Năng lượng xanh - hướng đi của tương lai

  • 19/10/2023 00:55:08
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Theo dự báo của Bloomberg New Energy Finance, đến năm 2050 năng lượng xanh sẽ chiếm 71% thị trường năng lượng toàn cầu. Việt Nam sẽ ở đâu trong dòng chảy chuyển dịch sang năng lượng xanh là nội dung được bàn thảo tại Diễn đàn 'Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam' do Báo Điện tử VOV - Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức.

 

Tận dụng cơ hội để dịch chuyển sang năng lượng xanh

Theo dự báo của 65 chuyên gia phân tích năng lượng từ các nước trên thế giới mà Bloomberg New Energy Finance công bố, khoảng 2 thập kỷ tới sẽ có 8.400 tỷ USD sẽ được đầu tư cho điện mặt trời và điện gió. Xu hướng này sẽ dẫn đến điện đang được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch hiện đang chiếm 2/3 toàn cầu, tương đương 63% sẽ giảm xuống còn 29%. Công suất điện gió và điện mặt trời sẽ chiếm khoảng 50% tổng thị trường năng lượng điện toàn thế giới. Đứng trước xu thế dịch chuyển này, Việt Nam đã và đang có những bước đi sẵn sàng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ:

Việt Nam thuộc danh sách các nước có tiềm năng lớn để đầu tư thêm các nguồn năng lượng tái tạo mới như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện sóng biển và khí sinh học Biogas, bên cạnh các nguồn năng lượng sẵn có gồm điện khí tự nhiên hóa lỏng, thủy điện và điện than. Do vậy, để tận dụng tiềm năng vốn có rất cần những chính sách khuyến khích để mở rộng thị trường năng lượng tái tạo, thúc đẩy và triển khai công nghệ mới, cung cấp cơ hội thích hợp, cũng như khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng. Với sự hỗ trợ từ các chính sách cụ thể, những dự án năng lượng tái tạo sẽ có cơ sở để phát triển và thu hút nhà đầu tư, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Theo các chuyên gia tại Diễn đàn “Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam”, với đường bờ biển dài hơn 3.200 km, độ sâu mực nước nông và tốc độ gió cao, ổn định, Việt Nam hội tụ đầy đủ các tiền đề quan trọng, cần thiết để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi (ĐGNK) đáng tin cậy và có chi phí hợp lý.

Theo đánh giá của Chương trình hỗ trợ quản lý ngành năng lượng, Ngân hàng Thế giới, tổng tiềm năng kỹ thuật ĐGNK của Việt Nam có thể đạt khoảng 475 GW, bao gồm 261 GW loại móng cố định và 214 GW loại móng nổi. Chương trình hợp tác đối tác Việt Nam - Đan Mạch đánh giá tiềm năng kỹ thuật ĐGNK của Việt Nam đạt khoảng 160 GW. Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030 sẽ có khoảng 6 GW và đến năm 2050, con số này sẽ tăng gấp 11 -15 lần, dự kiến sẽ đạt khoảng 70 - 91,5 GW.

Ông Hoàng Việt Dũng - đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững thuộc Bộ Công Thương - cho rằng, nhu cầu điện của Việt Nam ngày một tăng cao. Nhu cầu năng lượng tăng khoảng 10% trong giai đoạn 2001-2010, khoảng 7% trong giai đoạn 2011-2019, trong khi nhu cầu về điện tăng 13%/năm trong giai đoạn 2001-2010 và khoảng 9,71% trong giai đoạn 2011-2021. Phát thải khí nhà kính (KNK) từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng phát thải KNK của Việt Nam năm 2010, khoảng 67,7% năm 2020, và sẽ chiếm khoảng 73,1% và 79,7% vào năm 2030 và 2050 theo kịch bản thông thường.

Đánh giá về xu hướng chuyển dịch năng lượng xanh, Tiến sĩ Chử Đức Hoàng, Chánh văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và công nghệ cho rằng, xu hướng chuyển dịch năng lượng là tất yếu. Thế giới còn khoảng 70-100 năm để sử dụng 3 loại năng lượng truyền thống là than đá, dầu mỏ, khí đốt. Than đá tiêu thụ mỗi năm bình quân là 7.320 triệu tấn, trong khi dự trữ than đá ước tính là 891.500 triệu tấn; dầu mỏ mỗi năm 35 tỷ thùng, với dự trữ dầu mỏ trên thế giới là 1.480 tỷ thùng; khí đốt mỗi năm là 4.000 tỷ m3 trong khi dự trữ khí đốt toàn cầu là 187.100 tỷ thùng. Năng lượng truyền thống có những tác động tiêu cực như gây ô nhiễm môi trường, tác động tới biến đổi khí hậu và phá vỡ sự cân bằng sinh thái... Việc phụ thuộc vào một số ít quốc gia sản xuất dầu mỏ, than đá và khí tự nhiên có thể tạo ra những rủi ro về an ninh năng lượng, nhất là khi xảy ra xung đột chính trị hoặc kinh tế.

Theo TS. Chử Đức Hoàng, thế giới đang phụ thuộc chủ yếu vào năng lượng truyền thống như dầu mỏ, than đá, và khí tự nhiên. Những nguồn năng lượng này không chỉ gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, mà còn đang dần dần cạn kiệt, đặt ra một mối đe dọa cho cung cấp năng lượng ổn định trong tương lai. Do vậy, Việt Nam cần tận dụng cơ hội dịch chuyển sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo để tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng.

Cần chính sách khuyến khích năng lượng xanh phát triển

Phát biểu tại diễn đàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ cho biết, năm 2023 được xem là mốc thời điểm quan trọng trong tiến trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng của Việt Nam, chuyển đổi xanh trong lĩnh vực năng lượng đang dần dần trở thành xu hướng chủ đạo, là một trong những ưu tiên và nhu cầu hàng đầu hiện nay.

Song, cũng theo Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, để tận dụng tiềm năng vốn có rất cần những chính sách khuyến khích để mở rộng thị trường năng lượng tái tạo, thúc đẩy và triển khai công nghệ mới, cung cấp cơ hội thích hợp, cũng như khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng.

Phân tích về chính sách phát triển năng lượng xanh, ông Nguyễn Đức Cường-Chuyên gia cao cấp về năng lượng của Tập đoàn T&T - cho biết, đến nay, Việt Nam vẫn chưa có đầy đủ công cụ pháp lý đủ mạnh, chẳng hạn như Luật hoặc thấp hơn là Nghị định về phát triển năng lượng tái tạo. Phần lớn các văn bản về thể chế và chính sách đã ban hành trong thời gian qua được lồng ghép vào các quyết định, hoặc chiến lược.

Chính vì thiếu công cụ pháp lý mạnh nên dẫn đến một số hạn chế trong việc khai thác tài nguyên ổn định và bền vững (chẳng hạn như Quyết định số 39 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió đã hết hiệu lực được 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa có cơ chế nối tiếp gây ra tình trạng gián đoạn, đứt gãy).

Ông Vương Quốc Thắng, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội:

Hiệu quả sử dụng năng lượng nói chung và điện năng nói riêng trong phát triển kinh tế của Việt Nam còn thấp hơn so với các nước trong khu vực và thế giới. Phát triển kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa trên các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng nhưng hiệu quả sử dụng năng lượng chưa được cải thiện rõ rệt. Trong giai đoạn 2016 - 2020, chỉ số giữa cường độ năng lượng và cường độ điện trên mỗi giá trị GDP của Việt Nam có xu hướng tăng. Cường độ năng lượng (chỉ số tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng trên GDP theo giá so sánh 2010) vào năm 2015 là 408 kgOE/1.000 USD, tăng lên 463 kgOE/1.000 USD vào năm 2020. Năm 2016, cường độ điện là 977 kWh/1.000 USD tăng lên 1.049 kWh/1.000 USD vào năm 2020”.

Đối với dự án điện gió ngoài khơi, hiện chưa thấy có tiêu chí hoặc thuật ngữ định nghĩa thế nào là một dự án điện gió ngoài khơi? Do vậy, cần phân định cụ thể trong kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII ranh giới giữa điện gió trên bờ và ngoài khơi. Nếu không làm rõ được vấn đề này sẽ gây ra vướng mắc cho nhà đầu tư cùng các địa phương và bộ ngành.

Ông Nguyễn Đức Cường - Chuyên gia cao cấp về năng lượng của Tập đoàn T&T:

Thời kỳ sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch giá rẻ đóng vai trò lớn trong sản xuất điện thời gian qua được dự báo là sẽ có rất nhiều bất định bởi, sự suy cạn dần về trữ lượng khai thác cũng như tình trạng có thể gián đoạn nguồn cung trong chuỗi cung ứng mà đi kèm theo đó là giá nhiên liệu tăng và có thể tăng rất cao bất thường do các yếu tố thiếu ổn định về địa chính trị. Do vậy, nếu không sớm có các giải pháp chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ thì trong tương lai, Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung và giá năng lượng thế giới bởi, tiềm năng nguồn thuỷ điện lớn của Việt Nam cơ bản sẽ được khai thác hết trong thập kỷ này trong khi nguồn khí thiên nhiên cơ bản đã đạt ngưỡng và đang đi xuống, còn nguồn than mỏ trong nước có giới hạn cả về trữ lượng lẫn khả năng khai thác, sử dụng.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận