Sự kiện này có ý nghĩa thế nào trong việc nâng cao sản lượng hàng hóa bằng đường sắt từ Việt Nam-Trung Quốc cũng như đẩy mạnh hoạt động vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt?
Những tháng đầu năm nay vận tải khách bằng đường sắt ghi nhận sự tăng trưởng mạnh thì vận tải hàng hóa lại đang gặp khó do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina cũng như suy thoái kinh tế tại Châu Âu.
Để đẩy mạnh hoạt động vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt, mới đây Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức Lễ đón chuyến tàu đầu tiên chuyên tuyến Thạch Gia Trang (Trung Quốc) – Yên Viên (Việt Nam). Sự kiện này có ý nghĩa thế nào trong việc nâng cao sản lượng hàng hóa bằng đường sắt từ Việt Nam - Trung Quốc cũng như đẩy mạnh hoạt động vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt.
Phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xung quanh nội dung này .
PV: Thưa ông Đặng Sỹ Mạnh, sự kiện Lễ đón chuyến tàu đầu tiên chuyên tuyến Thạch Gia Trang (Trung Quốc) tới Yên Viên (Việt Nam) có ý nghĩa thế nào trong việc nâng cao sản lượng vận chuyển bằng đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc?
Ông Đặng Sỹ Mạnh: Ngày 2/8/2023, Tổng công ty ĐSVN đã tổ chức Lễ đón chuyến tàu đầu tiên chuyên tuyến từ thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) qua ga Yên Viên, Hà Nội (Việt Nam). Đây là một trong chuỗi hoạt động nhằm cụ thể hóa chủ trương giữa 2 Đảng, 2 nhà nước, đặc biệt là “Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc” giữa 2 Tổng Bí thư 2 nước tại chuyến thăm chính thức CHND Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10 - 1/11/2022; đồng thời cụ thể hóa kết quả của chuyến thăm chính thức CHND Trung Hoa và dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) của Thủ tướng ngày 25-28/6/2023.
Chúng tôi đã tiến hành nhiều hoạt động để thực hiện các chủ trương chung đó, đặc biệt Tổng công ty ĐSVN đã đưa ra chủ trương nâng cao sản lượng vận tải hàng hóa, nhất là nâng cao sản lượng hàng liên vận quốc tế.
Thạch Gia Trang là một thành phố 11 triệu dân và đây là đầu mối để vận chuyển hàng đi qua nước thứ 3 và rất nhiều nước trên thế giới như: Mông Cổ, Kazakhstan... Sau khi làm việc chúng tôi đã đồng ý tổ chức chuyến tàu này, đầu tiên tần suất sẽ là 1 tuần/chuyến chạy giữa Thạch Gia Trang và Yên Viên; sau đó tùy theo thị trường và chủng loại hàng hóa chúng tôi nâng tần suất lên. Đây là sự kiện rất ý nghĩa vì lần đầu tiên chúng ta kết nối chạy chuyên tuyến với thành phố Thạch Gia Trang.
Mới đây nhất, vào cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã chấp nhận phương án “Nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt”. Theo phương án này, trong những năm tới sản lượng hàng hóa vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt sẽ tăng trưởng lên gấp 3-4 lần đến năm 2030.
PV: Thưa ông, việc triển khai các chuyến tàu liên vận quốc tế đi châu Âu qua Trung Quốc đã đem lại kinh nghiệm thế nào trong việc tổ chức chuyến tàu chuyên tuyến đi Thạch Gia Trang?
Ông Đặng Sỹ Mạnh: Hoạt động liên vận quốc tế Tổng công ty đã tiến hành rất nhiều, đặc biệt cuối năm 2022 chúng tôi đã chủ động lập Phương án nâng cao năng lực liên vận quốc tế bằng đường sắt và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, giao cho Bộ GTVT chủ trì để triển khai.
Theo phương án này từ nay đến năm 2030 đường sắt sẽ được đầu tư, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các khu ga hàng hóa bằng nguồn đầu tư công và chúng tôi sẽ cố gắng nâng sản lượng hàng hóa vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt từ 1,1 triệu tấn/năm tăng lên gấp 3-4 lần hiện nay.
Bằng nhiều kinh nghiệm đặc biệt là kinh nghiêm trong làm các thủ tục, các mối quan hệ và các vấn đề liên quan đến công tác gom hàng, lập tàu, hải quan, chính quyền rồi thông quan, những kinh nghiệm này được phát huy rất tốt trong thời gian vừa qua
PV: Ngoài chuyến tàu chuyên tuyến Thạch Gia Trang – Yên Viên, kế hoạch của Tổng công ty ĐSVN trong việc khai thác các tuyến kết nối khác với Trung Quốc thế nào trong tương lai?
Ông Đặng Sỹ Mạnh: Việt Nam và Trung Quốc có 2 cửa khẩu chính là Lào Cai - Hà Khẩu và Đồng Đăng – Bằng Tường, trong đó cửa khẩu Đồng Đăng – Bằng Tường có lợi thế là khổ đường 1.435mm, kéo dài từ Đồng Đăng đến Yên Viên và đi sâu trong nội địa, còn cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu khổ đường 1.000mm của chúng ta đi qua đến Hà Khẩu. Đây là 2 cửa khẩu chính để đường sắt Việt Nam triển khai hoạt đông liên vận quốc tế, từ 2 cửa khẩu này chúng ta xuất hàng qua Trung Quốc và từ Trung Quốc có thể đi nước thứ ba hoặc ngược lại chúng ta nhập hàng từ nước thứ ba qua Trung Quốc rồi qua 2 cửa khầu này để về Việt Nam.
Trong phương án liên vận quốc tế chúng tôi cũng tổ chức nâng cao năng lực liên vận chủ yếu dựa vào 2 cửa khẩu này, đặc biệt chúng tôi hướng tới đẩy sâu cửa khẩu vào nội địa của VN. Bởi lẽ nếu trông chờ vào 2 ga thì năng lực của 2 ga có hạn và nếu làm thủ tục hải quan mà chỉ làm việc ở 2 cửa khẩu sẽ chiếm rất nhiều thời gian, bất tiện cho DN, các địa phương, các khu công nghiệp và các ICD.
Vì thế mục tiêu của chúng tôi là mở sâu các cửa khẩu vào sâu trong nội địa, nhằm làm thủ tục hải quan, lập tàu sâu trong nội địa, ở các khu hậu cần và khu công nghiệp của địa phương, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp lập tàu và làm thủ tục hải quan, sau đó ra biên giới chỉ thông quan và thời gian thông quan 1 đoàn tàu 25 container chỉ mất 2 giờ đồng hồ thôi, nó rất tiện lợi.
PV: Xin cảm ơn ông
Hoàng Hà/VOVgiaothong.vn