Biến động chính sách của một số nước sản xuất, xuất khẩu gạo khiến thị trường thương mại gạo toàn cầu đang diễn biến nhanh, có nhiều nhân tố khó đoán định. Ấn Độ công bố lệnh cấm xuất khẩu gạo (trừ gạo basmati) khiến nguồn cung gạo toàn cầu thiếu hụt, ảnh hưởng mạnh tới hơn 140 quốc gia; Nga tuyên bố sẽ không gia hạn thoả thuận mang tên Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen cùng với tình trạng hạn hán đã tác động dây chuyền khiến nhiều nước tăng nhu cầu dự trữ gạo. Hiện giá xuất khẩu một số chủng loại gạo của Việt Nam hiện đã vượt mốc 600 USD/tấn, thiết lập mốc kỷ lục cao nhất trong 11 năm qua.
Xuất khẩu chính ngạch - yếu tố quan trọng
Thực tế hiện nay, sản xuất lúa gạo trong nước có quy mô còn nhỏ lẻ, phân tán dẫn đến có lúc khó kiểm soát được nguồn cung cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất nhỏ lẻ khiến chất lượng gạo không đồng đều, thiếu sự liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ. Đặc biệt, sự liên kết, phân công lao động và tổ chức sản xuất gạo theo lợi thế của vùng và địa phương, dẫn đến tính chuyên môn hóa thấp, dễ xảy ra ùn ứ cục bộ về nguồn cung và thị trường.
Trước thực tế trên, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên lựa chọn việc đảm bảo làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn nhanh và bền vững. Đó chính là bảo đảm chất lượng hạt gạo và thương hiệu sản phẩm để giữ vững an ninh lương thực trong mọi tình huống, giữ vững đơn hàng, giữ vững thị trường xuất khẩu. Trong các buổi phát biểu trên nghị trường, tại các hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhiều lần nhấn mạnh đến sự hợp tác giữa các Bộ, ngành với các DN, địa phương đảm bảo việc tổ chức sản xuất lúa gạo thông suốt qua các chuỗi giá trị bền vững.
Cụ thể, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất, thời gian tới Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT sẽ tham mưu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng của ngành.
“Khẩn trương quy hoạch thành các vùng trồng, vùng nuôi, áp dụng khoa học công nghệ trong các khâu của quá trình sản xuất. Tăng cường tổ chức sản xuất, xuất khẩu theo chuỗi liên kết. Tổ chức hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, tập trung; gắn sản xuất với với tín hiệu của thị trường; liên kết nông dân bằng mô hình hợp tác xã kiểu mới; các khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ được đặt trong một “chuỗi giá trị” với DN”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất.
Cũng tại hội nghị xuất khẩu gạo đầu tháng 8 vừa qua, Bộ Công Thương đề nghị Bộ NN&PTNT đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa, gạo theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Làm tốt công tác định hướng quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản…, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu chính ngạch. Đồng thời, rà soát tình hình sản xuất, thông tin về cơ cấu, chủng loại gạo, diện tích canh tác; cân đối nhu cầu tiêu dùng thóc, gạo trong nước để xác định rõ nguồn thóc, gạo hàng hóa có thể xuất khẩu, tạo thế chủ động cho các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo.
Bám sát thông tin thị trường
Nhằm tăng cường hoạt động sản xuất lúa gạo, nâng chất lượng gạo xuất khẩu bền vững, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ ngành liên quan kịp thời đề xuất các biện pháp hỗ trợ cho người trồng lúa và thương nhân sản xuất, xuất khẩu gạo để họ chuyên tâm vào sản xuất, nâng cao chất lượng hạt gạo Việt Nam.
Đối với các đơn vị chức năng, Bộ Công Thương yêu cầu giám sát việc duy trì mức dự trữ và thu mua lương thực, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. Theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn và kịp thời thông tin về nước. Bộ Công Thương cũng yêu cầu hướng dẫn, hỗ trợ thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; khả năng đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả tranh chấp thương mại quốc tế.
Đối với các DN, Bộ Công Thương khuyến cáo tôn trọng những hợp đồng đã ký để giữ uy tín với các đối tác; hài hòa lợi ích giữa người sản xuất với các DN kinh doanh xuất khẩu. Đồng thời tập trung khai thác nguồn hàng, xây dựng, quảng bá thương hiệu, từ đó chủ động phối hợp với các địa phương để xác lập cơ chế liên kết, hợp tác, bảo trợ… với cơ sở, người sản xuất để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng phù hợp nhu cầu thị trường và đạt quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu.
Trong buổi làm việc với các đối tác nước ngoài, bên cạnh thảo luận hợp tác kinh tế, thương mại nói chung, lãnh đạo Bộ Công Thương luôn đưa nội dung hợp tác về nông sản, trong đó có mặt hàng gạo. Làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Thomas Vilsack, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị Mỹ mở rộng đầu tư FDI trong lĩnh vực nông nghiệp sang Việt Nam, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, chế biến thực phẩm, sản xuất các máy móc thiết bị nhằm hiện đại hóa lĩnh vực nông nghiệp.
Hay trong buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà, Thứ trưởng phụ trách quan hệ kinh tế quốc tế, Bộ Ngoại giao Chile… Bộ Công Thương cũng đề đối tác khuyến khích các DN dệt may, nông sản thực phẩm gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp, cũng như tham dự các hội chợ, triển lãm tổ chức tại mỗi nước.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN