Để HTX nông nghiệp trở thành mô hình kinh tế quan trọng

Phát triển các Hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác đã góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế cho nhiều địa phương. Tuy vậy, để kinh tế phát triển tương xứng với tiềm năng cần sự đồng hành của các cơ quan chức năng.

 

Nâng cao chất lượng và tìm đầu ra cho sản phẩm

Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, đến cuối năm 2022, cả nước có 29.021 HTX (tăng hơn 2.000 HTX, tương ứng tăng 7% so với năm 2021), 125 liên hiệp HTX (tăng 18 liên hiệp HTX, tương ứng tăng khoảng 17%).

Tổng số thành viên khu vực kinh tế tập thể là gần 8 triệu thành viên, trong đó hơn 5,9 triệu thành viên của HTX, 851 HTX thành viên của liên hiệp HTX, và hơn 1 triệu thành viên tổ hợp tác. Tổng số lao động thường xuyên trong HTX năm 2022 là 976,3 nghìn người.

Số lượng HTX, liên hiệp HTX thành lập mới tăng cho thấy, mô hình kinh tế tập thể, HTX phù hợp với nhu cầu tổ chức sản xuất của người dân, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị với doanh nghiệp. Nếu thu hút được thêm nhiều nông dân, hộ cá thể vào HTX sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, tạo được nhiều việc làm cho người nông dân, góp phần vào việc ổn định xã hội. Để làm được điều này cần sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành.

                    Trồng rau hữu cơ mang lại nhiều lợi ích, an toàn cho sức khoẻ.

HTX Nông nghiệp Hữu cơ Trại Sơn, xã Cao Sơn được thành lập từ năm 2017 với 5 thành viên. Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX không chỉ nâng số thành viên lên gần 30 hộ với tổng diện tích rau hữu cơ canh tác trên 6ha mà còn nâng giá trị sản phẩm lên cao.

Để đảm bảo sản xuất rau theo tiêu chuẩn hữu cơ, các thành viên của HTX Trại Sơn thường xuyên được Hội nông dân, phòng nông nghiệp huyện mở các lớp tập huấn về kỹ thuật, trồng, chăm sóc rau hữu cơ và các qui trình khi làm phân hữu cơ. HTX tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích sinh trưởng mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ từ các loại phân chuồng, phụ phẩm từ các loại rau, củ, quả…

Anh Hoàng Văn Vương - thành viên HTX cho biết, nhận thấy trồng rau hữu cơ mang lại nhiều lợi ích, an toàn sức khoẻ trong khi thực phẩm không an toàn đang là vấn đề lo ngại đối với người tiêu dùng, tôi đã xin gia nhập HTX, cùng các thành viên sản xuất các loại rau an toàn, chất lượng cung cấp cho thị trường.

Để sản phẩm có thị trường ổn định, HTX ký hợp đồng cung ứng rau cho chuỗi siêu thị Vinmart, Big C (Hà Nội) và các cửa hàng rau sạch, trung bình một ngày, HTX thu hoạch và tiêu thụ khoảng 1 – 2 tạ rau với giá bán từ từ 20-25 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, HTX đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động thường xuyên tại địa phương, mang lại thu nhập ổn định cho bà con nhân trong toàn xã.

Để phát huy được hiệu quả cao, đồng thời thu hút được nhiều nông dân tham gia mô hình kinh tế, bà Bà Hoàng Thị Long, GĐ HTX Nông nghiệp Hữu cơ Trại Sơn cho biết: " Chúng tôi mong chính quyền sở tại và ngành chức năng cần nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp phù hợp hơn nữa để chất lượng sản phẩm được đảm bảo, thị trường tiêu thụ rộng rãi… giúp cho bà con xã viên yên tâm trong lao động sản xuất".

HTX Nông sản Hữu cơ Đồng Sương, xã Liên Sơn đi vào hoạt động từ năm 2017 với 10 thành viên. Nhờ hoạt động hiệu quả HTX không chỉ nâng số thành viên lên gần 40 hộ với tổng diện tích rau hữu cơ canh tác trên 3ha mà còn nâng giá trị sản phẩm lên cao, thay vì giá bán từ 10-15 nghìn đồng/kg như trước đây, rau của HTX hiện bán được với giá từ 20-25 nghìn đồng/kg.

Đến nay, sản lượng rau cung cấp ra thị trường từ 1 - 2 tạ rau/1 ngày. Ngoài ra, HTX đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động thường xuyên tại địa phương, mang lại thu nhập ổn định cho hội viên. Thu nhập của thành viên đạt từ 4 - 5 triệu đồng/người/ tháng.

Có được kết quả trên là nhờ các thành viên của HTX Đồng Sương luôn nỗ lực phấn đấu để giữ gìn và phát triển thương hiệu rau hữu cơ. Quá trình canh tác phải tuân thủ nguyên tắc “5 không”: Không sử dụng phân hóa học; không dùng những chất biến đổi gene; không dùng chất kích thích, không dùng các loại thuốc trừ sâu. Ngoài ra, HTX luôn tích cực tìm nguồn đầu ra cho sản phẩm; tham ra và giới thiệu sản phẩm ở tất cả các hội chợ hàng tiêu dùng.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và đưa máy móc vào làm những khâu nặng nhọc trong quá trình sản xuất, tìm tòi các giống mới cho năng xuât chất lượng đảm bảo, nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng, ứng dụng công nghệ vào trồng những loại rau củ quả trái vụ cũng được bà con xã viên thực hiện thường xuyên.

Điều mong muốn lớn nhất của bà con xã viên HTX Nông nghiệp Hữu cơ Đồng Sương rất cần được nhà nước hỗ trợ kinh phí cho HTX xây dựng nhà lưới để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để người sản xuất mở rộng diện tích rau hữu cơ; tiếp tục quản lý và thực hiện tốt quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để giữ vững và phát triển thương hiệu nông sản hữu cơ Lương Sơn.

Xây dựng mô hình HTX nông nghiệp điển hình

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023, phấn đấu đến năm 2025, xây dựng ít nhất 300 mô hình HTX nông nghiệp điển hình hoạt động hiệu quả, có nhiều thành viên tham gia; doanh thu bình quân/HTX nông nghiệp đạt từ 5 tỷ đồng/năm trở lên; phù hợp với điều kiện, yêu cầu sản xuất kinh doanh ở mỗi địa phương, ngành hàng.

Mở rộng số lượng thành viên, quy mô kinh doanh, thông qua các hình thức liên kết, hợp tác giữa các HTX; vận động từ 40 - 45% tổng số hộ nông, lâm, ngư nghiệp tham gia thành viên HTX NN.

           Trồng rau hữu cơ đem lại thu nhập ổn định.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, Nghị quyết cũng nêu rõ 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện gồm:

Xây dựng mô hình HTX NN phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực, ngành hàng và vùng, miền, địa phương. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng tối thiểu 05 mô hình HTX NN phát triển bền vững, hiệu quả, phù hợp với vùng, miền, địa phương. Ưu tiên hỗ trợ phát triển mô hình HTX NN kiểu mới, hoạt động hiệu quả, gắn với vùng sản xuất sản phẩm chủ lực.

Rà soát, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển HTX NN. Triển khai có hiệu quả chính sách ưu đãi về đất đai đối với HTX NN; tạo điều kiện thuận lợi cho HTX NN thuê đất ổn định, lâu dài, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho phát triển bền vững HTX NN. Lồng ghép nội dung hỗ trợ HTX NN vào các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; xây dựng mô hình HTX NN điển hình; bố trí nguồn lực hỗ trợ phát triển HTX NN.

Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực quản trị cho cán bộ quản lý, thành viên HTX NN. Nâng cao chất lượng đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng trình độ, kỹ năng quản lý HTX NN thông qua các chương trình đào tạo, huấn luyện nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; bồi dưỡng kiến thức sản xuất nông nghiệp an toàn, kinh tế xanh.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển HTX NN. Các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ nguồn ngân sách nhà nước và thu hút các nguồn tài chính hợp pháp khác hỗ trợ phát triển HTX NN.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hỗ trợ phát triển HTX NN. Nâng cao chất lượng dịch vụ công hỗ trợ phát triển HTX NN về: cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm, bảo hiểm nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu và các dịch vụ công khác theo quy định của pháp luật.

Nâng cao vai trò cấp ủy đảng, chính quyền, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức cho cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể và người dân về bản chất, vị trí, vai trò, tầm quan trọng, quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển HTX NN trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, phát triển HTX NN với các nước trong khu vực và trên thế giới. Huy động các tổ chức quốc tế tài trợ cho HTX NN và thành viên tham gia các chương trình, đề án, dự án sản xuất nông nghiệp an toàn, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, chế biến phụ phẩm nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận