Bà giáo Chính với vườn cây gỗ quý

  • 12/10/2023 18:08:55
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Phát triển kinh tế từ mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt với chủ lực là nuôi lợn rừng và trồng cây gỗ quý bà Nguyễn Thị Chính, Giám đốc công ty Hoàng Hưng (có địa chỉ tại Khu 16, Xã Ngọc Lập, Huyện Yên Lập, Phú Thọ) đã trở thành tỷ phú và tấm gương tiêu biểu trong sản xuất và kinh doanh giỏi của tỉnh Phú Thọ.

 

Nuôi lợn rừng và “bí kíp” ủ chua thức ăn

Trang trại của bà Nguyễn Thị Chính (sinh năm 1957) toạ lạc tại Xã Ngọc Lập, Huyện Yên Lập, Phú Thọ có diện tích lên tới gần 22ha. Trang trại nằm xa khu dân cư, được quy hoạch bài bản với hệ thống sản xuất tổng hợp gồm vườn - ao - chuồng, đáp ứng an toàn sinh học, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh. Đặc biệt, trang trại dành tới 16 héc-ta trên tổng diện tích để trồng rừng, 3,5 ha trồng chè nhằm đảm bảo tốt nhất các quy định về bảo vệ môi trường và định hướng phát triển trang trại “xanh”. Và chỉ 2,2 ha diện tích để chăn nuôi lợn và nuôi cá.

Bà Chính tâm sự, để có cơ ngơi như hôm nay bà đã trải qua không ít khó khăn để tìm hướng phát triển. Trước đây bà là giáo viên mầm non. Trợ cấp ít ỏi từ nghề giáo không đủ chi tiêu cho gia đình nên để gia tăng kinh tế gia đình, thoát khỏi cảnh đói nghèo bà thuê đất để trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Đầu tiên bà nuôi lợn trắng và các loại gia cầm. Nhưng vào những năm 2003 giá cả lợn bấp bênh, trang trại của bà chẳng thu lãi được bao nhiêu, thậm chí có những thời điểm lợn rớt giá thê thảm còn lỗ nặng.

Cơ duyên đã đưa bà đến với con lợn rừng nhân một chuyến vào miềm Nam thăm người thân. Khi ấy đoàn công tác của người cháu sang Thái Lan có hai người vì lý do sức khoẻ không tham gia được, thế là bà được ké vào xuất đó. Sang Thái Lan được tham quan mô hình lợn rừng bên đó. Nhận thấy, lợn rừng có giá trị kinh tế cao lại dễ nuôi nên sau chuyến đó bà đã mạnh dạn chuyển hướng đầu tư.

Sau chuyến lợn đầu tiên nhập về bị thất bại, lợn bị chết hết sau thời gian nuôi, không bỏ cuộc bà tìm tòi, rút kinh nghiệm và tiếp tục nhập chuyến thứ 2 với hơn 20 con. Lần này bà đã thành công.

Bà Nguyễn Thị Chính nghiên cứu ra men ủ chua làm thức ăn giúp tiết kiệm chi phí chăn nuôi. Theo bà Chính giai đoạn rực rỡ nhất của trang trại là vào năm 2009, 2010 với 68 lái và tiền lợn giống, thịt bán được đạt thu nhập hơn 1.8tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho 15 lao động ổn định và 30 lao động thời vụ. Hiện tại trang trại có mỗi năm xuất khoảng 300 con giống và xuất bán khoảng 9 đến 10 tấn lợn thịt mỗi năm, thu về hàng tỷ đồng. Ngoài ra trang trại còn có ao nuôi cá cho thu lãi 300tr đồng/năm.

Khách hàng biết đến bà Chính không bởi các sản phẩm trên mà còn bởi men ủ chua giúp ủ thức ăn hiệu quả cho người chăn nuôi mà không phải dùng cám công nghiệp hay nấu thức ăn.

Đến thăm trang trại của bà, thấy rất nhiều bể chứa, thùng chứa thức ăn có ngày ủ khác nhau. Thức ăn được ủ nào là sắn, cỏ ngọt, cá… Vừa nhanh nhẹn mở những bể thức ăn thơm nức bà Chính hồ hởi: “Tôi nuôi theo hướng hữu cơ, không sử dụng cám công nghiệp nên hồi đầu nấu cám theo kiểu truyền thống cho lợn ăn. Đàn lợn gia tăng số lượng nấu không xuể mà mất rất nhiều công sức, thời gian vì thế tôi nghĩ đến việc ủ chua thức ăn từ phương pháp để ủ rượu cần”.

Đầu tiên khi thử nghiệm bà Chính ủ bị thất bại, thức ăn bị chua và rất cay lợn không ăn được. Bà tìm lên tận bản, gặp những mế ủ men thành thục, tìm hiểu nguyên nhân. Được các mế gợi ý, là độ cay nồng đó để làm cho rượu cần thêm hấp dẫn, nhưng đối với ủ thức ăn chăn nuôi nên bỏ đi. Từ bí quyết đó bà đã thành công với men ủ chua làm thức ăn cho lợn. Điều này, giúp người chăn nuôi tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có và thịt lợn săn chắc, thơm ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Mong muốn có dự án bảo tồn các cây gỗ quý bản địa

Nhờ có chế phẩm này mà nhiều hộ gia đình có kinh tế khó khăn mua lợn giống từ công ty Hoàng Hưng về nuôi đã có thể phát triển kinh tế, thoát nghèo mà không cần nhiều vốn và chi phí chăn nuôi. Sản phẩm này được chế biến từ 6 loại thảo dược là các loại cây rừng bản địa của Phú Thọ kết hợp với mật cong và men rượu. Sản phẩm được khách hàng khắp cả nước biết đến và được bán với giá 20.000 đồng trên lít.

Không những thành công với trang trại lớn, bà Chính còn tâm huyết với trồng rừng, giữ đất và bảo vệ rừng. Khi mới khởi nghiệp, bà dành toàn bộ diện tích trồng trọt để trồng chè. Diện tích quá lớn, khi chè cho thu hoạch, không thuê được người hái. Theo bà Chính mỗi ngày có từ 20 đến 27 người hái vẫn không hái xuể. Thế là bà chuyển sang trồng các loại cây gỗ quý như cây chắc, cây cẩm lai, cây dổi. Xen vào đó bà trồng các cây cảnh, cây hoa như hoa mộc hương, hoa anh đào, cây phong linh, phượng hoàng lửa.

Cây lên xanh tốt cho bóng mát, cho sắc màu và hương thơm phong phú, đa dạng, Càng trồng bà càng thêm yêu các loại cây. Bà khoe với chúng tôi cây dổi cho thu nhập vài triệu mỗi năm. Rồi ví như cây mộc hương mỗi cây bà bán được 6 đến 8tr, mỗi năm cũng cho thu về khoảng 270 triệu đồng.

“Đấy là tiền chứ đâu. Nhưng cây lại không bị chặt bỏ, giữ được đất, giữ được màu xanh của rừng. Từ khi trồng các loại cây đó, gia đình tôi làm ăn “có lộc”, ăn lên làm ra. Tôi nói với các con tôi mẹ không chặt cây, mẹ muốn xây dựng trang trại thành khu bảo tàng các loại gỗ quý”, bà Chính chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Chính trở thành tỷ phú nhờ phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt.Hỏi bà Chính về lời khuyên đối với các bạn trẻ muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, bà Chính chân thành: “Đối với các bạn trẻ khởi nghiệp nên làm dần dần, đầu tư từ nhỏ, thành công đã mới đầu tư tiếp. Cứ như thế mô hình sẽ từng bước lớn mạnh. Nếu có 100 triệu thì hãy đầu tư 50 triệu thôi. Nhất là với chăn nuôi lợn rừng 50 triệu là đã có thể khởi nghiệp và khởi nghiệp chắc chắn sẽ thành công. Tôi khẳng định như thế là bởi vì, theo tính toán, để nuôi 1 con lợn mẹ, như tôi phải thuê hết và chi phí mua thức ăn một năm cũng thấp nhất cho lãi 15triệu, tiền giống chỉ khoảng trên dưới 15 triệu. Như vậy đối với gia đình chăn nuôi nhỏ, tự chăm sóc được lợn, ngô khoai sắn tự trồng được thì lại sẽ cao hơn nhiều ”.

“Tôi làm nghề này nhiều niềm vui, khách hàng từ trong Nam ngoài Bắc thân thương gọi tôi là bầm Chính, là mế Chính, rồi bà giáo Chính. Họ cảm ơn tôi vì đã giúp họ thoát nghèo”, bà Chính chia sẻ.

Trước thực trạng bà con trồng rừng chạy theo số đông, cứ được giá trồng và giá thấp lại chặt bỏ, bà Chính gửi gắm mong muốn đến Bộ NN&PTNT và các cơ quan chức năng là xây dựng các đề án, các chương trình dự án hỗ trợ bà con trồng các cây bản địa vừa giúp nâng cao thu nhập lại bảo vệ và phát triển rừng.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận