Giữ vững vùng nguyên liệu tiêu Cùa

  • 27/11/2023 15:57:32
  • Trường Nhật
  • Kinh tế
  • 0

Thành lập từ năm 2001, qua bao thăng trầm, biến cố, HTX nông nghiệp dịch vụ hồ tiêu Cùa luôn hoàn thành sứ mệnh phục hưng các cây đặc sản của vùng đất này.

 

Được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh

Sản phẩm hồ tiêu vùng Cùa là kết tinh của thổ nhưỡng đất đỏ và khí hậu khắc nghiệt miền Trung, nổi tiếng với vị đậm cay nồng, hương sâu, hạt nhỏ, trọng lượng nặng, thơm ngon không nơi nào trên đất nước Việt Nam sánh được. Sau giải phóng, vùng đất đỏ ba dan thuộc huyện Cam Lộ đã được quy hoạch, xây dựng thành vùng trọng điểm trồng cây hồ tiêu. Diện tích tiêu tại Cam Lộ có thời điểm lên tới 900 ha.

Tuy vậy, có những thời điểm hồ tiêu Cùa rơi vào khủng hoảng. Sản phẩm hồ tiêu bị rớt giá thê thảm. Cùng với đó là nhiều diện tích cây già cỗi, hết chu kỳ khai thác. Người dân vì thế không còn mặn mà với cây tiêu đã chặt bỏ chuyển sang trồng các loại cây khác. Nhằm giữ vững và phát triển đặc sản của địa phương, năm 2001, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ hồ tiêu Cùa được thành lập. Đến năm 2013, đại hội HTX chuyển đổi thành lập HTX kiểu mới theo luật mới năm 2012, gồm 32 thành viên.

                       HTX phát triển vùng sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ.

HTX có vai trò hỗ trợ kỹ thuật canh tác, là đầu mối các dự án hỗ trợ nông dân trồng tiêu, trực tiếp kết nối thị trường, đồng thời xây dựng thương hiệu tiêu Cùa là đặc sản địa phương. Bên cạnh các dịch vụ nông nghiệp và dịch vụ môi trường cho 60 nông hộ trồng lúa, cao su, hồ tiêu... thuộc địa phận quản lý, HTX còn thực hiện các hoạt động kinh doanh, kết nối thị trường trực tiếp cho sản phẩm bản địa. Quảng Trị cũng là nơi có vùng nguyên liệu cây lá Vằng tự nhiên với chất lượng cao và sản lượng nhiều nhất cả nước, cùng làng nghề nấu cao địa phương. Sản phẩm Cao chè Vằng của HTX hợp tác với các hộ sản xuất tay nghề cao nhất, theo quy trình quản lý thực phẩm chức năng, hiện được phân phối tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

HTX đã phát triển vùng sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ, chế biến sản phẩm an toàn, hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, không có hóa chất độc hại có chỉ dẫn địa lý. Nhờ đó, và sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng, sử dụng. Thu nhập của người lao động từ đó cũng được đảm bảo, góp phần giúp địa phương xoá đói, giảm nghèo. Trong 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của xã Cam Nghĩa giảm bình quân 7 - 10% năm, thu nhập người dân đạt trên 50 triệu đồng/người/năm.

Hạt tiêu Cùa đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, được Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng TQC, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cấp giấy chứng nhận hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn - HACCP. Sản phẩm tiêu Cùa được bày bán tại các cửa hàng OCOP và bưu điện một số tỉnh, thành phố trong nước.

Giữ vững sợi dây liên kết

Còn nhớ năm 2020 những cơn bão, lũ lụt lịch sử gây tổn hại nặng nề cho bà con nông dân Quảng Trị. Cây trồng, vật nuôi, đặc biệt hơn 30 ha trong tổng số gần 150ha cây hồ tiêu, nguồn thu nhập quan trọng của người dân xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ bị gãy đổ. Đây cũng là vùng nguyên liệu quan trọng để sản xuất ra sản phẩm hạt tiêu Cùa nổi tiếng được UBND tỉnh Quảng Trị chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

Cùng đồng hành với người dân vượt qua khó khăn, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ hồ tiêu Cùa có những việc làm thiết thực như cung cấp phân bón, cây giống, hỗ trợ máy móc giúp bà con để sớm khôi phục lại diện tích trồng tiêu.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ hồ tiêu Cùa cho biết, cùng với xã Cam Chính, HTX đã hỗ trợ về khoa học kỹ thuật và phân bón chủ yếu là phân hữu cơ để giúp bà con trồng mới cây tiêu. Đặc biệt, các thành viên HTX đã liên kết, tương trợ, nâng cao quyết tâm khôi phục vùng trồng.

Sản phẩm của Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ hồ tiêu Cùa được khách hàng tin dùng.

Muốn khôi phục lại được diện tích như trước đây là rất khó vì hồ tiêu là cây trồng lâu năm, khó tính vì vậy mất nhiều thời gian và công sức chăm bón. Bên cạnh đó, còn là nơm nớp nỗi lo vì giá cả thị trường khá bấp bênh. Khó khăn là vậy nhưng người nông dân xã Cam Nghĩa không bó tay, chịu khuất phục. Người nông dân dồn cả công sức vốn liếng vào cây hồ tiêu với hy vọng cây sẽ tốt tươi. Họ dày công cải tạo đất, rắc vôi xử lý mầm bệnh, ươm trồng cây giống. Cây hồ tiêu thích hợp với phân chuồng nên họ còn đẩy mạnh chăn nuôi, lấy phân cải tạo đất… Năm thứ hai người nông dân bắt đầu rút cây, tạo cành cho cây. Chăm sóc tốt qua năm thứ ba cây đã cho thu bói, năm thứ tư cây mới bắt đầu chính thức cho thu hoạch.

Sau gần 4 năm, kể từ khi đợt bão lũ lịch sử đi qua, cây không phụ lòng người, đã cho chùm hạt đầu tiên. Những chùm hạt tiêu lớn nhanh, võ sẫm màu, hứa hện một vụ mùa khấm khá.

Ông Lê Song Hào, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Nghĩa cho biết, sau năm 2020 do bão lũ diện tích sụt giảm rất lớn, nhưng để đảm bảo diện tích cũng như sản lượng đưa ra thị trường, UBND xã đã tham mưu cho Đảng uỷ xây dựng kế hoạch phục hồi và trồng lại cây tiêu. Trong đó, chú trọng vào vùng đảm bảo vấn đề tiêu úng ddảm bảo chây tiêu phát triển bền vững và lâu dài.

Tiêu Cùa là nông sản nổi tiếng của vùng Cùa thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Việc chính quyền xã Cam Chính và HTX Nông nghiệp dịch vụ hồ tiêu Cùa đã hỗ trợ, đồng hành cùng người nông dân để họ khôi phục vùng nguyên liệu là một thành công lớn, theo đó mưu sinh của người nông dân được bảo đảm.

Trong trung hạn, HTX nông nghiệp dịch vụ hồ tiêu Cùa tập trung vào phát triển 2 dòng sản phẩm trọng tâm là hồ tiêu Quảng Trị vùng Cùa và cao chè Vằng. Trong dài hạn, HTX sẽ phát triển thị trường cho sản phẩm nông nghiệp đặc trưng khác, được canh tác an toàn của địa phương. HTX dự kiến tiếp tục mở rộng vùng sản xuất hữu cơ, tích cực kết nối thị trường, hướng tới xuất khẩu để nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho thành viên.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận