên (đạt 68,60%), Quảng Ngãi (đạt 68,29%).

Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh, số vốn chưa giải ngân kế hoạch năm 2023 còn khoảng 247.000 tỷ đồng, trong khi thời gian từ nay đến cuối năm chỉ còn hơn 35 ngày. Do đó, cần có sự quyết tâm rất cao, sự vào cuộc quyết liệt, triển khai một cách đồng bộ, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành mới có thể hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 08/CT-TTg là tỷ lệ giải ngân trên 95%./.

Theo VOV.VN

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận