Liên quan đến văn bản kiến nghị gửi đến nhiều cơ quan và lãnh đạo cấp cao, liên danh nhà thầu Hoa Lư khiếu nại cho rằng liên danh nhà thầu Vietur - đơn vị duy nhất được ACV lựa chọn vượt qua vòng kỹ thuật của gói thầu 5.10 - gói thầu nhà ga hành khách sân bay Long Thành đã vi phạm quy định về đấu thầu và không đủ tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Sau đó, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng yêu cầu xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trước sự việc trên, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) liên quan đến việc triển khai dự án thành phần 3 dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu ACV khi báo cáo về dự án phải có nội dung quy mô, phạm vi, tính chất kỹ thuật, giá trị về tất cả các gói thầu tư vấn và xây lắp, thiết bị, giúp các cơ quan theo dõi, đánh giá được tổng thể toàn diện và chỉ đạo, hỗ trợ thực hiện rà soát lại kế hoạch đấu thầu đã duyệt, thẩm định và phê duyệt kế hoạch đấu thầu của các hạng mục công việc còn lại trong tháng 8/2023.
Với việc đấu thầu tìm nhà thầu thi công gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách sân bay Long Thành, Bộ GTVT đề nghị ACV, với vai trò chủ đầu tư, phải tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của liên danh dự thầu theo quy định; không để phát sinh kiến nghị, khiếu nại kéo dài và vượt cấp.
Đối với công tác đấu thầu, đàm phán hợp đồng trước khi ký, Bộ Giao thông Vận tải lưu ý ACV phải yêu cầu nhà thầu bố trí nhân sự có năng lực, kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại phù hợp với tính chất gói thầu và tiến độ thực hiện. Trong hợp đồng phải ràng buộc chặt chẽ các điều khoản thưởng, phạt liên quan đến chất lượng và tiến độ thực hiện, tránh khiếu kiện về sau.
ACV xem xét, đề xuất xây dựng các cơ chế đặc thù (nếu thấy cần thiết) kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền chấp thuận làm cơ sở tổ chức thực hiện theo quy định đáp ứng yêu cầu chất lượng, tiến độ dự án; thường xuyên họp kiểm điểm tiến độ, kịp thời phát hiện, nắm bắt các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai, đề xuất giải pháp thực hiện báo cáo chủ đầu tư, người quyết định đầu tư và Bộ GTVT để tham mưu Chính phủ hỗ trợ giải quyết, đáp ứng tiến độ.
Trước đó, theo thông báo của bên mời thầu là ACV, liên danh Vietur do nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu là đơn vị duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật đối với gói thầu 35.000 tỷ đồng nhà ga hành khách sân bay Long Thành. ACV đã đề nghị đại diện có thẩm quyền của liên danh Vietur đến tham dự lễ mở hồ sơ đề xuất tài chính vào ngày 4/8 tại trụ sở của ACV ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngay sau đó, một liên danh bị loại (Hoa Lư) đã có thư kiến nghị gửi nhiều cấp ngành, vì cho rằng ACV vi phạm quy định đấu thầu.
Căn cứ theo quy định của Luật Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị ACV xem xét các nội dung kiến nghị của liên danh nhà thầu Hoa Lư để giải quyết đúng theo quy định, không làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện gói thầu, dự án.
Theo Điều 91 Luật Đấu thầu, nhà thầu gửi đơn kiến nghị trước khi có kết quả chọn nhà thầu, chủ đầu tư phải có văn bản giải quyết đến nhà thầu trong 7 ngày làm việc. Trường hợp nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị, họ có quyền gửi đơn kiến nghị tới cấp có thẩm quyền cao hơn, ở đây là Bộ Giao thông Vận tải, và sẽ được nhận văn bản trả lời trong 5 ngày làm việc.
Cũng theo Luật Đấu thầu, trường hợp nhà thầu không đồng ý với quyết định giải quyết kiến nghị, họ có quyền khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi.
Dự kiến, trong tháng Tám này, ACV sẽ hoàn thành việc xét thầu gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách sân bay Long Thành với giá trị hơn 35.000 tỷ đồng. Nếu nhà thầu duy nhất vượt qua vòng tài chính sẽ thực hiện đàm phán, ký hợp đồng và khởi công ngay trong tháng 8/2023.
- Liên danh nhà thầu Hoa Lư gồm 8 doanh nghiệp: Công ty CP Xây dựng Coteccons, Công ty TNHH đầu tư xây dựng Unicons; Tổng công ty Thành An; Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng Delta; Công ty CP xây dựng Central; Công ty CP xây dựng An Phong; Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình; Powerline Engineering Public Limited.
- Liên danh Vietur gồm 10 thành viên, do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại-Xây dựng ICISTAS đứng đầu. Trong liên danh này có sự xuất hiện của Newtecons, Ricons và SOL E&C của ông Nguyễn Bá Dương.
- Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia và mang tầm cỡ hàng đầu khu vực châu Á Thái Bình Dương với tổng vốn đầu tư khoảng 336.630 tỷ đồng, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm và chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 xây 1 đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm. Dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025.
- Gói thầu nhà ga hành khách (gói 5.10) là gói có vốn đầu tư "khủng" trị giá 35.233 tỷ đồng. Giới phân tích đánh giá, việc trúng gói thầu 5.10 là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho các nhà thầu trong nước trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng. Giả sử biên lợi nhuận ròng thu được trên tổng giá trị gói thầu là 3%, ước tính tổng lợi nhuận ròng mà liên danh trúng thầu thu được sẽ vào khoảng 1.000 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này là tương đối lớn so với lãi ròng trung bình hàng năm giai đoạn 2019-2022 của Coteccons (264 tỷ đồng), Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (lỗ ròng 133 tỷ đồng) và Vinaconex (866 tỷ đồng).
- Trước thềm khởi công sân bay Long Thành, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 với doanh thu 4.929 tỷ đồng, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế tăng nhẹ lên 3.236 tỷ đồng, vượt giai đoạn khó khăn vì đại dịch Covid-19.
|
Phi Long/VOV.VN