Cảng Đà Nẵng: Cảng biển tiên phong về chuyển đổi số trong hệ thống Cảng biển Việt Nam

Cảng Đà Nẵng luôn khẳng định là cảng biển tiên phong về chuyển đổi số trong hệ thống Cảng biển Việt Nam.

 

Là Cảng biển tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số trong hệ thống Cảng biển Việt Nam, trong các năm qua, Cảng Đà Nẵng đã có những thành công nhất định và đã được ghi nhận, tiêu biêu là phầm mềm Cảng điện tử (ePORT) và Cổng container tự động (Auto Gate) đã được nhiều Cảng bạn đến tham quan, học tập và áp dụng.

Tiếp nối thành công đó, tháng 07/2023, Cảng Đà Nẵng chính thức đưa 50 thiết bị truyền nhận tín hiệu công nghiệp cho xe đầu kéo (eTractor) vào dây chuyền khai thác Container với giá thành bằng khoảng 20% so với máy tính công nghiệp nhưng có độ bền cao hơn, làm lợi cho Cảng Đà Nẵng được ít nhất 4 tỷ đồng trong một chu kỳ 3 năm.

Thực tế hiện nay tại các Cảng biển, các thiết bị nâng hạ container thường được trang bị các máy tính công nghiệp (VMC) có giá trung bình hơn 100.000.000 Vnđ/thiết bị. Tuy nhiên, số lượng xe đầu kéo luôn lớn hơn nhiều lần so với số lượng thiết bị nâng hạ, một số Cảng có thể lên đến hàng trăm xe. Do đó, việc đầu tư máy VMC cho xe đầu kéo luôn gặp rào cản về chi phí đầu tư khiến doanh nghiệp “phân vân” giữa việc lựa chọn máy VMC và thiết bị Android dân dụng.

Qua việc nghiên cứu, phân tích ưu nhược điểm giữa máy VMC và thiết bị Android dân dụng, cần thiết phải nghiên cứu tạo ra một sản phẩm vừa đảm bảo độ bền bỉ và giá thành dễ chấp nhận hơn. Do vậy, từ tháng 11/2022, Phòng CNTT Cảng Đà Nẵng đã bắt đầu nghiên cứu và thử nghiệm thành công thiết bị công nghiệp mang tên eTractor. Trong dự án này, Cảng Đà Nẵng có vai trò là đơn vị thiết kế và vừa là đơn vị quản lý sản xuất, lắp ráp cả phần cứng lẫn phần mềm.

Hê thống kết hợp kỹ thuật phát triển phần cứng và kỹ thuật phát triển phần mềm để cho ra giải pháp hoàn thiện, sử dụng để nhận tín hiệu ra lệnh từ hệ thống TOS sau đó xử lý và truyền đến thiết bị cuối để hiển thị cho người lái xe. Trong đó, Phần mềm là một hệ thống sử dụng các phần mềm dựa trên nền tảng mô hình W-A-C-A có trước (W-A-C-A là sản phẩm phần mềm của Cảng Đà Nẵng đã được triển khai cho dây chuyền khai thác và được nhận bằng khen tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15 năm 2018-2019), module kết nối và trao đổi dữ liệu với hệ thống TOS, module xử lý số liệu, module nhận tín hiệu định vị GPS….

Lưu đồ hệ thống phần mềm eTractor.

Phần cứng là một thiết bị được gia công và lắp ráp theo tiêu chuẩn công nghiệp, bao gồm các thành phần: mạch điều khiển có chức năng hiển thị thông tin, kết nối với Cloud thông qua 4G, định vị GPS, giao tiếp Wifi, tấm led matrix chuẩn ngoài trời, hệ khung vỏ, hệ giá đỡ (hệ treo thiết bị), anten WIFI – 4G – GPS, bộ chuyển đổi nguồn DC-DC converter…..

Thiết bị được Phòng CNTT Cảng Đà Nẵng nghiên cứu và sản xuất hàng loạt.

eTractor được cấu thành từ hơn 60 chi tiết lớn nhỏ, do đó quy trình lắp ráp máy được kiểm soát chặt chẽ bằng các tài liệu mô tả và danh sách các bước lắp ráp rõ ràng. Các ốc vít dùng kết nối các linh kiện, thành phần với nhau đều được bổ sung keo khóa ren chuyên dụng. Điều này giúp eTractor luôn đạt đúng tiêu chuẩn đầu ra và giảm các hỏng hóc ngoài ý muốn trong quá trình sử dụng trong khi vẫn có thể tháo lắp để thay thế sửa chữa dễ dàng.

Hiện trường lắp ráp thiết bị tại xe container.

Năm 2017, bằng việc nghiên cứu phát triển mô hình “W-A-C-A”, Cảng Đà Nẵng lần đầu áp dụng việc truyền tín hiệu thời gian thực từ hệ thống Catos lên xe đầu kéo để điều hành công việc. Qua quá trình sử dụng lâu dài, mô hình đã cho thấy khả năng thích ứng tốt trong môi trường khai thác cảng, theo đó Cảng Đà Nẵng đã nhận được Bằng khen tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật lần thứ 15 (năm 2018-2019) do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao tặng. Tuy nhiên, mô hình W-A-C-A chỉ dừng lại ở việc xử lý các rào cản công nghệ phần mềm. Giải pháp eTractor ra đời đã giải quyết các bài toán liên quan đến đầu tư phần cứng trên xe đầu kéo. eTractor “bắt tay” với W-A-C-A để tạo nên một giải pháp tổng thể mang tính toàn diện. Trong dây chuyền khai thác thực tế, eTractor được ghi nhận như một giải pháp có tính thích ứng và có giá trị sử dụng cao, hoạt động tương đối tốt mà không cần sự hỗ trợ của anten gắn thêm, tuy nhiên eTractor vẫn được trang bị thêm anten ngoài trời giúp cho việc thu phát sóng luôn ở tình trạng tốt nhất có thể, kể cả ở các vùng bị che chắn nằm sâu trong block container.

Bên cạnh đó, eTractor được thiết kế để lái xe hoàn toàn không cần tương tác chạm lên thiết bị, cụ thể là không cần đăng nhập, không cần các thao tác kết nối mạng, không cần tương tác cảm ứng… nhờ đó eTractor có thể được lắp đặt ở khoảng cách xa, ở các vị trí tùy ý trong cabin giúp dễ dàng quan sát thông tin công việc hơn. Đồng thời, eTractor được đấu nối với xe đầu kéo sao cho lái xe chỉ cần bật chìa khóa là thiết bị hoạt động; tắt chìa khóa là dừng hoạt động, điều mà các thiết bị có hệ điều hành lớn như Android, Window không được khuyến khích để thực hiện vì rất dễ gây hỏng hóc thiết bị. Khi có dữ liệu công việc mới, màn hình máy sẽ bật sáng mạnh đi kèm với âm báo; sau vài giây, máy sẽ giảm độ sáng vừa phải thích ứng với độ sáng môi trường để dễ quan sát khi cần, chúng giúp giảm năng lượng tiêu thụ cũng như tăng tuổi thọ của thiết bị. Điều này giúp cho eTractor có trải nhiệm thân thiện với người sử dụng và tăng hệ số an toàn lao động khi sử dụng thiết bị CNTT trong dây chuyền khai thác. Ngoài ra, eTractor được thiết kế dạng “plug in-out” giúp người sử dụng có thể tháo lắp dễ dàng mà không cần có sự can thiệp của kỹ thuật viên, điều này giúp tăng tốc quá trình thay thế máy hỏng làm giảm thời gian gián đoạn đến dây chuyền khai thác.

Cảng Đà Nẵng luôn hướng tới mục tiêu trở thành Cảng hiện đại về CNTT, tiên phong nghiên cứu và áp dụng các công nghệ mới của thế giới vào khai thác và quản trị Cảng, trở thành Cảng thông minh bậc nhất trong hệ thống Cảng biển Việt Nam./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận