Rủi ro khi đầu tư ra nước ngoài

  • 07/03/2019 12:00:00
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Đầu tư ra nước ngoài đã gặt hái thành quả, nhưng không ít doanh nghiệp Việt vẫn gặp nhiều khó khăn. Để thành công phải có chiến lược bài bản.

 

 

Thu được trái ngọt

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2018, cả nước có 149 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư 376,1 triệu USD. Việt Nam đã đầu tư sang 38 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, lĩnh vực tài chính ngân hàng dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 105,7 triệu USD, chiếm 24,4% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ hai với 82,9 triệu USD và chiếm 19,1% tổng vốn đầu tư; nông, lâm nghiệp, thủy sản đứng thứ ba với 52,3 triệu USD, chiếm 12,1% tổng vốn đầu tư. Còn lại là các dự án thuộc các lĩnh vực khác.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài đã gặt hái được thành công. Cụ thể như Tập đoàn Viettel, đã đầu tư 10 thị trường tại 3 châu lục, tổng doanh thu đầu tư nước ngoài năm 2018 đạt gần 1,3 tỷ USD với 48 triệu thuê bao.

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Vietel

Ngày 22/1/2019, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Davos - Thụy Sĩ, Brand Finance - nhà tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới đã công bố danh sách 500 thương hiệu có giá trị nhất thế giới, trong đó, lần đầu tiên Viettel - thương hiệu Việt Nam tham gia danh sách này đạt thứ hạng 478 và mức định giá 4,316 tỷ USD. Như vậy, giá trị thương hiệu của Viettel tăng 35,8% tức hơn 1 tỷ USD so với năm 2018. Giá trị của Viettel được đánh giá cao do sự hiện diện và đóng góp ở 10 thị trường nước ngoài.

Năm 2018, lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài của Viettel có doanh thu dịch vụ tăng trưởng gần 20%. Dòng tiền chuyển về nước đạt 240 triệu USD, cao hơn 3% so với năm ngoái. Thuê bao di động của các thị trường nước ngoài tăng gần 20%, đóng góp vào gần 12 triệu thuê bao di động phát triển mới trong năm, nâng tổng số thuê bao của Viettel trên toàn cầu là hơn 110 triệu thuê bao di động. Cụ thể tại Lào, với thương hiệu Unitel của Tập đoàn Vietel Toàn cầu, sau gần 10 năm tham gia kinh doanh viễn thông, đã trở thành doanh nghiệp viễn thông lớn nhất tại Lào. Unitel chiếm 50% thị phần về dịch vụ di động, là nhà mạng lớn nhất với độ phủ 95% dân số toàn quốc với 3.000 trạm 2G, 3G và 4G.

Không chỉ có Viettel, nhiều doanh nghiệp Việt khác cũng đã thu được nhiều thành công khi đầu tư ra nước ngoài. Đơn cử như Công ty TNHH Việt - Lào (Vilaco) là đơn vị thuộc Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) đầu tư khai thác, chế biến thạch cao tại Lào từ năm 2004, với mức lương trung bình khoảng 350 USD/người/ tháng.

Chính sách khuyến khích đầu tư của nước sở tại thay đổi ở một số lĩnh vực như khai khoáng, xuất khẩu gỗ, cao su… Phần lớn các dự án đầu tư nông nghiệp của Việt Nam ra nước ngoài tập trung vào các quốc gia như Lào và Campuchia, nơi hệ thống đăng ký và quản lý đất đai chưa hoàn thiện và tập quán lao động chưa định hình rõ nét nên rủi ro cao hơn.

Đánh giá hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đã vươn rộng hơn, xa hơn tới những địa bàn mới. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam ngày càng đa dạng, thể hiện rõ nét qua thị trường, ngành đầu tư, quy mô, hình thức đầu tư, các loại hình kinh tế và doanh nghiệp tham gia đầu tư. Doanh nghiệp Việt đã và đang thu được trái ngọt ở thị trường ngoại. Có thể kể tới con số 1,3 tỷ USD lợi nhuận đã chuyển về Việt Nam kể từ khi đầu tư ra nước ngoài cho đến năm 2017 do Viettel công bố.

Cần có chiến lược đầu tư

Chia sẻ trải nghiệm thực tế khi đầu tư sang Lào, ông Lê Viết Thảo, Phó tổng giám đốc Mitraco cho biết, Công ty đã gặp vô vàn khó khăn. Doanh nghiệp phải tự mày mò tìm hiểu luật pháp, phải tự dịch các văn bản pháp luật, bởi các dịch vụ tư vấn pháp luật ở các nước này còn nhiều hạn chế. Theo ông Thảo, có hai khó khăn khi các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại Lào bị vấp phải. Đó là chính sách khuyến khích đầu tư của Lào thường xuyên thay đổi và các loại thuế, phí khá nhiều. Đặc biệt, ở Lào, thời gian làm các thủ tục hành chính cũng khá lâu vì việc cải cách hành chính chưa thực sự nhanh như ở Việt Nam. Đây là một trong những khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư sang Lào.

Những khác biệt về văn hóa, pháp luật và môi trường giữa Việt Nam và các quốc gia tiếp nhận đầu tư dẫn đến tranh chấp, ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án, quyền và lợi ích của người dân địa phương cũng như hình ảnh của nhà đầu tư Việt Nam trong khu vực.

Vấn đề lao động và bất đồng ngôn ngữ cũng là một rào cản đáng kể đối với các doanh nghiệp Việt trên đất Lào. Mà cụ thể là hạn chế về trình độ lao động ở địa phương, đặc biệt là lao động kỹ thuật. Trong khi Lào chỉ cho phép sử dụng 10% lao động nước ngoài. Vì thế, khi đầu tư các dự án lớn, cần phải nhập lao động từ Việt Nam sang nên khá khó khăn. Một trong những doanh nghiệp đầu tư khá lớn vào Lào trong lĩnh vực trồng cây nông nghiệp, cho hay: thời gian đầu đầu tư vào Lào, doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận và nhận thức đúng về các quy định pháp luật quốc tế.

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Vietel

Còn theo đại diện của Tập đoàn Viettel, đầu tư ra nước ngoài thì cơ hội nhiều nhưng rủi ro cũng không kém. Bởi vậy, trước khi đầu tư vào một thị trường, Viettel có những tiêu chí và cách thức tính toán, đánh giá cơ hội và hiệu quả đầu tư rồi mới đưa ra quyết định. Ở từng thị trường, Viettel xây dựng một thương hiệu hoàn toàn mới với tinh thần thương hiệu này là của người dân nước sở tại. Các sản phẩm, dịch vụ, chiến lược kinh doanh của Viettel đều lấy người dân và lợi ích của họ làm tâm điểm để cân bằng với mục tiêu của doanh nghiệp. Tại các nước, Viettel triển khai chiến lược đầu tư để trở thành nhà cung cấp lớn nhất cả về hạ tầng mạng lưới và thuê bao, doanh thu trước khi thị trường bão hoà. Quan điểm của Viettel là bất kể khách hàng nào, từ thành thị đến nông thôn, đều được hưởng chất lượng dịch vụ tốt nhất, băng thông rộng nhất. Đây cũng chính là thứ mà chính phủ cũng như người dân tại các nước đang rất cần và mong muốn có được từ nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, Viettel coi đàm phán đầu tư là sự chia sẻ kinh nghiệm để đem tới sự phát triển bền vững.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận