Bản sắc đất Việt Yên

Việc hình thành các hành lang kinh tế với nhiều khu, CCN có quy mô lớn đã đưa huyện Việt Yên trở thành khu vực phát triển năng động nhất của tỉnh Bắc Giang.

 

Dẫn chúng tôi đi tham quan huyện Việt Yên, ông Nguyễn Đại Lượng, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Là huyện trọng điểm công nghiệp, Việt Yên đang xây dựng trở thành thị xã. Người dân khắp nơi đổ về đây làm việc, sinh sống. Đó là thách thức, cũng là động lực để Việt Yên phát triển lớn mạnh”.

Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội

Huyện Việt Yên nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh Bắc Giang, có vị trí thuận lợi trong việc giao lưu phát triển kinh tế - xã hội. Địa bàn huyện có các tuyến giao thông quan trọng đi qua như: Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, Quốc lộ 17 và Quốc lộ 37, Đường tỉnh 295B và đường tỉnh 298, Trục đường ĐT.398 - Thủ đô Hà Nội; Tuyến đường sắt Bắc - Nam… Đặc biệt, Việt Yên còn nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của vùng kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, gắn với hành lang phát triển kinh tế trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Chính vị trí này của huyện Việt Yên đã tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, thông thương hàng hóa, thu hút vốn đầu tư, tạo ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế đa dạng.

“Hiện nay, việc hình thành các hành lang kinh tế với nhiều khu, cụm công nghiệp có quy mô lớn đã đưa huyện Việt Yên trở thành khu vực phát triển năng động nhất của tỉnh Bắc Giang”, ông Nguyễn Đại Lượng, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên khẳng định và đưa ra những dẫn chứng cụ thể: Toàn huyện có 11 KCN đã quy hoạch với tổng diện tích 2.638ha, 4 KCN đã đi vào hoạt động với diện tích 1.044 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân khoảng 95%; có 8 cụm công nghiệp (CCN) quy hoạch với diện tích 442,6ha, đã thành lập 6 CCN với diện tích 204,7ha, có 3 CCN đã đi vào hoạt động với diện tích 49,46ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân số CCN hoạt động là 80%. Trên địa bàn huyện có 2.663 doanh nghiệp, chiếm 17,5% tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh. Nhiều dự án có công nghệ tiên tiến, ít thâm dụng lao động, đóng góp quan trọng nguồn thu cho ngân sách.

Việc hình thành các hành lang kinh tế với nhiều khu, cụm công nghiệp có quy mô lớn đã đưa huyện Việt Yên trở thành khu vực phát triển năng động nhất của tỉnh Bắc Giang.

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện bao gồm cả KCN bình quân giai đoạn 2020 - 2022 đạt 23,97%. Giá trị sản xuất 3 khu vực kinh tế tạo ra trên địa bàn huyện hiện chiếm hơn 60% toàn tỉnh, duy trì vị trí trung tâm công nghiệp, đầu tàu kinh tế của tỉnh. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thu NSNN luôn vượt cao so với dự toán. Chi ngân sách 8.994 tỷ đồng; tỷ lệ tự cân đối thu - chi ngân sách huyện đạt 112%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn huyện ước đạt 43.677 tỷ đồng, ước hết năm 2023 đạt 53.144 tỷ đồng.

Vùng đất Việt Yên cách đây hàng nghìn năm đã là miền đất màu mỡ, thuận lợi, thu hút mọi người đến sinh sống, làm ăn, buôn bán. Bởi vậy, khi đến vùng đất này, chúng tôi không ngạc nhiên khi ngoài sản xuất nông nghiệp, huyện còn có nhiều làng nghề thủ công truyền thống lâu đời nổi tiếng, điển hình như: nghề làm gốm Thổ Hà; nghề nấu rượu làng Vân (Yên Viên); nghề đan lát tre nứa ở Phúc Long, Phúc Tằng; nghề rèn ở Ninh Khánh; nghề làm bún ở Phúc Lâm, Nội Ninh; ươm tơ, dệt lụa Mật Ninh; nghề làm đậu phụ ở làng Đạo Ngạn…

Ông Nguyễn Đại Lượng cho biết thêm, huyện Việt Yên được công nhận đô thị loại IV năm 2021; triển khai thực hiện Quy chế quản lý kiến trúc đô thị Việt Yên. Đang trình Bộ Xây dựng thẩm định Quy hoạch chung đô thị Việt Yên đến năm 2045. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết toàn huyện đạt 45%, riêng 9 xã, thị trấn dự kiến trở thành phường đạt 85%; tỷ lệ tuyến phố văn minh đạt 59%; đang triển khai Đề án đặt tên đường và biển số nhà trên địa bàn huyện. Tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn huyện đạt 22,39%. Tỷ lệ cứng hóa đường huyện, trục xã đạt 100%, ngõ xóm đạt trên 96%. Thu hút đầu tư 47 dự án khu đô thị, khu dân cư với tổng diện tích 321ha, tổng mức đầu tư 5.367 tỷ đồng; đã phê duyệt chủ trương đầu tư 05 dự án với tổng quy mô khoảng 67ha, tổng mức đầu tư khoảng 2.825 tỷ đồng.

Coi trọng sức khỏe của người dân, vì vậy, huyện Việt Yên đặc biệt quan tâm tới việc phát triển hạ tầng nước sạch. Hiện nay, tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn huyện đạt 100%; tỷ lệ bao phủ mạng lưới cấp nước sạch đạt 81,5%, phấn đấu đến hết năm 2023 tỷ dân số được cung cấp nước sạch toàn huyện tối thiểu đạt 82%.

“Huyện Việt Yên đã phê duyệt chủ trương đầu tư, đang lập dự án Nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng. Về xử lý chất thải rắn, huyện bố trí đầy đủ quỹ đất, phương tiện thu gom, xử lý”, ông Nguyễn Đại Lượng cho hay.

Làng nghề bánh đa truyền thống Thổ Hà.

Vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa

Việt Yên là một vùng đất cổ, có bề dày lịch sử - văn hóa lâu đời với trên 300 di tích lịch sử - văn hóa, có 100 di tích đã được xếp hạng. Ngoài ra, Việt Yên còn là huyện có nhiều làng quan họ được UNESCO vinh danh; có những lễ hội văn hóa dân gian truyền thống vô cùng sinh động mang nhiều màu sắc như: lễ hội vật cầu nước, lễ rước Thành hoàng làng Thổ Hà, hát chầu văn, hát quan họ trên sông Cầu...

Bản sắc văn hóa đất Việt Yên còn được thể hiện đậm nét ở truyền thống hiếu học và đỗ đạt. Ở thời nào, đạo học cũng được người Việt Yên coi trọng, nâng niu và tiếp nối. Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần quan trọng cho sự phát triển ngày một giàu mạnh của quê hương, đất nước, bởi vậy, song song với nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển kinh tế, Đảng bộ và nhân dân huyện Việt Yên quan tâm đặc biệt đến phát triển văn hóa, giáo dục. Trong thời gian tới, huyện Việt Yên quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa phong trào học tập, phát huy tối đa truyền thống hiếu học của quê hương, lấy đó là gốc rễ cho mọi sự phát triển.

Ông Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên chia sẻ, Huyện ủy đã đề ra nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội hiện đại gắn với giữ gìn văn hóa truyền thống. Huyện xác định, di sản văn hóa tạo động lực, nguồn lực thúc đẩy phát triển ngành du lịch, mang lại lợi ích kinh tế và quảng bá hình ảnh địa phương. Vì vậy, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển KT-XH là nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện xuyên suốt./.

“UBND tỉnh Bắc Giang đã đánh giá huyện Việt Yên đạt 5/5 tiêu chuẩn (bao gồm: Quy mô dân số, Diện tích tự nhiên, Số đơn vị hành chính trực thuộc, Đã được công nhận là đô thị loại loại IV, Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội) của thị xã trực thuộc tỉnh quy định Điều 6 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa 13, và điểm d khoản 17 Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính”, ông Nguyễn Đại Lượng cho biết

 

Bình luận

    Chưa có bình luận