Thông tin tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam - OECD năm 2023 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quan điểm của Việt Nam là phát triển bao trùm, nhanh và bền vững, tập trung thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu trung hòa cacbon vào năm 2050 và phát triển nền kinh tế xanh, bền vững.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, chủ trương hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; linh kiện điện tử, ô tô điện...; sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (như hydrogen), năng lượng tái tạo; trung tâm tài chính, tài chính xanh; công nghệ sinh học, y tế…
Nói về vấn đề phát triển bền vững trong thu hút đầu tư nước ngoài, Chuyên gia Pháp lý của Bộ Tư pháp Hoàng Tiến Đạt - Nghiên cứu sinh ngành Luật tại Đại học Monash (Australia) cho rằng, hiện tại là thời điểm thích hợp để Việt Nam tái đánh giá và củng cố lại các Hiệp định đầu tư quốc tế nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Bởi các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy nền kinh tế cất cánh. Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, như ban hành, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong nước, đồng thời đàm phán, ký kết nhiều hiệp định đầu tư quốc tế song phương và đa phương để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những “trái ngọt”, hoạt động này cũng phát sinh không ít vấn đề liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là ô nhiễm môi trường sống, trách nhiệm xã hội...
"Đã có những sự cố môi trường ở Việt Nam xuất phát từ các doanh nghiệp hay nhà đầu tư nước ngoài. Sự cố phát sinh chủ yếu là do xung đột lợi ích giữa hai yếu tố: khuyến khích, bảo vệ nhà đầu tư và các khoản đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đảm bảo thực thi các chính sách, yêu cầu về y tế công cộng, bảo vệ môi trường...", chuyên gia Hoàng Tiến Đạt nhận định.
Là Nghiên cứu sinh ngành Luật, đồng thời là trợ lý nghiên cứu kiêm trợ giảng tại Khoa Luật, Đại học Monash (Australia), chuyên gia Hoàng Tiến Đạt tham gia thực hiện Dự án nghiên cứu của Hội đồng Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Quốc gia (Australia): “Bảo vệ y tế công cộng trong các hiệp định đầu tư quốc tế”. Nghiên cứu này giúp anh soi chiếu và tìm những giải pháp phát triển bền vững, đưa ra những đề xuất phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
"Quá trình theo học bậc Thạc sĩ Luật tại Khoa Luật thuộc Đại học Melbourne theo học bổng toàn phần của Chính phủ Australia không chỉ cho tôi kiến thức chuyên môn, cách làm việc khoa học, phương pháp nghiên cứu cẩn trọng và khách quan mà còn cung cấp những so sánh về các vấn đề pháp lý giữa nền kinh tế phát triển của Australia và đang phát triển của Việt Nam, về trách nhiệm xã hội của các nhà đầu tư nước ngoài với quốc gia sở tại", anh Hoàng Tiến Đạt cho biết.
Quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu, chuyên gia pháp lý Bộ Tư pháp Hoàng Tiến Đạt đã rà soát tổng cộng 94 hiệp định song phương, đa phương mà Việt Nam đã ký kết bằng hệ thống cơ sở dữ liệu và đánh giá chuyên sâu. Theo chuyên gia Hoàng Tiến Đạt, hiện nay tỷ lệ quy định về bảo vệ môi trường và phòng, chống biến đổi khí hậu trong các hiệp định đầu tư quốc tế tại Việt Nam rất thấp. Điều này vô hình trung đã “trao cho nhà đầu tư nhiều quyền nhưng không quy định đủ nghĩa vụ về bảo vệ môi trường và phát triền bền vững để buộc họ tuân thủ”.
“Hầu hết hiệp định đầu tư quốc tế cho phép nhà đầu tư nước ngoài quyền khởi kiện Chính phủ ra Tòa án Trọng tài Quốc tế. Điều này thường xảy ra khi nhà đầu tư nước ngoài cho rằng các chính sách mới làm phương hại hay ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của họ. Các tranh chấp giữa Chính phủ và nhà đầu tư nước ngoài gây ra nhiều hệ lụy, tiêu biểu là sự “e dè” trong việc ban hành các chính sách mới, do lo ngại việc đó sẽ làm phát sinh nguy cơ nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện”, chuyên gia Hoàng Tiến Đạt nêu rõ và cho rằng đây là thách thức chung của nhiều quốc gia.
Chuyên gia Hoàng Tiến Đạt cũng cho rằng, Việt Nam và Australia hoàn toàn có thể hợp tác trong việc hoạch định chính sách đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần rà soát các hiệp định cũ vì phần lớn không có các điều khoản về bảo vệ môi trường và phòng, chống biến đổi khí hậu; Bổ sung các điều khoản phù hợp bối cảnh Việt Nam vào những hiệp định dự kiến ký kết; Đảm bảo các hiệp định đầu tư quốc tế phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật trong nước về bảo vệ môi trường và những cam kết quốc tế của Việt Nam, bao gồm các mục tiêu và cam kết trong khuôn khổ Công ước khung của Liên Hợp Quốc và Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu.
N.T/VOV.V