Bắc Giang: Tăng trưởng kinh tế đứng thứ 2 cả nước trong 9 tháng

Sau 9 tháng thực hiện, kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang tiếp tục có chuyển biến tích cực, tạo sự bứt phá, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

 

Sau 9 tháng thực hiện, kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang tiếp tục có chuyển biến tích cực, tạo sự bứt phá, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhiều chỉ tiêu chủ yếu cơ bản đạt yêu cầu tạo đà cho việc hoàn thành các mục tiêu phát triển cả năm.

Duy trì tốc độ tăng cả 3 khu vực

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, trong Quý 3 và 9 tháng năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III/2023 tăng 14,59% (đứng đầu cả nước), cao hơn nhiều so với mức tăng chỉ 9,02% của quý đầu năm 2023. Với GRDP 9 tháng đầu năm 2023 tăng 12,25%, Bắc Giang tiếp tục là địa phương đứng thứ 2 cả nước về mức tăng trưởng. Mức tăng GRDP 9 tháng đầu năm 2023 đã phản ánh kết quả những cố gắng của chính quyền tỉnh trong cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Về tình hình thực hiện đầu tư công, ngay từ đẩu năm, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý đến nay là 13.668,6 tỷ đồng, trong đó số vốn giao đầu năm 2023 là 9.948,2 tỷ đồng. Tính đến ngày 15/9/2023, tổng giá trị giải ngân chung đạt 6.135,3 tỷ đồng, bằng 46,4% kế hoạch.

Về tình hình thu hút đầu tư, 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh thu hút đầu tư đạt 2.013,6 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, gấp 1,86 lần so với cùng kỳ. Trong đó, cấp mới 27 dự án trong nước, vốn đăng ký 5.462,31 tỷ đồng; 70 dự án FDI, vốn đăng ký 1.386,89 triệu USD, gấp 5 lần cùng kỳ 2022; điều chỉnh 24 dự án trong nước, vốn đăng ký tăng thêm 1.714,5 tỷ đồng, gấp gần 7 lần; điều chỉnh 29 dự án FDI tổng vốn tăng thêm 321,31 triệu USD, bằng gần 60%. Tính riêng thu hút đầu tư FDI, Bắc Giang xếp thứ 4 cả nước (sau các địa phương là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng).

Thu hút đầu tư vẫn là điểm sáng của Bắc Giang trong 9 tháng năm 2023

Đối mặt nhiều thách thức

Mặc dù tăng trưởng kinh tế quý III/2023 và 9 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng cao, tuy nhiên, dự báo 3 tháng cuối năm 2023, tỉnh Bắc Giang tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; giá cả một số mặt hàng như xăng dầu, vật liệu xây dựng, phân bón,... tiếp tục tăng. Cùng với đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng phức tạp tác động tiêu cực đến nền kinh tế của tỉnh, đặc biệt là công nghiệp, xây dựng, xuất nhập khẩu. Tuy sản xuất công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ, năng lực sản xuất của ngành được mở rộng với nhiều sản phẩm mới, song sản xuất công nghiệp tăng trưởng không đồng đều, sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, giải ngân một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, nhất là vốn sự nghiệp. Hoạt động xuất nhập khẩu có xu hướng chậm lại, trong đó nhập khẩu 9 tháng thấp hơn cùng kỳ.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng không đồng đều, sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp là một trong những thách thức đặt ra trong những tháng cuối năm của tỉnh Bắc Giang.

Để khắc phục những khó khăn, tồn tại và giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế, trong 3 tháng còn lại của năm 2023, tỉnh Bắc Giang đề ra nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp các Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh; phấn đấu hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu KT-XH năm 2023. Tăng cường tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất, tạo động lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng. Tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm, lao động, vốn..., tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đã bố trí theo kế hoạch, nhất là giải ngân vốn sự nghiệp của các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách. Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động - việc làm. Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động. Tăng cường hợp tác, liên kết với các địa phương trong vùng và cả nước trong phát triển KT-XH. Tiếp tục duy trì và mở rộng các quan hệ hợp tác quốc tế, chủ động tham gia các diễn đàn hội nghị quốc tế dành cho các địa phương. Tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi nhằm thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh. Tăng cường công tác dự báo, phân tích, nắm tình hình và bình ổn giá cả; xây dựng các giải pháp nhằm ứng phó kịp thời với những biến động của thị trường; giữ vững ổn định thị trường./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận